Hiện nay, internet ngày càng phát triển và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại, đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động chống phá Việt Nam. Kẻ thù đã triệt để lợi dụng “thế” không bị ngăn cách bởi không gian địa lý để tăng tính cập nhật, diện phủ sóng các thông tin tuyên truyền sai trái, thù địch nhằm vào các tầng lớp xã hội. Trong đó, thanh niên, học sinh, sinh viên là những mục tiêu được chúng ưu tiên lựa chọn để tác động.
Về hình thức, chúng thành lập các
nhóm, hội, fanpage… làm cơ quan ngôn luận, công khai hóa tổ chức, vận động
người dân, dụ dỗ các đối tượng bị phạt tù chính trị, các nhà báo, nhà văn, đảng
viên thoái hóa biến chất, cán bộ vi phạm kỷ luật bị mất quyền lợi để viết bài
tung lên mạng xã hội, phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung
chính trị xấu, phản động. Chúng triệt để lợi dụng các báo điện tử, blog cá nhân
làm “nóng” các vấn đề của đất nước như tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí… từ
đó đổi trắng thay đen, tạo bức xúc, nghi ngờ, bất bình trong công chúng, kích
động gây rối, chống đối chính quyền địa phương, nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng,
tâm lý người đọc.
Khi các thiết bị công nghệ, nhất
là điện thoại thông minh có chức năng kết nối 3G, 4G, wifi trở thành “vật bất
ly thân” của mỗi người, những kẻ chống phá đất nước triệt để lợi dụng bằng các
chiêu trò tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh giả tạo, sai lệch, biến có
thành không, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, từ đó lôi kéo, hướng dư
luận theo quan điểm sai trái, thù địch. Các đối tượng này đã lập và sử dụng
hàng ngàn website, blog, diễn đàn trực tuyến… để thực hiện việc tuyên truyền
chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chúng ra sức tuyên truyền phá
hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình
thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng;
sử dụng Internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, đòi đa nguyên, đa đảng,
từ đó lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề
nhạy cảm chính trị xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng
để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự, tìm thời cơ tiến hành
“cách mạng đường phố” tại Việt Nam...
Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt
xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu
mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư
luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của
Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các
tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc,
người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả
lẫn lộn.
Để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt
động chống phá của các thế lực thù địch, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đóng
vai trò tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh, phản bác lại các thông tin, quan
điểm sai trái; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng
viên; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhân cách, tác phong quân nhân; chú trọng
xây dựng nhân rộng điển hình tiên tiến; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa
XII). Tăng cường hoạt động của lực lượng 47 và từng cá nhân đều phải
phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực viết bài đấu tranh chuyên sâu,
phản bác lại các quan điểm sai trái, phản động; làm tốt công tác bảo vệ chính
trị nội bộ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp tăng cường công tác
quản lý việc đăng tải các thông tin trên các Blog, Facebook cá nhân; kịp thời
ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh có nội dung tiêu cực,
phản cảm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng để tung tin thất
thiệt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích
Quốc gia, danh dự, uy tín cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi
cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo, cẩn trọng, có sự chọn
lọc kỹ lưỡng khi tiếp nhận những thông tin, tuyệt đối không nghe, không đọc, không
tin, không bàn luận, không chia sẻ các thông tin xấu độc, bịa đặt./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét