Trước các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao và nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch. Chúng ta có đủ luận cứ để khẳng định rằng, chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta là đúng đắn, khoa học trên cơ sở nhận thức biện chứng tầm quan trọng của khát vọng phát triển đất nước. Chủ trương đó đã được thảo luận rộng rãi, với sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của toàn dân; có tính khả thi cao với những mục tiêu, tầm nhìn, kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể là:
Thứ nhất, khát vọng phát triển đất nước có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt. Đối với Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước thật sự là sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thời trung đại, Việt Nam đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, bắt nguồn từ khát vọng về độc lập, chủ quyền quốc gia. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đập tan ách áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến công oanh liệt đó khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hiện nay, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường là một động lực quan trọng thúc đẩy dân tộc ta vươn lên, quyết tâm khắc phục đói nghèo, lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu về kinh tế... để phát triển trong giai đoạn mới. Rõ ràng, Đảng ta không tuyệt đối hóa vai trò động lực của khát vọng phát triển đất nước, mà xác định đây là một trong những động lực cho tiến trình đổi mới, phát triển; là động lực thúc đẩy chứ không thể thay thế vai trò cơ sở, nền tảng quyết định của yếu tố kinh tế, vật chất, kỹ thuật.
Thứ hai, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở đánh giá đúng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Khát vọng phát triển đất nước bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước. Một trong những dấu ấn nổi bật nhất là việc Việt Nam thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội.
Thứ ba, chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”. Bộ Chính trị đã quyết định công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân; đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện. Văn kiện được đánh giá là có quá trình chuẩn bị “rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc”. Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn. Tất cả điều đó chứng minh rõ tính khoa học, khách quan, dân chủ của các đánh giá, mục tiêu, nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước được thể chế hóa thành mục tiêu, tầm nhìn và kế hoạch, chương trình cụ thể. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: Đến năm 2025 Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Năm 2030 Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045 Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh các nhiệm vụ đột phá sau: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc là cả một quá trình cải biến toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; vì vậy, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp vĩ đại này, cần huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bằng những kế hoạch, biện pháp cụ thể của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành.
Thứ năm, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bước đầu được minh chứng với kết quả sinh động của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay. Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Một tín hiệu lạc quan nữa là mặc dù phải đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Việt Nam đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong “trạng thái bình thường mới”. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới./.
VHT.
Bọn phản động và các thế lực thù địch thường dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng.
Trả lờiXóa