Trị “bệnh” quan liêu, mệnh lệnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức ta, để làm hỏng công việc của ta”...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ
rõ: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu, đi sát, không hiểu rõ lai lịch,
tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ
phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ,
không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách…”1), (2), (3),
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN.1996, tập 11, tr.373. Quan liêu thường
đi đôi với mệnh lệnh, hống hách, vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gọi chung
là “quan liêu mệnh lệnh”. Người cho rằng, “bệnh quan liêu” là “chỉ biết dùng mệnh
lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và
tự động”; cán bộ mắc bệnh quan liêu thực chất chỉ là những kẻ giả dối “làm láo,
báo cáo hay”, những nhà dân chủ giả hiệu “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc
thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái
ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng
và Chính phủ”.
Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh quan liêu
là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì
nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức ta, để làm hỏng công
việc của ta”...
Trong tình hình hiện nay, “bệnh” quan
liêu mệnh lệnh còn tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị nói chung, trong Quân đội
nói riêng. Biểu hiện của “căn bệnh” này được thể hiện ở cả suy nghĩ, thái độ,
hành vi và việc làm cụ thể của một số cán bộ, đảng viên; họ chưa thực sự phát
huy được vai trò, hiệu quả, trách nhiệm trong công tác, tinh thần tự giác trong
học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức lối sống; ý thức tự phê bình và phê bình
chưa cao, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ trì chưa thể hiện
tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự
sâu sát bộ đội, ngại va chạm, tiếp xúc với bộ đội, không lắng nghe và giải đáp
kịp thời ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ; đánh giá hiệu quả công việc
chủ yếu dựa trên các báo cáo, “lối làm việc bàn giấy”, chưa nghiên cứu tình
hình thực tế; có thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước
những khó khăn, vướng mắc của bộ đội; thấy những việc khó khăn thì lẩn tránh,
hoặc đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho người khác; có thành tích thì vơ về mình
theo kiểu “tranh công, đổ lỗi”. Thậm chí, họ sẵn sàng “dìm” người khác để nâng
mình lên; giương oai, tự đắc, cho mình có quyền sinh, quyền sát, đe nẹt bộ
đội.… Do đó, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị không cao, gây
bức xúc trong đơn vị...
Những biểu hiện đó đã và đang làm giảm
sút ý chí chiến đấu, ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy và kết quả hoàn
thành nhiệm vụ của đơn vị; khoét sâu mâu thuẫn, bất đồng trong cơ quan, đơn vị,
ảnh hưởng đến tình đồng chí, đồng đội, truyền thống đoàn kết, nhất trí, uy tín
của Quân đội ta, đến phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, đó là mảnh
đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, phát tán thông tin sai
trái, bình luận xuyên tạc sự thật, nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội, bôi nhọ
tình đồng chí, đồng đội, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân
dân.
Để trị “bệnh” quan liêu mệnh lệnh, các
cơ quan, đơn vị cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng
viên về tư cách đạo đức người quân nhân cách mạng; quán triệt, thực hiện nghiêm
túc quy định Điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được làm, quy định của Bộ
Chính trị, Ban tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quy trình công tác
quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đặc biệt, làm tốt công tác tạo nguồn,
đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ có tài, có đức, tận tâm
trong thực hiện nhiệm vụ; lấy sự tín nhiệm của bộ đội để đánh giá và quy hoạch
cán bộ, không để những cán bộ thoái hóa, biến chất, cơ hội, thực dụng chui vào
các cơ quan, đơn vị. Phải làm cho đội ngũ cán bộ “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí
công vô tư”, cán bộ phải làm gương để bộ đội học tập và làm theo, đặt công việc
chung, lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chế độ
tự phê bình và phê bình, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII)
về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tự phê bình phải đi đôi với phê bình (phê bình
việc không phê bình người); phê bình đồng chí, đồng đội để giúp nhau sửa chữa
tiến bộ, để bồi bổ tư cách, không che giấu khuyết điểm, không làm qua quýt cho
xong, làm chiếu lệ, hoặc cho rằng đó là việc nhỏ, không quan trọng, mà phải
thực sự mạnh dạn chỉ cho nhau những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm
vụ. Thông qua đó, kịp thời ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục các hiện tượng quan
liêu, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, hay thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn,
bức xúc, nguyện vọng chính đáng của bộ đội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền
những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến, những “công
bộc” hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự Quân đội. Đấu tranh
phản bác các quan điểm sai trái, các hành vi quan liêu mệnh lệnh, làm trong
sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần
tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là đẩy mạnh việc học
tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Cuộc vận động
Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời
kỳ mới; phải rèn luyện phương pháp, tác phong công tác khoa học, tỉ mỉ, thường
xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến góp ý của cấp dưới và bộ đội; phải thực sự gần
gũi, yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ bộ đội; phải thật lòng, thật tâm, thật tình
với bộ đội. Bởi lẽ, phẩm chất đạo đức cách mạng của người quân nhân không chỉ
là yếu tố tạo nên nhân cách mà còn là tấm gương để bộ đội noi theo. Hơn nữa,
muốn lãnh đạo, chỉ huy được bộ đội, muốn bộ đội tin, nghe và noi theo, thì cán
bộ phải là tấm gương mẫu mực trong lời nói và hành động. Thực tế cho thấy, ở
bất cứ cơ quan, đơn vị nào mà cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì thực sự gương mẫu
về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác và hết lòng vì đơn vị thì
được bộ đội tôn trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng và noi theo. Từ đó, cán bộ,
chiến sĩ “hòa vào một”, và như thế, “bệnh” quan liêu mệnh lệnh cũng tự mất
theo, thông qua đó góp phần xây dựng tổ chức đảng TSVM, cơ quan, đơn vị VMTD,
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét