Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC “TỪ SỚM, TỪ XA, TỪ KHI NƯỚC CHƯA NGUY”


           Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương: Bối cảnh tình hình mới cần phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

          Theo đó, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đánh giá, trong giai đoạn phát triển mới hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc, toàn diện tới Việt Nam. Ở trong nước, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu - nghèo có xu hướng ngày càng tăng. Trên một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định. Tranh chấp biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ, chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng... là những nguy cơ lớn luôn có thể xảy ra. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước câu kết với nhau tăng cường các hoạt động "diễn biến hoà bình", "phi chính trị hoá" lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.

Trước bối cảnh đó, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân đội nhân dân Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, quán triệt tinh thần của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII là luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai,nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo ra sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân Việt Nam cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, của đất nước, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải toàn diện, song cần tập trung cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm, phương thức, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp của các chiến lược làm cơ sở để vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Trên cơ sở nhận thức đúng, làm cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây chính là thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”. Đồng thời, nhận thức được mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,… Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ địa bàn và chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, phát huy sức mạnh của hệ thống cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trong hệ thống học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương; coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, làm cơ sở để đội ngũ này tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân. Cùng với đó, cần tích cực đấu tranh với những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là tư tưởng cho rằng trong thời bình không cần xây dựng lực lượng vũ trang, Quân đội, nền quốc phòng toàn dân, gây tốn kém cho nền kinh tế đất nước,… dẫn đến mất cảnh giác, mắc mưu các thế lực thù địch, phản động.

Thứ ba,tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, nhằm đạt được mục tiêu đề ra là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Cần chú trọng quán triệt, vận dụng đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, khâu đột phá và tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, phương thức tiến hành các chiến lược vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ và hằng năm bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ; Luật Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Nghĩa vụ quân sự...

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về quốc phòng, bảo đảm các hoạt động quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đúng phương hướng chính trị của đất nước, theo tư duy, nhận thức mới của Đảng, đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện có chiều sâu các cơ chế, quy chế, thông tư, văn bản, hướng dẫn, quy định dưới luật, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong thực tiễn, bảo đảm cho nội dung của các chiến lược đi vào cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, Tổ quốc trong mọi tình huống.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét