Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh
tàn phá nặng nề, cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng
kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỉ lệ lạm pháp có lúc lên đến 774,7%, đời
sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số
sống ở mức nghèo khổ. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát
triển và phát triển liên tục với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình
khoảng gần 7% mỗi năm.
“Quy mô GDP không ngừng được mở rộng,
năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong
ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt
Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu
lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh
lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng
hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và
dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất
nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu
đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.
Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020”.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát
triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng
bước, từng chính sách phát triển đã giúp cho văn hóa, xã hội phát triển,
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và
chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm
khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của
Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn
trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông
thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và
trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù
chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở
năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Việt
Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ
trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và
người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Đời sống văn hóa cũng được cải
thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Liên hợp quốc
đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các
Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt
Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các
nước có cùng trình độ phát triển.
Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ
Trả lờiXóa