Trước hết, để hiểu được nguồn gốc, loại hình của chủ nghĩa dân tộc, cần nhìn nhận về sự ra đời của dân tộc (Nation). Đến nay, trên thế giới có hai khuynh hướng lý thuyết liên quan đến vấn đề này. Những người theo thuyết khởi nguyên (Primordialism) hay thuyết truyền thống (Traditionalism) cho rằng, dân tộc xuất hiện từ trước thời kỳ hiện đại. Còn những người theo chủ nghĩa hiện đại (Modernilism) hoặc chủ nghĩa duy vật (Materialism) lại khẳng định, dân tộc chỉ ra đời ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Về khái niệm dân tộc, nhiều học giả trên thế giới có chung quan điểm, đó là siêu cộng đồng dân cư, chỉ hình thành khi có nhà nước, với một lãnh thổ, cấu trúc kinh tế, xã hội và chia sẻ những giá trị văn hóa chung.
Theo Mai-cơn
Hét-tơ (Michael Hechter), chủ nghĩa dân tộc là hành động tập thể hướng đến làm
cho biên giới quốc gia trùng khớp với sự quản trị của quốc gia đó(1).
Còn C-rai Ca-hun (Craig Calhoun) cho rằng, chủ nghĩa dân tộc không phải là học
thuyết, mà hơn cả là cách trao đổi, suy nghĩ và hành động(2). Dưới
góc nhìn văn hóa, Xờ-mít (Smith) nhận xét, chủ nghĩa dân tộc là loại hình của văn
hóa, gồm tư tưởng, ngôn ngữ, huyền thoại, biểu tượng, ý thức trong sự tương
liên với toàn cầu(3). Về thời điểm ra đời chủ nghĩa dân tộc, trong
nhiều ý kiến được Craig Calhoun tổng hợp, phần lớn đều cho rằng, chủ nghĩa này
trở nên phổ biến vào năm 1815 - thời điểm phát triển mạnh mẽ của phong trào
giành độc lập dân tộc(4).
Xem xét cơ sở
hình thành của chủ nghĩa dân tộc, E-ríc-sen (Eriksen) khẳng định, nó được khởi
nguồn từ các nguyên tắc chính trị, như tình cảm hay phong trào, thậm chí có
tính dị thường(5). Bê-sing-gơ (Beissinger) cho rằng, có màu sắc khác
nhau ở chủ nghĩa dân tộc Đức thế kỷ XIX; chủ nghĩa dân tộc A-rập thế kỷ XX; chủ
nghĩa dân tộc mới xuất hiện trong phong trào chống thực dân; chủ nghĩa dân tộc
ở Đông Á. Sau khi mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu
sụp đổ, nhiều nhà nước chuyển sang chủ nghĩa dân tộc(6).
Về các loại hình
của chủ nghĩa dân tộc, hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Michael Hechter, có
bốn loại chủ nghĩa dân tộc: 1- Chủ nghĩa dân tộc nhà nước (State nationalism);
2- Chủ nghĩa dân tộc ngoại biên (Peripheral nationalism); 3- Chủ nghĩa dân tộc
tái chiếm lãnh thổ (Irredentist nationalism); 4- Chủ nghĩa dân tộc thống nhất
(Unification nationalism). Ở chiều cạnh thanh lọc tộc người (Ethnic cleasing)
trong quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc, Michael Hechter lại chia chủ nghĩa
dân tộc thành hai loại hình là chủ nghĩa dân tộc dung nạp (Inclusive
nationalism), và chủ nghĩa dân tộc loại trừ (Exclusive nationalism). Vẫn từ góc
nhìn tộc người, Eriksen cho rằng, có hai loại chủ nghĩa dân tộc, đó là chủ
nghĩa dân tộc tộc người (Ethnic nationalism) và chủ nghĩa dân tộc phi tộc người
(Non-ethnic nationalism)(7); còn với Smith, có chủ nghĩa dân tộc tộc
người, bao gồm chủ nghĩa dân tộc ly khai và chủ nghĩa dân tộc đòi lãnh thổ
(Irredentist nationalism)(8). Từ góc độ tôn giáo, Bác-kơ (Barker)
lại chia chủ nghĩa dân tộc thành chủ nghĩa dân tộc thế tục (Secular
nationalism) và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo (Religious nationalism)(9).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét