Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Phản bác các luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam dù là trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Do đó, công tác cán bộ cũng luôn được Đảng xác định là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã chỉ rõ: Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng. Trải qua 10 năm đổi mới, đến Đại hội VIII, trong Văn kiện Đại hội Đảng xác định chủ trương phải: “Sớm xây dựng cho được một chiến lược cán bộ của thời kỳ mới”. Đến Đại hội X, từ thực tiễn xây dựng Đảng qua 20 năm đổi mới, một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng rút ra là: “Đảng phải chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. Phải tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách. Đặc biệt coi trọng xây dựng cán bộ chủ chốt”. Tại Đại hội XIII, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ có những bước phát triển lớn khi một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng xác định cần phải thực hiện để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới là: “Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ-nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ các cấp nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhằm tạo bước đột phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thay thế cho Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009 về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, một mặt nhằm khắc phục những điểm chưa phù hợp của Quy định số 260-QĐ/TW nhưng mặt khác cũng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc xử lý các cán bộ theo hình thức miễn nhiệm, từ chức, từ đó góp phần bổ sung, hoàn thiện hơn nữa các khâu, các quy trình trong công tác cán bộ. Nhờ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ, công tác cán bộ ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch và ngày càng dân chủ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cũng không tránh khỏi việc còn tồn tại một số các hạn chế, yếu kém. Lợi dụng chính các hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ, các thế lực thù địch đã ra sức tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc hòng chống phá công tác cán bộ của Đảng. Đặc biệt, thời gian qua, trước việc Đảng ta kiên quyết xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao vì những sai phạm,những luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng lại càng được lợi dụng triệt để. Trên thực tế, trong công tác cán bộ thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Những sai phạm trong thực hiện quy trình cán bộ liên quan đến việc quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, bố trí, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… vẫn còn xảy ra một số cơ quan, đơn vị gây bức xúc trong dư luận xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng”. Những hạn chế này có nguyên nhân là bởi một số khâu trong công tác cán bộ chậm được đổi mới; chính sách cán bộ chưa thật sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; chưa có cơ chế hiệu quả để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức và năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ của người đứng đầu ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu kém và trong nhiều trường hợp còn chịu sự chi phối bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dẫn đến sai sót trong việc thực hiện các quy trình của công tác cán bộ. Đặc biệt, đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm bị xử lý, kỷ luật là do chính họ không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức dẫn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, nhân dân. Đó tuyệt đối không phải là sai lầm của chủ trương, đường lối trong công tác cán bộ của Đảng, lại càng không phải là biểu hiện mất dân chủ, thiếu minh bạch, “áo gấm đi đêm” vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ… như các thế lực thù địch vẫn rêu rao, tuyên truyền. Mặc dù ra sức tung tin xấu độc, thật giả lẫn lộn, đào sâu, khuếch trương một số hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ hòng dẫn dắt dư luận, làm rối loạn chính trị - xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước thì các thế lực thù địch cũng không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong công tác cán bộ như Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, trong nhiệm kỳ đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ hơn. Việc chống chạy chức, chạy quyền được coi trọng, có chuyển biến; công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn… Để đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế Đảng lãnh đạo trực tiếp, hoàn thiện công tác cán bộ đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ đặc biệt là đối với người đứng đầu cấp ủy, chống chạy chức, chạy quyền; hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ; xây dựng, hoàn thiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động quyết liệt vì những lợi ích chung; xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật Nhà nước cũng như xử lý bằng pháp luật đối với những cán bộ vi phạm kể cả khi cán bộ đó đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu; đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc được giao; thực sự coi trọng và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ đồng thời kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và việc lợi dụng các loại hình phương tiện truyền thông đại chúng để xuyên tạc sự thật về công tác cán bộ nhằm mục đích kích động, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ… Cần phải nhận thức rõ một thực tế là: không phải ngẫu nhiên một trong các trọng tâm các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá là công tác cán bộ bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”; Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Điều này đồng nghĩa với việc nếu sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với công tác cán bộ không được ngăn chặn, phản bác kịp thời và hiệu quả sẽ nguy cơ gây rối loạn chính trị - xã hội, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, kịp thời nhận diện và đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác cán bộ của Đảng là góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét