Sự quan tâm của Bác Hồ đối với văn học dân gian trước hết biểu hiện ở thái độ trân trọng, khẳng định vai trò và sức sáng tạo, giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trong lịch sử, ở việc vận dụng linh hoạt những hình tượng, truyền thuyết dân gian, những câu ca dao, tục ngữ vào những tác phẩm, những bài báo, những bức thư và lời phát biểu của Bác.
Cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ là cuộc đời, sự nghiệp của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là cuộc đời, sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ lớn. Từ trước tới nay đã có nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu văn thơ của Bác, nghiên cứu ý kiến của Bác Hồ đối với văn nghệ. Trong bài viết này, tôi muốn qua những lời dạy và những tác phẩm của Bác, tìm hiểu những ý kiến của Bác về văn học dân gian và phong cách dân gian trong thơ văn của Bác.
Sự quan tâm của Bác Hồ đối với văn học dân gian trước hết biểu hiện ở thái độ trân trọng, khẳng định vai trò và sức sáng tạo, giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân trong lịch sử, ở việc vận dụng linh hoạt những hình tượng, truyền thuyết dân gian, những câu ca dao, tục ngữ vào những tác phẩm, những bài báo, những bức thư và lời phát biểu của Bác. Bác Hồ bàn về văn học dân gian không nhiều nhưng ý kiến của Bác vô cùng cô đọng, súc tích và trong cái cô đọng, súc tích ấy vẫn đầy đủ những quan niệm của Bác về văn học dân gian.
Năm 1958, tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Bác nêu rõ quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, ra của cải vật chất cho xã hội; đồng thời là người sáng tạo ra tinh thần, sáng tạo ra văn nghệ: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa… Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng, các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn chứ không trường giang đại hải, dây cà ra dây muống”. Bác đánh giá cao các sáng tác của nhân dân, coi “những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”. Bác chỉ ra cho chúng ta thấy văn nghệ của dân tộc ta rất phong phú, phải chú ý khôi phục và bảo vệ. Những sáng tác dân gian qua nhiều năm được nhân dân giữ gìn mài giũa còn lại đến ngày nay đã và đang cổ vũ, động viên mọi người xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chứng minh thuyết phục ý kiến của Bác.
Bác rất chú ý đến việc khôi phục vốn cũ của dân tộc. Nhưng khôi phục như thế nào? “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra”. Văn học dân gian cũng vậy, học tập văn học dân gian là tiếp thu có sáng tạo, có phê phán, gạt bỏ những yếu tố lạc hậu, phát huy những cái hay, cái tốt phục vụ cho cuộc sống hiện đại.
Đọc thơ văn của Bác, chúng ta thấy vốn văn học dân gian của Bác rất phong phú, trí tưởng tượng của Bác rất dồi dào. Trí tưởng tượng đó gắn liền với hiện thực. Nhiều hình tượng Bác dùng bắt nguồn từ cuộc sống, chứa đựng những suy nghĩ có tính triết lí sâu sắc. Bác thường vận dụng những hình ảnh tráng lệ quen thuộc trong truyền thuyết dân gian.
Truyền thuyết về con Lạc cháu Hồng đối với nhân dân ta là một niềm tin về cội nguồn chung của đại gia đình dân tộc. Con Lạc cháu Hồng được xem như một biểu tượng về sự đoàn kết dân tộc, như một lời kêu gọi thiêng liêng tập trung lực lượng nhân dân dựng nước và giữ nước. Biểu tượng này thường được Bác nhắc tới. Khi giác ngộ, kêu gọi nhân dân đứng lên giành độc lập cho Tổ quốc: “Hơn hai mươi triệu con cháu Lạc Hồng quyết không chịu kéo dài cuộc đời nộ lệ...”. Khi kêu gọi mọi người hướng vào mục đích chung là đấu tranh để thống nhất nước nhà: “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy”. Trong một số trường hợp khác, hình tượng người anh hùng Thánh Gióng tượng trưng cho lòng yêu nước và sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta cũng được Bác sử dụng. Nhân một năm ngày toàn quốc kháng chiến, Bác gửi thư cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đoạn khen ngợi các cháu nhi đồng: “Các cháu nhi đồng, có cháu thì giúp bộ đội lập chiến công, có cháu thì giúp tăng gia sản xuất hoặc tuyên truyền cổ động, thật xứng đáng là con cháu Phù Đổng Thiên Vương và Trần Quốc Toản”. Khi nêu lên tính chất anh hùng, vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác lại nhắc đến hình tượng người anh hùng dân tộc này: Trong lịch sử ta có ghi truyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp…
Trong những bài báo, những bức thư và lời phát biểu của Bác, chúng ta còn gặp rất nhiều câu tục ngữ, ca dao cổ truyền, có khi được sử dụng nguyên vẹn, có khi thay đổi đôi chút cho phù hợp với nội dung vấn đề của Bác nêu lên. Ví dụ ở Hội nghị đại biểu những người tích cực làm công tác văn hóa quần chúng toàn miền Bắc lần thứ nhất (ngày 11/2/1960), khi đặt vấn đề muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa nhưng nhấn mạnh đến vai trò trước hết của kinh tế, Bác vận dụng cách nói: “Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”.
Khi phê phán bệnh hay nói chữ, dùng chữ không đúng, Bác viết: “Tục ngữ nói Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Cái bệnh nói chữ đó đã lan ra, đã làm hại đến quần chúng. Vì vậy có người đã nói: “Chúng tôi xin thông phong (xung phong)”; “Các đồng chí phải luyến ái (thân ái) nhau”. Không, đó không phải là những chuyện cười, đó là những chuyện thật. Những chuyện thật đáng đau lòng, do bệnh hay nói chữ sinh ra, hoặc do bệnh dốt sinh ra”. Khi động viên nhân dân xây dựng đất nước, Bác viết: “Mọi người phải ra sức góp công góp của để xây dựng nước nhà. Chớ nên Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 10/1954, nêu lên mối quan hệ giữa xã hội và gia đình, nêu lên việc cần thiết phải củng cố gia đình, Bác nói: “Tục ngữ ta có câu Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn.” Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bác nhắc lại truyền thống đấu tranh anh dũng của phụ nữ ta và dẫn câu tục ngữ Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Khi biểu dương truyền thống đoàn kết của nhân dân ta, Bác sử dụng câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng. Nhưng khi kêu gọi ngụy binh trở về với dân tộc, nhắc cho họ nhớ nguồn gốc của dân tộc ta là cùng một bọc sinh ra, là con Hồng cháu Lạc vì vậy phải đoàn kết cùng nhau chống ngoại xâm, Bác đã chữa lại câu ca dao trên cho hợp với ý này: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng.
Năm 1951, khi lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch nhau, có người cho rằng cuộc kháng chiến của ta là châu chấu đá voi. Nhưng với cái nhìn sáng suốt, thấy trước được bước đi tất yếu của cách mạng, sau khi phân tích, giải thích tình hình hiện tại và thế thắng của ta, Bác khẳng định: “Chúng ta quyết trả lời cho những người lừng chừng và bi quan kia rằng: Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. Sự thực chứng minh rằng, “voi” thực dân đã bắt đầu lòi ruột, mà bộ đội ta đã trưởng thành như con hổ oai hùng. Từ thành ngữ châu chấu đá voi, Bác đã chuyển thành câu ca dao hàm súc với nội dung đầy ý nghĩa cách mạng.
Việc sử dụng tục ngữ, ca dao đã góp phần quan trọng tạo nên một văn phong đặc sắc, sinh động mà chúng ta chỉ thấy ở văn thơ của Bác. Lời thơ câu văn của Bác ngắn gọn, giàu hình ảnh, có sức tác động lớn đến tình cảm của quần chúng, khiến người đọc người nghe tưởng như đó là tiếng nói lời thơ của người bạn tâm tình gần gũi. Chính văn phong này đã làm cho những ý trừu tượng trở nên cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Và Bác khuyên cán bộ tuyên truyền phải học. Người viết: “Tục ngữ có câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.
Ngôn ngữ của Bác trong các bài nói và viết rất đậm đà màu sắc dân tộc. Nhiều tư tưởng lớn của đường lối cách mạng đã được Người dùng lối nói của tục ngữ để diễn đạt. Chẳng hạn khi nói về mối quan hệ giữa thế hệ già và thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Người dùng câu Măng mọc quá tre hay Con hơn cha là nhà có phúc... Khi vận dụng tục ngữ vào bài viết cũng như bài nói nhiều trường hợp Bác giữ nguyên dạng tục ngữ: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ...” Trong bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện ở Thái Nguyên (18/1/1967), Bác tuyên dương xã Đ: “Mười trận máy bay địch ném bom, bắn phá, nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân bị hư hại. Song nhờ tổ chức phòng tránh tốt, cả xã không có người chết và bị thương. Bà con bảo nhau “còn người còn của”, họ giúp đỡ nhau lương thực, quần áo, nồi niêu, bát đĩa, chăn màn, không phải xin nhà nước một đồng nào".
Những tác phẩm thơ ca của Bác, phong cách dân gian biểu hiện rất đa dạng. Từ cách đặt tên các bài thơ của Người, chúng ta đã nhận ra chất dân gian rõ nét. Nội dung cách mạng của Ca công nhân, Ca dân cày, Ca binh lính… đều được Bác diễn đạt theo cách diễn đạt dân gian. Đây là tình cảnh người công nhân trước Cách mạng 1945: Công nhân sức mạnh nghề quen/ Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ/ Mà mình quần rách áo xơ/ Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm. Và người nông dân cũng chịu cảnh thảm thương như thế: Thương ôi những bạn dân cày/ Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao/ Lại còn thuế nặng sưu cao. Ngôn ngữ bình dị, âm điệu quen thuộc như ca dao truyền thống nhưng ý nghĩa xã hội của bài thơ được mở rộng và nâng cao. Kết thúc bài thơ bao giờ cũng là một viễn cảnh tươi sáng: Bao giờ khôi phục nước nhà/ Của ta ta giữ, công ta ta cầm (Ca công nhân); Nông dân có đủ ruộng mình làm ăn (Ca dân cày)…
Ngay như Nhật kí chìm tàu, Bác viết vào cuối năm 1930 bằng thể hồi kí du lịch cũng sử dụng thể thơ và biện pháp trùng điệp của ca dao, nhiều câu thơ trong sáng giản dị: Nước Nga có ruộng mà cày/ Cũng nhờ cách mạng ra tay đỡ đần. Vì vậy, tác phẩm giới thiệu cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga vào những năm đầu cách mạng là việc hoàn toàn mới lạ đối với toàn thể loài người mà vẫn dễ đọc, dễ nhớ và đã được lưu hành rộng rãi trong đảng viên quần chúng những năm 1930 - 1931 thời kì Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Đọc bài thơ Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II của Bác, chúng ta như được nghe kể lại chiến công của hai em liên lạc dưới hình thức một bài vè sinh động. Con người, sự việc đều là con người, sự việc có thật, cụ thể. Cách hiệp vần cũng là cách hiệp vần liền, một trong hai cách hiệp vần của vè bốn chữ: Bác được tin rằng/ Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Theo về bộ đội. Một bài khác, bài Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp tết Trung thu 1953, đề cập đến nhiều vấn đề thời đại như kháng chiến thắng lợi, đời sống nhân dân, chỉnh huấn chỉnh quân và lối kết thúc có tính chất “sấm kí” mở ra tương lai triển vọng của cách mạng nhưng vẫn đậm đà phong vị dân gian, giàu nhạc điệu uyển chuyển, kết hợp thể thơ bốn chữ và lục bát dưới hình thức kể chuyện tâm tình ngắn gọn. Bài thơ mở đầu: Chín tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác cũng vui lòng/ Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa. Và cuối bài: Các cháu vui thay! Bác cũng vui thay! Thu sau so với thu này vui hơn. Khi ghé thăm một lán trại của thanh niên xung phong làm đường thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác khuyên thanh niên: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Năm 1951, gửi thư động viên nông dân thi đua sản xuất, Bác viết: Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương. Đó là những bài thơ động viên chính trị nhưng là những bài thơ được kết bằng những câu tục ngữ ngắn gọn, giàu hình ảnh so sánh ví von, gây ấn tượng mạnh mẽ, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong chúng ta không mấy người không thuộc những bài thơ đó.
Chúng ta có thể dẫn ra rất nhiều dẫn chứng về hiện tượng “dân gian hóa” những câu nói, những câu thơ của Bác. Đây là lời phát biểu trong dịp khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc năm 1952: Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua. Đến hai câu thơ trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam năm 1960, khi chào mừng đại biểu các đảng cộng sản anh em đến dự đại hội: Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em. Và rất nhiều câu nói khác nữa của Bác đã đi vào nhân dân như những câu tục ngữ: Trung với nước hiếu với dân; Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Ở những bài thơ của Bác, chúng ta còn gặp hình thức ngụ ngôn. Ngụ ngôn là tưởng tượng, là trí tuệ của nhân dân. Nhân vật của ngụ ngôn có thể là con người, là động vật, sự vật… Trong bài thơ Con cáo và tổ ong, Bác kể chuyện con cáo già đến cướp con của ong để ăn nhưng bị ong xúm lại châm vào mắt, cáo già đau quá rơi xuống đất. Triết lí của bài thơ được hiện rõ ở phần kết thúc: Ong đoàn kết đuổi được loài cáo, vậy nhân dân ta đoàn kết cũng đánh đuổi được Nhật, Tây áp bức, giành tự do cho đất nước. Ở đây, Bác đã kết hợp một cách tài tình trí tưởng tượng với thực tế của nước ta trước Cách mạng tháng Tám 1945. Cũng cùng một mục đích kêu gọi đoàn kết đấu tranh, cùng hình thức thơ ngụ ngôn, trong Bài ca sợi chỉ, Bác nêu lên quá trình trưởng thành của sợi chỉ từ chỗ là cái bông yếu ớt “ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời” đến khi thành chỉ và chỉ đó nhờ có lắm “đồng bang” họp lại nhau: Dệt nên tấm vải mĩ miều/ Đã bền hơn lụa lại điều hơn da/ Đố ai bứt xé cho ra/ Đó là lực lượng đó là vẻ vang. Đến đây ngụ ý của bài thơ có thể thấy được: đoàn kết là sức mạnh; nhưng bài thơ chưa dừng lại ở đó mà còn tiếp tục: Hỡi ai con cháu Hồng Bàng/ Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau/ Yêu nhau xin nhớ lời nhau/ Việt Minh hội ấy mau mau tìm vào. Thơ Bác càng dễ hiểu càng có hiệu lực, vì vậy từ ý niệm trừu tượng, từ triết lí sâu xa của ngôn ngữ, Bác vẫn làm cho quần chúng tiếp nhận một cách dễ dàng, trực tiếp.
Văn thơ của Bác tự nhiên giản dị trong sáng, giàu hình ảnh nhịp điệu như lời nói của quần chúng. Nhiều biện pháp nghệ thuật của văn học dân gian được Bác sử dụng nhuần nhị nên có những bài thơ câu thơ của Bác quen thuộc, gần gũi và dễ nhớ, dễ thuộc như ca dao và nhiều câu nói, câu thơ của Bác đã trở thành những câu tục ngữ mới, trở thành “những hòn ngọc quý” của dân tộc, bổ sung vào vốn văn hóa chung của dân tộc. Chính bởi tiếp thu văn học dân gian một cách sáng tạo, thơ văn của Bác có được văn phong hết sức đặc biệt: súc tích mà dễ hiểu dễ nhớ, giàu tính dân tộc mà hiện đại, đồng thời có sức sống sâu rộng trong nhân dân./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét