Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

 

Chương trình Cao cấp lý luận chính trị: một năm nhìn lại

(LLCT) - Ngày 7-8-2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Sơ kết một năm thực hiện chương trình cao cấp lý luận chính trị”. GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện dự và chủ trì. Dự Hội nghị có PGS,TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý Đào tạo các học viện trực thuộc, giảng viên trực tiếp giảng dạy và học viên.


Khai mạc Hội nghị, GS,TS Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh yêu cầu thảo luận, góp ý những nhược điểm về nội dung, thời gian, công tác đánh giá qua thực tế thực hiện chương trình mới… để tiếp tục hoàn thiện chương trình.

Báo cáo đề dẫn Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Tất Giáp cho biết: Chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị áp dụng từ tháng 8-2014 cho toàn hệ thống Học viện, được thực hiện trong thời gian 8 tháng với các lớp hệ tập trung và 18 tháng với các lớp hệ không tập trung. Toàn Chương trình gồm 1.590 tiết học, tổ chức theo 4 khối kiến thức: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; các vấn đề khoa học chính trị và lãnh đạo, quản lý; các chuyên đề đặc thù và bổ trợ. Chương trình mới đã được triển khai trong năm học 2014-2015 với 60 lớp hệ tập trung và 90 lớp hệ không tập trung. Các lớp hệ tập trung đã tốt nghiệp, là cơ sở quan trọng để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình thực hiện chương trình. Sau 1 năm thực hiện chương trình, các ý kiến phản hồi từ đội ngũ giảng viên và học viên cho thấy một số ưu điểm cơ bản sau: (1) lần đầu tiên có sự thống nhất về chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị trong toàn hệ thống Học viện, giúp công tác quản lý chuyên môn chặt chẽ, hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên khi có nhu cầu thay đổi giữa các cơ sở đào tạo trong hệ thống Học viện; (2) xác định mục tiêu rõ ràng, các khối kiến thức được thiết kế và tổ chức giảng dạy bám sát mục tiêu đặt ra; (3) chuyển từ truyền thụ một chiều mang nặng lý luận kinh viện sang đề cao tranh luận và phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tinh thần đổi mới giáo dục lý luận chính trị hiện nay; (4) đổi mới căn bản công tác kiểm tra đánh giá với nhiều hình thức, hướng tới kết quả thực chất, khách quan, toàn diện; (5) học viên có sự chuyển biến tích cực, được trang bị nhiều kiến thức thực tiễn, nhiều kỹ năng bổ ích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, về đào tạo, rèn luyện, qua thực tế 1 năm triển khai, chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế, cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Đồng chí yêu cầu xem xét và thảo luận trực tiếp tại Hội nghị về: nội dung, thời gian, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (công tác tổ chức kiểm tra, thi, đánh giá đề án tốt nghiệp, chuyên đề tự chọn, cử giảng viên đi giảng dạy các lớp không tập trung, tài liệu học tập), công tác quản lý học viên và quy chế quản lý đào tạo.

Tại Hội nghị, các nhà khoa học, giảng viên và cán bộ quản lý đồng ý với những đánh giá tại Báo cáo đề dẫn và đóng góp nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề còn bất cập:

Về thời gian thực hiện chương trình. Tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến cho rằng, không tăng thời gian đào tạo mà cần điều chỉnh thời lượng giữa các chuyên đề trong các môn học. Việc điều chỉnh giao cho các viện chuyên ngành chủ động thực hiện.

Về nội dung. Các ý kiến đều thống nhất: nội dung chương trình phù hợp, thống nhất cao, không bị trùng lắp giữa các môn học. Một số chuyên đề tự chọn, cần có thời gian chuẩn bị nội dung cho phù hợp với thực tế yêu cầu; tùy chuyên đề nên mời cán bộ lãnh đạo, quản lý các bộ, ngành liên quan và địa phương tham gia giảng dạy để nội dung phong phú hơn.

Về phương pháp giảng dạy. Các ý kiến thống nhất cần biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của người học. Để làm được điều đó, giảng viên cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang định hướng, gợi mở vấn đề. Thời gian giảng bài của giảng viên cần giảm, tăng thời gian thảo luận, đọc tài liệu của học viên.

Về tổ chức thực hiện. Cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy chế quản lý đào tạo, quy chế kiểm tra, đánh giá phù hợp, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên lấy ý kiến học viên và công bố kết quả đánh giá giảng viên của học viên để qua đó rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Về công tác kiểm tra, đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường thi vấn đáp, kết hợp thi trắc nghiệm với tự luận, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai tin học hóa trong công tác khảo thí. Việc tạo lập ngân hàng đề thi cũng rất cần thiết để tạo sự thống nhất trong ra đề và chấm thi.

Đề án tốt nghiệp là vấn đề có được nhiều ý kiến trao đổi tại Hội nghị. Các ý kiến đều thống nhất, cần tăng thêm thời gian làm đề án để học viện thực hiện sâu hơn, khâu đánh giá chính xác hơn. Việc viết đề án nên được triển khai ở tất cả các học viên hệ tập trung và không tập trung. Với các lớp tập trung nên cho bảo vệ đề án, đối với các lớp không tập trung thì nên thành lập hội đồng chấm đề án. Thành phần hội đồng đánh giá đề án nên mời các bộ ngành hoặc địa phương liên quan tham gia. Để đề án đạt hiệu quả cao, Vụ Quản lý Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn đề án: mô hình, dung lượng… Đề án do học viên tự xác định đề tài và triển khai, không có sự hướng dẫn của giảng viên.

Kết thúc Hội nghị, GS, TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định những thành công mà chương trình mới đạt được, coi đây là tiền đề quan trọng để Học viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Trên cơ sở các ý kiến, đồng chí đã kết luận một số vấn đề:

-   Nội dung chương trình đào tạo được xây dựng đúng quy trình, từ các viện chuyên ngành chuyển lên Văn phòng Đề án 1677. Do đó, việc điều chỉnh, bổ sung cần có lộ trình và được thực hiện sau 3 năm. Những nội dung đó, nếu cần thì các viện chuyên ngành, giảng viên cập nhật trong nội dung bài giảng hoặc thông qua các chuyên đề tự chọn.

-   Thời gian thực hiện chương trình không thay đổi mà thay đổi cách thức, phương pháp chuyển tải nội dung.

-   Phương pháp đào tạo cần thảo luận kỹ để tăng giờ thảo luận, giảm giờ giảng bài trên lớp, thay đổi phương thức, kế hoạch giảng dạy cho phù hợp hơn.

-   Tổ chức thực hiện cần đưa vào quy củ. Việc kiểm tra, đánh giá trong quy chế cần có điểm thi giữa môn học, hình thức kiểm tra do giảng viên, cơ sở đào tạo tự chọn. ần nhanh chóng xây dựng ngân hàng đề thi cho toàn hệ thống, không quy định hình thức thi nhưng cần có hướng dẫn cụ thể. Thi hết môn có thể lựa chọn hai phương thức: ngay sau khi kết thúc môn học hoặc sau khi kết thúc kỳ học.

-   Đề án của học viên không cần giáo viên hướng dẫn, chỉ cần hướng dẫn phương pháp, cách thức làm; mọi học viên đều viết đề án, học viên hệ tập trung bảo vệ, hệ không tập trung chấm tập trung, hai thành viên hội đồng chấm độc lập.

nguồn: Hoa Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét