Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Vì sao nhiều chỉ tiêu “không chịu” đi vào cuộc sống

Một điều đáng suy ngẫm là trong nhiều nghị quyết của Đảng, các quan điểm đưa ra đều rất đúng, rất ý nghĩa, nhưng khi xác định mục tiêu, chỉ tiêu lại không sát và không đạt được trên thực tế. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng (ban hành năm 1996) xác định mục tiêu: Đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra mục tiêu như vậy là chủ quan, duy ý chí, vì thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước tư bản phải trải qua hàng trăm năm xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường mới có thể trở thành nước công nghiệp; trong khi Việt Nam khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) từ điểm xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, thấp hơn cả điểm xuất phát của nhiều nước tư bản, thì không thể có chuyện CNH-HĐH “rút ngắn” trong khoảng 25 năm mà trở thành nước công nghiệp được.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), tư duy xây dựng nghị quyết trong “phòng lạnh”, “ngồi ghế sa lông” để xác định phương hướng, xác định mục tiêu là căn nguyên sâu xa khiến một số nghị quyết còn “tràng giang đại hải”, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì thế, nghị quyết rất khó đi vào cuộc sống.

Điển hình cho nghị quyết “vẽ ra” nhiều mục tiêu, giải pháp hay có lẽ phải kể đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ CNH-HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000”, ban hành năm 1996. Một trong những giải pháp đó là: “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đặc biệt đối với tiền lương. Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Thế nhưng, giải pháp đó vẫn nằm trên giấy và “không chịu”... đi vào cuộc sống suốt 27 năm qua.

Một trong những mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đặt ra là: “Đến năm 2020, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc”. Nghị quyết đưa ra mục tiêu rất tốt đẹp. Tuy vậy, theo đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến nay đa số các khu công nghiệp trong cả nước chưa có quy hoạch về xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của công nhân lao động hầu như chưa có; mức hưởng thụ về văn hóa của đối tượng này rất thấp. Vì thế, năm 2020, giai cấp công nhân chưa thể trở thành đại diện “tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc” như Nghị quyết 20 của Đảng đề ra.

Cũng trong năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, trong đó xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%”. Tuy nhiên, theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2020, lực lượng lao động của khu vực nông thôn vẫn chiếm 67% lực lượng lao động xã hội; trong khi đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo mới đạt 24%. Như vậy, cả hai chỉ số mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra đều chưa đạt 50% mục tiêu mà Đảng đã xác định. 

Không chỉ cấp Trung ương mà ở cấp tỉnh cũng vậy. Ví như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2005-2010 xác định đến năm 2010 sẽ xây dựng huyện Bắc Quang trở thành thị xã. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện này chưa thể đáp ứng đủ tiêu chí nên gần 3 nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã trôi qua, mục tiêu đó vẫn chỉ dừng lại trên nghị quyết!

Ở cấp cơ sở, việc đề ra chỉ tiêu chưa sát với thực tế không phải là hiếm. Mới đây, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu trong một số nghị quyết không phù hợp, cho nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví như Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20-4-2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu về tỷ lệ trung cấp lý luận chính trị đối với cấp ủy viên cấp cơ sở đến năm 2025 đạt 92% là cao so với thực tiễn. Hoặc chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết này về tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ dưới 40 tuổi tham gia ban thường vụ các cấp đến năm 2025 là khá cao, khó thực hiện do chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét