Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Một ngành công nghiệp không chỉ mang giá trị kinh tế


Một ngành công nghiệp thường tạo ra các sản phẩm mang giá trị thuần túy về mặt kinh tế. Nhưng CNVH mang tới hai giá trị: Kinh tế và tinh thần. Hai giá trị này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Văn hóa là điều kiện, cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, kinh tế tạo ra tiềm lực vật chất để phát triển văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong ngành CNVH, giá trị kinh tế có thể đong đếm bằng con số, còn giá trị tinh thần là không có giới hạn. Một sản phẩm văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ tới nền tảng tinh thần xã hội. Một biểu tượng văn hóa có thể làm thay đổi cả lối sống, tư duy, tình cảm của cả một thế hệ. Vì thế, xây dựng một ngành CNVH với mục tiêu kép (phát triển kinh tế và bảo vệ nền tảng xã hội lành mạnh) là xu hướng tất yếu trong thời kỳ Việt Nam tăng tốc phát triển bền vững.

Đi sau về xây dựng, phát triển CNVH nhưng Việt Nam vẫn có thể trở thành một trung tâm công nghiệp sáng tạo văn hóa tầm cỡ khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng và cơ hội phát triển CNVH ở Việt Nam được ví như “mỏ vàng” cần sớm được khai thác. Hiện nay, với quy mô dân số hơn 96 triệu người, trong đó, lực lượng lao động khoảng hơn 50 triệu người; hằng năm, trung bình có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, đây là nguồn lực chính trong quá trình lao động sáng tạo, tạo ra lượng sản phẩm văn hóa dồi dào ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống (gốm, lụa, tranh, gỗ), các loại hình nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực… ở nước ta. Dân số đông, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm văn hóa lớn tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú, kích thích thị trường phát triển sôi động. Cùng đó, dù chưa thực sự mạnh mẽ nhưng hoạt động xuất khẩu văn hóa của Việt Nam cũng có những bước phát triển khá nhanh chóng. Trong đó, đặc biệt là sản phẩm thời trang Việt đã gây được tiếng vang tại những “kinh đô thời trang” thế giới. Hay văn hóa ẩm thực Việt đang tạo ra những “cơn sốt” tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Để phát triển ngành CNVH, điều kiện đầu tiên, mang ý nghĩa quyết định là khả năng đầu tư. Hiện nay, ở nước ta, mức chi cho hoạt động văn hóa chiếm khoảng 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Nhà nước hỗ trợ tài chính cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bằng cách đầu tư từ nguồn ngân sách và xây dựng những thiết chế văn hóa gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật thông qua chính sách về thuế. Theo đó, những tổ chức xã hội, nghề nghiệp hay những cá nhân đóng góp tài chính cho các hoạt động văn hóa đều được khấu trừ thuế, được hưởng miễn thuế tài sản và miễn thuế thu nhập khi đóng góp cho Nhà nước. Tuy nhiên, để ngành CNVH phát triển thì đầu tư xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, kịch bản có chất lượng là cần thiết, nhưng cũng cần quan tâm đến việc tạo nên lực lượng công chúng có nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật đông đảo. Khi sức “cầu” tăng mạnh, tất yếu nguồn “cung” cũng tăng tương xứng.

Một vài năm gần đây, các chính sách về phát triển văn hóa ở ta đã chú ý hơn tới việc đào tạo công chúng nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này còn thiếu tính bài bản và tương đối nhỏ lẻ. Vì thế, trong chiến lược phát triển CNVH rất cần xem trọng hơn hoạt động giáo dục-đào tạo nhằm tạo sự phát triển từ cả hai phía cung-cầu.

Cũng ở lĩnh vực đầu tư, cùng hoạt động đầu tư bằng ngân sách nhà nước, chúng ta cần có thêm những chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vào phát triển ngành CNVH. Thực tế, tại khu vực tư nhân đang xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp văn hóa, tập trung vào các ngành: Điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn... Tuy nhiên, các doanh nghiệp văn hóa tư nhân chủ yếu mang quy mô nhỏ, chưa có khả năng tập hợp để tạo thành một trào lưu văn hóa, nghệ thuật nào đó. Bởi vậy, để bảo đảm và khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia ngành CNVH, ngoài các chính sách ưu đãi trong đầu tư, điều đặc biệt cần thiết là hoàn thiện hệ thống luật bảo hộ bản quyền. Sự yếu kém trong hệ thống luật bảo hộ hiện tại khiến các sản phẩm văn hóa Việt Nam không được bảo đảm các quyền cơ bản để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, cản trở việc phát huy khả năng sáng tạo văn hóa.

Ở góc độ giao lưu, hợp tác quốc tế, trong giai đoạn hội nhập sâu, rộng như hiện nay, ngành CNVH Việt Nam không thể “một mình một chợ”. Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển CNVH gắn với các sự kiện ngoại giao. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

Để gìn giữ, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sự gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển văn hóa phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Bởi lẽ, văn hóa không đứng ngoài kinh tế, phát triển kinh tế bền vững không thể thiếu nền tảng văn hóa ổn định. Mặt khác, văn hóa không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là "hệ điều tiết" cho sự phát triển kinh tế bền vững.

1 nhận xét:

  1. Để gìn giữ, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sự gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển văn hóa phải được đặt lên vị trí hàng đầu.

    Trả lờiXóa