Quyền lực “là quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc: nắm quyền lực trong tay - dùng quyền lực ép người ta phải nghe theo, làm theo”, hiểu khái quát đó là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy. Còn tha hóa là “1. Trở nên khác đi, biến thành cái khác…2. Trở thành người mất phẩm chất đạo đức, một cán bộ bị tha hóa”. Hiểu theo nghĩa chung nhất, đó chính là cái ban đầu được biểu hiện là cái khác, là hiện tượng làm biến tướng bản chất hoặc mục đích của sự vật, hiện tượng. Tha hóa quyền lực là căn bệnh của những người có chức, có quyền, vì thế cần phải phòng và chống sự tha hóa quyền lực bằng cách: “1. Kiểm tra, xem xét, nhằm ngăn ngừa những sai phạm các quy định… 2. Đặt trong phạm vi quyền hành và trách nhiệm”.
Tiếp cận từ góc độ “phạm vi quyền hành và
trách nhiệm”, có thể nhận dạng sự tha hóa quyền lực ở một số biểu hiện cơ bản
như sau: 1) Lạm quyền: chủ thể nắm quyền tự cho mình thêm những
quyền mà họ không có được khi được trao quyền. Sự “tạo thêm” này là “dạng vượt
quá giới hạn”, làm biến dạng quyền lực. 2) Lộng quyền: là sự liều
của chủ thể của quyền lực khi “làm” mà không cần biết hậu quả xảy ra thế nào và
cũng không sợ trách nhiệm mình phải gánh chịu. 3) Trục lợi từ quyền:
hình thành dần trong quá trình thực thi quyền lực, do các chủ thể quyền lực có
thể “tranh thủ” chi phối đối tượng để đòi hỏi các lợi ích vật chất và tinh thần
cho mình. 4) Độc đoán, chuyên quyền: người được xã hội trao quyền
muốn thâu tóm, khống chế quyền lực bằng một cơ chế tập trung quyền lực cao độ
về mình; trấn áp tất cả các thế lực chống đối để tuyệt đối hóa quyền lực của
mình. 5) Quan liêu: biểu hiện người nắm quyền không bám sát thực
tế, không dựa trên những cơ sở thực tế để thực thi quyền lực công mà chỉ nhằm
bảo vệ lợi ích ích kỷ của mình, nhóm mình, địa phương mình,v.v.. 6) Tuỳ
tiện: người nắm quyền hoặc không biết rõ quyền lực của mình đến đâu hoặc
cẩu thả trong thực thi quyền được trao mà không ý thức được hậu quả mình gây
ra. 7) Tiếm quyền: là biểu hiện người nhận được quyền lực một
cách không hợp pháp mà là sự “đoạt được” địa vị của người có quyền lực hợp
pháp. 8) Vô trách nhiệm: là thờ ơ hoặc buông xuôi trước trước yêu
cầu của việc thực thi quyền lực được trao; thường gây thiệt hại cho xã hội và
cho chính người trao quyền. 9) Bất lực: thể hiện trong việc người
nắm quyền lực dần mất đi thực quyền hoặc kém khả năng quyết đoán; chỉ có danh
mà không có sức mạnh để thực thi ý chí của mình; thường bị thao túng bởi một
thế lực nào đó. 10) Tham quyền cố vị: là biểu hiện người có quyền
lực bằng mọi cách giữ lại địa vị vốn có mà không từ một thủ đoạn nào để loại
trừ đối thủ. 11) Phân tán quyền lực: là sự biến tướng dưới dạng
cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân, chia bè kéo cánh; làm mất đi tính thống
nhất về quyền lực nhà nước cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc,v.v..
Với một chính đảng đã cầm quyền, việc thực
thi quyền lực và yêu cầu phải phòng, chống sự tha hóa quyền lực đối với tổ chức
đảng, nhất là với các cán bộ, đảng viên được trao quyền giữ các chức vụ trọng
yếu trong Đảng, các cơ quan công quyền, các tổ chức chính trị xã hội là nhằm
đảm bảo cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành được vận hành hiệu
lực, hiệu quả; đồng thời, ngăn ngừa và phòng, chống các biểu hiện suy thoái,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng cầm quyền ở đây hiểu theo
nghĩa là Đảng lãnh đạo Nhà nước và “lãnh đạo” thông qua đội ngũ cán bộ, đảng
viên giữ những trọng trách trong tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, hệ thống
chính trị. Do có quyền lực, người được trao quyền lực dễ bị tha hóa bởi tự coi
mình trở thành “hiện thân” của quyền lực - đặt mình lên trên các nguyên tắc tổ
chức của Đảng, dẫn đến từng bước vô hiệu hóa vai trò của tổ chức, làm mất đi
tính tiên phong của Đảng cách mạng. Theo đó, người được trao quyền đã vượt quá
"phạm vi quyền hành và trách nhiệm" của mình; đã sử dụng quyền lực để
chiếm đoạt các giá trị vật chất, tinh thần của xã hội, xâm phạm tới lợi ích của
các thành viên khác nhằm mưu cầu cho mình, người thân,v.v.. Tha hóa quyền lực biểu hiện ở nhiều sự việc: từ sự nhũng nhiễu,
hạch sách, vòi vĩnh để “tham nhũng vặt” người dân; quan liêu, thờ ơ trước yêu
cầu, bức xúc của nhân dân, chậm giải quyết các thủ tục hằng ngày cho người dân
ở địa bàn cơ sở,v.v.. đến việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực công vụ để mưu lợi
ích, tham ô, “tham nhũng lớn” cho cá nhân, nhóm lợi ích… Ở chiều cạnh này, sự
tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ phản ánh sự suy thoái
về phẩm chất và năng lực của người cán bộ, đảng viên mà còn phản ánh thực chất
mức độ sự suy thoái quyền lực nhà nước mà đảng đang cầm quyền. Đặc biệt quan
tâm vấn xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Đảng
là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức
cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn
Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét