Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Sự trỗi dậy và tính hai mặt của chủ nghĩa dân tộc trên thế giới

 

Xem xét chủ nghĩa dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, Đa-vít Brao (David Brown) cho rằng, nó có hai đặc điểm: Một là, chiều kích tộc người trong chủ nghĩa dân tộc. Theo đó, tộc người có vai trò quan trọng trong chủ nghĩa dân tộc ở các nước thuộc khu vực này. Hầu hết các nước đều có tộc người hạt nhân (Score), với vai trò tạo lập dân tộc. Tộc người hạt nhân gắn với vai trò văn hóa, và thường có dân số lớn nhất (đa số), còn các tộc người thiểu số thường có dân trí thấp hơn. Hai là, chiều kích công dân trong chủ nghĩa dân tộc. Trong quá trình xây dựng dân tộc, các quốc gia cũng hướng đến vấn đề công dân để thực hiện đoàn kết dân tộc(10).

Chủ nghĩa dân tộc có tính hai mặt. Ngay việc phân chia các loại hình của chủ nghĩa này như đã nêu, dựa trên sự nhìn nhận về cơ sở và đặc điểm của nó, cũng phần nào phản ánh điều đó. Mặt hạn chế, nguy hiểm nhất của chủ nghĩa dân tộc là tính hẹp hòi, cực đoan, sô-vanh. Trong các loại hình chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tộc tộc người và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo dễ dẫn đến hẹp hòi và cực đoan nhất. Trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức Quốc xã thúc đẩy ý tưởng rất phản động về một dân tộc Đức thượng đẳng, đứng trên tất cả các dân tộc khác, có quyền tiến hành chiến tranh để “mở rộng không gian sinh tồn”, thanh lọc tộc người, tiêu diệt các dân tộc khác mà nạn diệt chủng người Do Thái là một ví dụ điển hình về tính tàn bạo và phi nhân tính của nó.

Chủ nghĩa dân tộc tộc người được hình thành trên cơ sở tộc người, tức đề cao bản sắc tộc người, lấy tộc người làm trung tâm, nhằm đạt được mục đích chính trị là xây dựng nhà nước dân tộc với tộc người chiếm ưu thế làm chủ thể, hoặc tộc người đó được tự trị trong một quốc gia - dân tộc. Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa dân tộc tộc người bùng nổ ở nhiều nơi thuộc các châu lục Á, Phi, Mỹ La-tinh, chống lại chủ nghĩa thực dân và kiến tạo được nhiều quốc gia - dân tộc độc lập, với các thể chế chính trị khác nhau. Sau đó, chủ nghĩa này lại tiếp tục hồi sinh không chỉ ở ngay các quốc gia - dân tộc đã nêu mà còn xuất hiện tại các nước vốn đã từng là chính quốc xâm chiếm thuộc địa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân tộc tộc người càng có điều kiện mang tính xuyên quốc gia. Khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên thế giới vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhân lõi của nó chính là chủ nghĩa dân tộc tộc người. Sự chia sẻ về văn hóa và nguồn gốc tổ tiên của tộc người là những yếu tố dễ dàng tạo sự kết nối trong huy động phong trào chính trị và tính thống nhất về chính trị. Song, nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa dân tộc tộc người không phải sự chia sẻ ấy, mà chính là sự bất bình đẳng về lợi ích và mâu thuẫn, xung đột xã hội tại các quốc gia. Cùng với đó, phải kể đến các thế lực bên ngoài kích động, hỗ trợ, chia rẽ để làm suy yếu các nước đối thủ cạnh tranh hoặc vừa mới giành được độc lập dân tộc.  Theo đó, chủ nghĩa dân tộc tộc người chỉ là phương tiện của các lực lượng chính trị để đạt mục đích.

Chủ nghĩa dân tộc tôn giáo lấy tôn giáo là yếu tố quan trọng để tạo nên bản sắc dân tộc, có sự liên kết giữa truyền thống tôn giáo với thiết chế xã hội; đồng thời, tôn giáo cũng được sử dụng như công cụ để đạt được những mục tiêu chính trị. Gắn với quá trình xây dựng quốc gia - dân tộc, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo có sức mạnh bởi nó đan kết với đời sống chính trị, xã hội và văn hóa. Việc hiểu đơn giản về chủ nghĩa dân tộc thế tục, tức chỉ là sự tách biệt giữa nhà thờ với nhà nước, sẽ không phát huy được các yếu tố tích cực của tôn giáo và cũng không lường hết những phức tạp của tôn giáo. Từ những năm 70 thế kỷ XX đến nay, chủ nghĩa dân tộc tôn giáo trên thế giới rất phát triển, kể cả ở những quốc gia tuyên bố theo chủ nghĩa thế tục; nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới cùng sự bất ổn của một số nước có liên quan chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, như ở I-xra-en, Pa-le-xtin, Mi-an-ma, Thái Lan hay Ấn Độ.

Có thể thấy rằng, chủ nghĩa dân tộc trên thế giới rất đa dạng và phức tạp. Chủ nghĩa dân tộc có vai trò tích cực khi gắn với lòng yêu nước và ý thức công dân trong bảo vệ, xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc. Song, chủ nghĩa dân tộc sẽ có nhiều tác động tiêu cực nếu trở nên hẹp hòi và cực đoan, khi nó chỉ hướng đến trục lợi cho quốc gia - dân tộc hay nhóm tộc người, nhóm tôn giáo của mình mà chà đạp lên lợi ích của các quốc gia - dân tộc hay tộc người khác, tôn giáo khác; dẫn tới sự thoát ly của các nhóm tộc người, tôn giáo với cộng đồng quốc gia - dân tộc vì mưu cầu riêng.      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét