Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

HÀNG NGÀY GIÁO DỤC LẪN NHAU BẰNG GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT


Ngay khi còn bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, tháng 5-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này), đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Và sau đó trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định việc lấy gương người tốt, việc tốt là phương thức tốt để hàng ngày giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Năm 1969, khi cho ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Người còn nhấn mạnh: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất cao”. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ cao cấp phải luôn tiên phong, gương mẫu, trở thành những gương sáng trong Đảng, trong xã hội. Ngày 26-12-1963, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người nói: “Các đồng chí Bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ”.
Theo Hồ Chí Minh, dùng người tốt, việc tốt, ưu điểm, những điều tốt đẹp để giáo dục lẫn nhau phải luôn là việc làm quan trọng, cần thiết, thường xuyên. Ngay cả trong thực hiện các nguyên tắc, quy định của Đảng thì lấy người tốt, việc tốt để giáo dục vẫn cần được quan tâm thực hiện. Chẳng hạn, khi thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì đi một chân, không thể đi được. Không nên chỉ nêu khuyết điểm sẽ sinh ra bi quan, mà cần phải nêu thành tích nữa”. Hồ Chí Minh cũng lưu ý phải gắng giữ gìn mặt tốt, tích cực bằng cách không ngừng củng cố, rèn luyện, tuyệt đối không để mất đi những người tốt, việc tốt. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải tích cực xây dựng, bảo vệ, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên rèn luyện phấn đấu để trở thành những cán bộ tốt, làm được nhiều việc tốt. Tháng 10-1947, Người yêu cầu: “Cũng vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhấn mạnh vấn đề rất cần thiết, quan trọng là phải nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác này. Tháng 6-1961, Người căn dặn các chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp: “Các chiến sĩ thi đua phải tiếp tục cố gắng làm gương mẫu và tích cực, chủ ý giúp đỡ người khác trong ngành cùng thi đua tiến bộ”. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: Một trong những biểu hiện sâu sắc, cụ thể của người tốt, việc tốt là có những sáng kiến và kinh nghiệm quý, đây chính là của quý chung của cả dân tộc, không được để lãng phí mà phải phải phát huy, lan tỏa một cách chắc chắn, hiệu quả. Người yêu cầu: “Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng… Dần dần lan khắp cả Quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những con sông to chảy vào biển cả”.
Tinh thần lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục, rèn luyện lẫn nhau đã và đang tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam thực hiện tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước. Đảng đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xây dựng, nhân rộng, phát huy nhiều gương tốt trong cán bộ, đảng viên. Điển hình là Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6 -2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Quy định có 7 nội dung nêu gương: 1. Về tư tưởng chính trị; 2. Về đạo đức, lối sống, tác phong; 3. Về tự phê bình, phê bình; 4. Về quan hệ với nhân dân; 5. Về trách nhiệm trong công tác; 6. Về ý thức tổ chức kỷ luật; 7. Về đoàn kết nội bộ. Quy định đã được triển khai thực hiện tích cực đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mới đây, Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp phù hợp để làm tốt việc bảo vệ, nhân rộng, phát huy những gương người tốt việc tốt, nhất là những cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định chúng ta có chính sách, cơ chế phù hợp khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên vì lợi ích chung của Đảng, nhân dân, đất nước mà có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc Đảng, pháp luật Nhà nước; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu, hành động quyết liệt vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên, việc phát hiện, nhân rộng, phát huy gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến vẫn chưa được coi trọng đúng mức, sức ảnh hưởng chưa cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu rõ chúng ta phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục những hạn chế: “Còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm…”.
Trong Quân đội nhân dân Việt Nam những gương người tốt, việc tốt luôn được chú trọng duy trì, phát triển và nhân rộng, nhất là thông qua phong trào thi đua quyết thắng của các cơ quan, đơn vị toàn quân. Phong trào thi đua quyết thắng, cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, kết hợp với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đem lại những kết quả tốt đẹp để Quân đội ta ngày càng vững mạnh, trưởng thành, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”./.
CÔNG MINH
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết '" Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đàng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới "'
Tất cả cảm xúc:
1
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 nhận xét: