- Chủ nghĩa cá nhân và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là
vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngay sau khi cách mạng
Tháng Tám thành công, vào ngày 15-10-1948 trên Báo Sự thật, Bác có bài viết:
“Chủ nghĩa cá nhân” để chỉ ra biểu hiện, tính chất, mức độ nguy hiểm và phương
pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên thấy rõ.
Để giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn thế nào là chủ nghĩa
cá nhân Người khái quát: “Cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá
nhân”. Người chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là một trong ba kẻ địch nguy hiểm của
người cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng, lúc tinh vi,
kín đáo, lúc lộ liễu, trắng trợn. Chung quy, chủ nghĩa cá nhân có ba biểu hiện
chính yếu dưới đây.
Chủ nghĩa cá nhân là đòi hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn cá
nhân. Bác nêu rõ: “Họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn
công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể
giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần
tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm
chất tốt đẹp của người cách mạng cũng giảm sút, họ quên rằng tiêu chuẩn số một
của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Người khẳng định: “Vì chưa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có cán bộ, đảng
viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ.
Họ đòi ưu đãi và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ
thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”. Rồi dần
dần họ xa rời Đảng”.
Chủ nghĩa cá nhân là thái độ kiêu ngạo, công thần. Bác viết:
“... Có một số ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc mà trở nên
kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người
khác phê bình mình; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà,
nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe
ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”. “Họ tự xem mình
cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ
muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần
chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”.
Chủ nghĩa cá nhân là hành động tự do, vô tổ chức. Bác nêu
rõ: “... Chủ nghĩa cá nhân đã đưa các đồng chí ấy đến chỗ “tự do hành động”
trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng. Dù muốn hay không muốn, hành động của những
đồng chí ấy làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, cản trở bước tiến
của cách mạng”. Người vạch rõ những tác hại của chủ nghĩa cá nhân:
Một là, chủ nghĩa cá nhân làm cho “một số cán bộ, đảng viên
xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”.
Hai là, nó làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa, lạc hậu:
“Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ.
Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ
nghĩa cá nhân. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ.
Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.
Ba là, chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan
liêu, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn
nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn
danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của
nhân dân. Và Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng
lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.
Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách chống
phá Đảng, Nhà nước ta về mọi mặt, chúng không từ âm mưu, thủ đoạn và hành động
nào nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội;
trong nước tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn tồn tại gây bức xúc xã hội...
Bởi vậy, để tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, mọi người trước hết là cán bộ,
đảng viên phải tích cực, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách
mạng; thật sự gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ cương, kỷ luật, coi trọng
công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của
cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, uốn nắn, giáo dục, sửa chữa cán bộ, đảng
viên và công nhân viên chức có dấu hiệu coi thường, vi phạm kỷ luật, biểu hiện
chủ nghĩa cá nhân ngay từ ban đầu, tránh tạo thành tiền lệ xấu. Phát huy vai trò
của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác phát hiện biểu hiện gây mất đoàn kết,
biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, chia rẽ bè phái, ích kỷ… để có phương pháp xử lý
hiệu quả. Làm cho nội bộ cơ quan, đơn vị và trong nhân dân thật sự đoàn kết,
không có “đất sinh sôi” của chủ nghĩa cá nhân.
Trần Nam Chuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét