Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

NGƯỜI CẮM CỜ GIẢI PHÓNG Ở CHI KHU NGÃ NĂM

 


Câu chuyện về nữ Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Nguyệt Hồng và trận đánh tiêu diệt Chi khu Ngã Năm (Sóc Trăng) vẫn thường được các cựu chiến binh nhắc tới trong những buổi gặp mặt và giao lưu với thế hệ trẻ hôm nay.


Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng sinh năm 1950, là con thứ ba trong gia đình, quê ở xã Vĩnh Quới, huyện Thạnh Trị (nay là thị xã Ngã Năm), tỉnh Sóc Trăng. Tròn 15 tuổi, Lưu Nguyệt Hồng xung phong vào du kích, được phân công làm y tá Đội Biệt động thị trấn Ngã Năm. “Hồi đó, tôi chưa hiểu nhiều về Đảng, cách mạng nhưng thấy giặc bắt bớ, tra tấn bà con nên tình nguyện tham gia kháng chiến, đánh đuổi ác ôn”, bà Hồng nhớ lại.


Huyện Thạnh Trị có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Vì vậy, Mỹ-ngụy thiết lập Chi khu Ngã Năm thuộc hệ thống phòng thủ của Tiểu khu Ba Xuyên để kiểm soát và đàn áp phong trào cách mạng, đồng thời là nơi án ngữ tuyến hành lang ra căn cứ U Minh. Chi khu nằm trên vùng đất có năm nhánh sông tỏa về các hướng: Cà Mau, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Phú Lộc và Rạch Giá. “Mặc dù nhiều lần bị ta tiêu diệt nhưng địch luôn tìm cách tái chiếm, tăng cường xây dựng hệ thống đồn bót, lô cốt, tháp canh và hàng rào thép gai dày đặc; đồng thời tập hợp các phần tử ác ôn trong vùng ra sức lùng sục, giết hại người dân chúng nghi ngờ là Việt cộng”, ông Nguyễn Minh Ở, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị kể.


Trước tội ác của Mỹ-ngụy, nhân dân huyện Thạnh Trị tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống đàn áp, bắn giết, thảm sát người vô tội. Địch thẳng tay bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn khiến nhiều người hy sinh hoặc tàn phế suốt đời. Không khuất phục trước sự đàn áp của chúng, ngày 23-12-1967, bộ đội chủ lực Quân khu 9 phối hợp với dân quân, du kích huyện Thạnh Trị đánh Chi khu Ngã Năm. “Trận này, tôi được phân công phụ trách đội dân công tải thương về trạm phẫu thuật dã chiến. Địch phản kích quyết liệt bằng phi cơ, tôi cùng du kích chiến đấu bảo vệ an toàn cho 28 thương binh, thu 5 súng carbine, 1 khẩu trung liên và thùng lựu đạn M26. Sau trận đánh này, tôi được khen thưởng là Chiến sĩ xuất sắc”, bà Hồng cho biết.


Từ năm 1965 đến 1967, bà Hồng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu hơn 100 trận, tiêu diệt hàng chục tên địch, trong đó có 2 đồn trưởng và 1 trưởng ấp ác ôn; bắt sống 4 tên, vận động hàng trăm binh sĩ và phòng vệ dân sự rã ngũ.


Đầu mùa mưa năm 1968, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Sóc Trăng lệnh cho huyện Thạnh Trị tổ chức bao vây, tiêu diệt Chi khu Ngã Năm. Trên cương vị Trung đội phó du kích thị trấn, bà Hồng chỉ huy Tiểu đội du kích nữ và hơn 100 dân công lập pháo đài ở mũi Xóm Gạo, tạo điểm cao bắn vào Chi khu Ngã Năm. Bà Hồng kể: “Chúng tôi đào 3.660m chiến hào, gài chông, lựu đạn... trên cả cánh đồng Xóm Gạo, giữ vững pháo đài và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch. Tôi còn cho anh em lấy rơm bện thành hình nhân dựa vào ván che chắn đạn, mảnh pháo để lực lượng ta tiến sát đồn địch. Địch ở chi khu khiếp sợ vì tưởng ta có trang bị mới, đạn không thể xuyên thủng”.


Qua hơn 50 ngày đêm tổ chức bao vây, quân dân huyện Thạnh Trị đã tiêu diệt được chi khu quân sự phòng thủ kiên cố bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và phương tiện quân sự, bộ máy kìm kẹp của địch tan rã. Trong ký ức của bà Hồng vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc: “Khi địch rút chạy, tôi hạ cờ địch, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc nhà Chi khu Ngã Năm. Sau trận đánh này, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua của tỉnh”.


Sau ngày đất nước thống nhất, bà Hồng đảm nhiệm và hoàn thành tốt các cương vị: Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thạnh Trị, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999 và 1999-2004. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, năm 2005, bà Lưu Nguyệt Hồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét