Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

LUẬN BÀN VỀ THẾ TRẬN LÒNG DÂN


Chiến lược bảo vệ Tổ quốc cùng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là hai chiến lược nền tảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, thế trận lòng dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Không có thế trận này, mọi giải pháp trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc sẽ không phát huy được tác dụng và hiệu quả.
Vậy thế trận lòng dân được hình thành như thế nào và bằng cách nào để tạo thành thế trận lòng dân?
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho cán bộ, Đảng viên phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trong đó, cần đặc biệt chú trọng và tập trung thực hiện bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã xác định.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt yêu cầu trong sạch, vững mạnh như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu sẽ góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nguyện vọng, ước vọng của nhân dân. Thế trận lòng dân được hình thành, củng cố và phát triển từ yếu tố quan trọng này.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và điều tiết vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là nội hàm cốt lõi và nền tảng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Chỉ có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ta mới thực sự có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, một cuộc sống hài hòa cả về vật chất và tinh thần, từ đó mãi mãi gắn bó với Đảng và chế độ.
Phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở quan điểm, chủ trương, chính sách hợp lòng dân vì lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam của Đảng và Nhà nước. Tạo sự gắn kết từng con người Việt Nam, cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đây về lý luận chính trị, chúng ta đề cập vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp và xem đấu tranh giai cấp là động lực của sự pháp triển. Trong tình hình mới với sự nghiệp đổi mới hiện nay, đại đoàn kết toàn dân tộc là biểu hiện của sự đồng lòng của cả dân tộc, là động lực tinh thần to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba vấn đề nêu trên, là những thành tố cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, nguồn lực nội sinh của dân tộc, cội nguồn hình thành và phát triển ngày càng vững chắc của thế trận lòng dân. Đây cũng là một trong những nhóm giải pháp cơ bản cùng chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự và các chiến lược chuyên ngành khác…, nhằm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay.
Nắm vững và phát triển không ngừng những thành tố cơ bản tạo nên cội nguồn của thế trận lòng dân, làm cơ sở để xây dựng các thế trận trên từng lĩnh vực cụ thể: Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân… Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ ba thành tố cơ bản nêu trên, trên từng không gian cụ thể. Từ đó, hình thành các phương án, kế hoạch, được quán triệt, huấn luyện, diễn tập tạo sự thuần thục, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu cụ thể của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên từng không gian cụ thể, nhất là địa bàn cơ sở tiềm ẩn nhiều phức tạp trong tình hình mới hiện nay./.
TÂY NAM BỘ
Có thể là hình ảnh về 7 người, mọi người đang cắm trại và mọi người đang câu cá
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 nhận xét: