Ngày xưa ấy, đâu phải ai đi làm cách mạng cũng đều là người có trình độ học vấn cao hay là những người xuất chúng trong xã hội. Nếu bây giờ ngồi mà điểm lại, những vị tiền bối thuộc tầng lớp nào trong xã hội, thì chắc không thiếu thành phần nào; công nhân, nông dân, trí thức, Việt kiều yêu nước, thương gia, tư sản, quan lại nhà Nguyễn, địa chủ đều góp mặt. Thành phần xuất thân của mỗi người khác nhau, song tất cả đều có một điểm chung – lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp đô hộ dân ta. Tất cả chỉ có một tấm lòng.
Sử sách đã để lại cho thế hệ chúng ta ngày nay thấy rằng, đoàn tuyên truyền giải phóng quân đầu tiên được thành lập ở Chiến khu Việt bắc chỉ vẻn vẹn 34 người. Ba mươi tư người, ba mươi tư trái tim nhưng đập cùng một nhịp, mặc dù vũ khí rất thô sơ nhưng lại làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Không thể nói khác, đó là tấm lòng và trái tim của những người Cộng sản. Tấm lòng đó, trái tim đó, bất cứ những đoàn quân phi nghĩa nào đều không có được. Tiếp theo thế hệ đi tiên phong là những đoàn quân đông đảo, cũng với tấm lòng ấy, trái tim ấy, họ đã hàn gắn lại vết thương cho đất nước, họ đã may liền lại đường chia cắt bắc nam. Bây giờ mà kể tên ra những hành động anh hùng và con người anh hùng thì bao nhiêu pho sách cho đủ? Tốt nhất, chúng ta hãy ghi vào tâm khảm, để khỏi bỏ sót, để khỏi mắc tội với những người đã hy sinh cho tổ quốc.
Con đường do những người Cộng sản đã định hình là con đường sáng, gần nửa thế kỷ qua đã chứng minh đó là con đường hợp với lòng dân, nâng cao giá trị con người và nâng cao vị thế của đất nước. Thế là đủ chứ gì?
Cũng đừng ai nghĩ rằng, đã cùng một lớp người, đi cùng trên một con đường thì có cùng một tấm lòng, cùng một nhịp đập của trái tim. Không đâu! Những kẻ cơ hội thì khi nào cũng có, chẳng thiếu gì kẻ, trong túi họ vẫn có tấm thẻ đảng, nhưng lòng họ đã khác. Họ không mưu cầu lợi ích cho dân tộc mà chỉ mưu cầu lợi ích cho bản thân và gia đình.
Đừng lo, quá trình đi lên của dân tộc, những kẻ đó đã, đang và sẽ bị đào thải. Trong những kẻ cơ hội ấy, chẳng thiếu gì kẻ có tài. Song tiếc rằng cái tài ấy lại chẳng những không giúp gì cho đất nước, có khi còn làm hại nữa. Những kẻ như thế nên nhớ nằm lòng mấy câu kết trong truyện Kiều của Nguyễn Du:
… “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét