Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt
Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và
rèn luyện. Là lực lượng vũ trang cách mạng mang bản chất giai
cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Khi thành lập
chỉ có 34 chiến sĩ với vũ khí thô sơ, theo thời gian Quân đội ta ngày
càng lớn mạnh, trưởng thành; cùng nhân dân ta đánh thắng hai đế quốc to,
lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; thực
hiện thắng lợi cuộc chiến tranh nhân dân chống quân xâm lược phía Bắc bảo vệ tổ
quốc; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc tế cao cả; cùng Đảng, Nhà nước và
nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới, kiến thiết, xây dựng đất nước giành được
nhiều kết quả to lớn; bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và sự toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...
Hiện nay, trước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình
hình khu vực và thế giới. Mặc dù hoà bình, hợp
tác và phát triển vẫn là xu thế chung, nhưng cũng đang gặp không ít
trở ngại; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; các thách
thức an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách
thức mới; các thế lực thù địch, phản động với các thủ đoạn ngày càng tinh
vi, thâm hiểm tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ta, công
khai, trực diện hơn...
Trong bối cảnh đó Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI với chủ
đề: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; xây dựng Quân
đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng
tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện
đại, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ XI xác định: “Xây dựng Quân đội vững mạnh về
chính trị gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp,
sức mạnh chiến đấu của toàn quân”.
Đây là nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng,
là căn cốt trong chủ trương, đường lối xây dựng Quân đội nhân dân Việt
Nam xuyên suốt qua các thời kỳ. Giải pháp này được xác định trên cơ
sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn quá trình
xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.
Chủ nghĩa Mác
- Lênin chỉ ra: Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều
yếu tố: Con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự… trong đó yếu tố chính
trị - tinh thần có ý nghĩa quyết định. Khi bàn về vấn đề này, V.I. Lênin khẳng
định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng
lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[1]. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Người khẳng
định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[2]. Trong
xây dựng Quân đội nhân dân, với tư tưởng “Người trước, súng sau”;
nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị; trong Chỉ thị thành lập Đội
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người chỉ rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM
TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự.”[3]. Tư tưởng đó được thực tiễn kiểm
nghiệm, chứng minh hoàn toàn đúng đắn, đồng thời thống nhất với quan
điểm của Đảng, trở thành đường lối, nguyên tắc chỉ đạo, phương châm hành động
trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta: Xây
dựng quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững
mạnh về chính trị thực chất là xây dựng và giữ vững bản chất giai cấp công nhân,
tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng
chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân
dân; là đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang
bản chất giai cấp công nhân.
Những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân đội ta không ngừng trưởng
thành, lớn mạnh, thực sự là đội quân cách mạng, của dân, do nhân dân và vì nhân
dân; luôn luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh
vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn
thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[4], xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”
mà nhân dân đã trao tặng.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông
tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tính chất, nhiệm vụ của Quân đội
ta có những bước phát triển mới; kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm
qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta,
khẳng định: Trong tình hình hiện nay, xây dựng quân đội ta về chính trị,
trước hết phải không ngừng tăng
cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.Trên
cơ sở đó, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc
phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã ban hành nhiều nghị quyết,
chỉ thị, kế hoạch và hướng dẫn nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội.
Để nâng cao chất lượng xây dựng quân đội về chính trị thì phải
tạo được sự đồng thuận cao cả về nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ,
chiến sĩ trong toàn quân. Để làm được điều đó cần thực hiện tốt một
số nội dung cụ thể mà Đại hội đã xác định sau:
Một là, đổi mới công tác
giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới; xây dựng cho cán bộ, chiến
sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ
quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng
nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Chủ động đấu tranh phòng,
chống những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện
Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ
Hồ” thời kỳ mới. Kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện tốt cuộc vận động với việc học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi
đua, các cuộc vận động của toàn quân, toàn quốc bằng nhiều mô hình, cách làm
sáng tạo, phù hợp, hiệu quả Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Dân vận
khéo", góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân
với Đảng.
Ba là, triển khai thực
hiện tốt chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân dội. Huy động, sử dụng
hiệu quả các nguồn lực xã hội trong các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, thực
hiện chính sách đối với người có công với cách mạng tạo sức lan tỏa sâu rộng,
giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, đổi mới công tác bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế cho các đối tượng.
Bốn là, chăm lo xây dựng
các tổ chức thanh niên, phụ nữ, cộng đoàn và Hội đồng quân nhân vững mạnh,
hoạt động dùng chức năng, nhiệm vụ. Chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ
sở, tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc, nảy sinh, không để
xảy ra những vấn đề bức xúc, nổi cộm.
Ngày nay, trước sự vận
động, biến đổi của thực tiễn, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị
đang đặt ra nhiều vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn cần được nghiên cứu,
luận giải thấu đáo, có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, bất luận trong hoàn cảnh nào, việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh
về chính trị luôn là một nguyên tắc cơ bản, hàng đầu, cần được quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo chặt chẽ. Đây là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục vận dụng vào xây dựng
quân đội vững mạnh về chính trị, gắn bó máu thịt
với nhân dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ta thực
sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân,
sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
[1] V.I. Lê-nin, Toàn tập, , Nxb. Tiến
Bộ, M. 1977, t. 41, tr. 147.
[2]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2011, t. 7, tr. 217.
[3]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2011, t. 3, tr. 539.
[4]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, H. 2000, t. 11, tr.,350.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét