Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Tự do tuyệt đối về tôn giáo - sự đòi hỏi phi lý

     Quyền con người nói chung, quyền “tự do tôn giáo” nói riêng là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Song, lợi dụng quyền tự do tôn giáo để đòi “tự do tuyệt đối về tôn giáo” (tôn giáo đứng ngoài pháp luật) dù mục đích nào cũng đều phi thực tiễn, không thể chấp nhận.

Theo văn bản pháp lý của Liên hợp quốc: mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối mà là một quyền tương đối, có giới hạn. Điều này được chỉ rõ tại Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948: “Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; Khoản 3, Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, quan niệm cho rằng “tự do tuyệt đối về tôn giáo” là sự cố tình phớt lờ nội dung cốt lõi của các văn bản pháp lý quốc tế, nhằm can thiệp, phá hoại hệ thống pháp lý các quốc gia về tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động...

Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đều khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam: luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này tiếp tục được Đảng ta khẳng định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng”. Điều 24, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Mặc dù các văn bản pháp lý của Việt Nam hoàn toàn tương thích với Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc, nhưng các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị vẫn cố tình tạo cớ, xuyên tạc, cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam ban hành nhằm hạn chế “tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của người dân và đòi “tự do tuyệt đối về tôn giáo”. Đây là sự xuyên tạc hết sức lố bịch nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thực tế ở Việt Nam có không ít hoạt động tôn giáo nhuốm màu mê tín dị đoan, trái với văn hóa truyền thống, không được pháp luật cho phép, như: hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Nhất quán đạo, v.v. Một số vụ vi phạm pháp luật bị đưa ra xét xử, phạt tù, điển hình là: đối tượng Rah Lan Hip (trú tại Ia Băng, Chư Prông, Gia Lai) bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 7 năm tù, vì đã tổ chức nhóm họp “Tin lành Đề ga”, tuyên truyền duy trì hoạt động Fulro để thành lập cái gọi là Nhà nước Đề ga của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vi phạm Khoản 1, Điều 116, Bộ luật Hình sự năm 2015 “Phá hoại chính sách đại đoàn kết”. Một số linh mục: Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam, Nguyễn Duy Tân,… bị hạn chế đi lại, do các linh mục này có nhiều hoạt động không phải là hoạt động tôn giáo thuần túy. Họ đã lợi dụng tòa giảng để chống chính quyền, có nhiều phát biểu đăng trên mạng xã hội xuyên tạc lịch sử Việt Nam, vi phạm Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “quy định các hành vi bị nghiêm cấm các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo”. Gần đây, một số linh mục tại các giáo xứ: Hà Lời (Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình); Xuân Hòa (Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình); Dũ Thành (Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và địa phương về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Hành động này của các vị linh mục, xét cho cùng đã “lạm quyền” tự do thể hiện tôn giáo một cách thái quá, vi phạm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét