Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CÁ NHÂN KHÔNG PHẢI LÀ CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN


      Bên cạnh coi chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng độc hại”, là nguy cơ làm suy yếu Đảng, là “giặc nội xâm” - kẻ thù của những người cách mạng... Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh phải phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng của cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, Người đề cao vai trò lợi ích chính đáng của cá nhân, coi đây là nguyên nhân quyết định chủ yếu cho sự tồn tại, phát triển của mỗi con người, dẫn đến quá trình phát triển không ngừng của đất nước. Đồng thời, lợi ích chính đáng của cá nhân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam, Vì vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng là tất yếu khách quan, rất quan trọng, song “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”(1).

Nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm “không khoan nhượng” của Người đối với chủ nghĩa cá nhân trong Đảng: “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Chủ nghĩa cá nhân” (15/10/1948), “Phải chữa cái bệnh cấp bậc” (15/7/1950), “Tự phê bình và phê bình” (14/6/1955), “Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc” (7/9/1957), “Đạo đức cách mạng” (12/1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (2/3/1969)…

        Bản chất chủ nghĩa cá nhân là lối sống thực dụng, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, “...việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(2); là “thứ vi trùng độc hại” sinh ra hàng trăm thói hư, tật sấu, những căn bệnh trong Đảng, nhất là khi Đảng cầm quyền. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh chỉ ra 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, như: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, “hữu danh, vô thực”, “kéo bè, kéo cánh”, cận thị, cá nhân, lười biếng, tị nạnh, “xu nịnh, a dua”. Đây là nguyên nhân làm suy thoái, biến chất, giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bởi vì, “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”(3).

       Vì tính chất nguy hiểm - là lực cản lớn nhất của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(4).


1 nhận xét: