Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

 


Ngày 1-12-1988: Ngày thế giới phòng chống AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS để Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS với mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 tại Zaize - châu Phi. Mãi đến năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng được phát hiện đầu tiên tại Mỹ. Thành phố nơi dịch HIV bùng phát đầu tiên là Kinshasa, nay là thủ đô Cộng hòa Congo.

Dịch HIV/AIDS tuy mới xuất hiện từ thập niên 80 nhưng đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em. Đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.

Còn ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh. Dịch HIV/AIDS bắt đầu bùng nổ từ năm 1993 trong nhóm những người nghiện chích ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó dịch bắt đầu lan ra các tỉnh. Đến cuối tháng 12/1998, toàn bộ 61 tỉnh, thành trong cả nước đều đã phát hiện có người bị nhiễm HIV.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng chống HIV/AIDS, tới năm 2030, HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, cứu 21 triệu người thoát chết và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm virus.

“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Từ đó đến nay, UNAIDS đã phát triển lớn mạnh trong vai trò dẫn dắt đáp ứng với HIV trên toàn thế giới cũng như ở cấp độ quốc gia. Hỗ trợ của UNAIDS dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng đã gia tăng đáng kể.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.

UNAIDS đang hỗ trợ Quốc hội Việt Nam và Ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ứng phó với HIV thông qua các hoạt động tư vấn chính sách và trợ giúp kỹ thuật, nhằm xây dựng và hoàn thiện một khung pháp lý đáp ứng tích cực với các vấn đề liên quan đến HIV, dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận về quyền con người./.

1 nhận xét: