Vào khoảng những năm 1920 - 1922, bà Nguyễn Thị Dương, người con gái vùng biển thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về làm dâu nhà họ Đoàn ở thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, một làng biển bãi ngang, cát trắng, nhiều nắng và gió. Có lẽ chính cái khắc nghiệt của mảnh đất nơi đây đã tôi luyện nên ý chí gang thép cho người dân vượt qua mọi nghịch cảnh thiên tai, địch họa để tồn tại, chiến đấu và vươn lên. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, cụ Đoàn Cầu tham gia cách mạng từ đầu thập niên 1920 của thế kỷ XX, từ tổ trưởng đọc báo, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, rồi sau này được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Từ cán bộ được phân công tổ chức Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa năm 1945, ông đã trở thành Chủ tịch xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng) ngay sau khi cách mạng vừa giành được chính quyền.

Do ông Đoàn Cầu tham gia hoạt động cách mạng nên thời niên thiếu, cậu bé Đoàn Khuê thường chịu thiệt thòi, thiếu vắng tình cảm của người cha, mọi việc trong gia đình đều do người mẹ tần tảo sớm hôm gánh vác. Trong tâm trí của Đại tướng Đoàn Khuê, mẹ của ông là người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu, đầy nghị lực, chịu thương, chịu khó chăm lo cho chồng con, cho cách mạng. Bà luôn tin tưởng vào con đường chồng đã chọn, tin vào chí hướng của đàn con ngay từ nhỏ đã được người cha truyền cho cái chí làm trai: “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất / Không công danh thà nát với cỏ cây”. (Trích bài thơ Gánh trung hiếu, của Nguyễn Công Trứ).

Từ lòng tin vào cách mạng của người mẹ và khí phách của người cha đã thôi thúc Đại tướng Đoàn Khuê vượt qua mọi gian khổ, ác liệt trong khói lửa của chiến tranh cũng như trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng của mình.

Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê
Năm 1940, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị, Đoàn Thanh niên phản đế Triệu Phong tổ chức rải truyền đơn kêu gọi nhân dân hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn đánh đuổi Nhật - Pháp. Biết đồng chí Đoàn Khuê là Bí thư Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong, địch ráo riết truy tìm và đến ngày 30-10-1940, đồng chí bị bắt, bị kết án tù ở nhà lao Quảng Trị. Nhận được tin người con cả Đoàn Khuê bị địch bắt, trước khi bị thực dân Pháp đày đi Buôn Ma Thuột, bà Nguyễn Thị Dương đã tìm tới nhà lao Quảng Trị để tìm gặp thăm con. Khi ánh mắt hai mẹ con gặp nhau thì tiếng gọi “Khuê ơi!” đã làm cho mắt ông nhòa lệ. “Đó là ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về mẹ, ánh mắt của bà vừa xót thương, vừa âu yếm, lời của bà nhẹ nhàng nhưng đã động viên tôi suốt chặng đường gian lao phía trước”. Đại tướng Đoàn Khuê đã nhắc đi nhắc lại điều đó mỗi khi nói về mẹ.

Gần 5 năm trong nhà tù, đồng chí Đoàn Khuê đã tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất trước sự đày ải và tra tấn dã man của kẻ thù, giữ vững khí tiết kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Bằng hành động đấu tranh phản đối chế độ nhà tù hà khắc và chống xu hướng tiêu cực trong nội bộ tù chính trị, đồng chí được cử làm thành viên của tổ chức trung kiên có tên là Ủy ban vận động cách mạng, làm nhiệm vụ của một chi bộ. Cũng chính thông qua thực hiện các nhiệm vụ tổ chức phân công, đồng chí được rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, hiểu biết về cuộc sống, dạn dày trong đấu tranh với quân thù và những kinh nghiệm tổ chức, vận động quần chúng đoàn kết. Năm 1945, khi vừa ra khỏi nhà tù thực dân Pháp, người đầu tiên ông tìm gặp đó là mẹ và người thân. Tuy thời gian ngắn ngủi lưu lại bên gia đình, chỉ đủ mẹ nấu cho ông ăn một bữa cơm, sửa soạn cho ông bộ quần áo rồi lại ra đi, nhưng ông như được tiếp thêm sức mạnh từ đức tính nghị lực của người cha, lòng nhân hậu của người mẹ.

Năm 1953, để củng cố địa bàn chiếm giữ, Pháp đã mở trận càn Camargue với quy mô lớn vào hai vùng căn cứ kháng chiến của ta ở Bắc Thừa Thiên và Nam Quảng Trị, cụ Đoàn Cầu và các cán bộ huyện Triệu Phong, Hải Lăng được lệnh rút lên chiến khu Ba Lòng nhằm bảo toàn lực lượng và cụ Đoàn Cầu đã mất tại Phước Môn.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại nhưng tỉnh Quảng Trị lại chịu cảnh chia cắt thành hai miền, theo quy định của tổ chức thì mẹ của ông thuộc diện cùng gia đình tập kết ra Bắc nhưng bà đã quyết định ở lại quê nhà để nuôi dạy con cái, che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động. Tháng 5 năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh “đặt Cộng sản ra khỏi vòng pháp luật” và áp dụng biện pháp chống cộng rất quyết liệt: tổ chức học tập “tố cộng” rộng rãi trong quần chúng nhân dân, phân loại quần chúng để phát hiện cơ sở đảng, cơ sở cách mạng. Chúng dùng một số phần tử đầu hàng, đầu thú, gài bọn gián điệp nằm vùng ở khắp nơi để chỉ điểm, truy lùng cán bộ, đảng viên. Mục tiêu của chúng đặt ra trong các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” ở giai đoạn này là phải cô lập, tiêu diệt các “phần tử cộng sản”, những “tổ chức cộng sản” và những “tư tưởng cộng sản”, thẳng tay bắt bớ, tra tấn, tù đày, thủ tiêu những người đi theo cách mạng.

Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê
Những năm tháng ấy, gia đình đồng chí Đoàn Khuê cũng nằm trong danh sách “sổ đen” theo dõi Việt cộng. Sau nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, kìm kẹp gia đình nhưng không lay chuyển, khuất phục được lòng tin son sắt của mẹ đồng chí Đoàn Khuê đối với cách mạng, chúng đã bắt giam tra tấn, nhiều lần bà phải chịu cảnh chết đi sống lại. Năm 1964, khi các con đã khôn lớn trưởng thành và tất cả đều tham gia hoạt động cách mạng, bà được tổ chức bố trí đưa ra Bắc. Ra đi trong bí mật nên bà chỉ gặp được người con thứ sáu Đoàn Thị Tùng, lúc này đang là Huyện ủy viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện với lời dặn: “Hãy nhớ lấy lời cha lúc bình sinh, các con ở lại cùng bà con chiến đấu”.

Tổ chức đưa bà ra Bắc với mong muốn bà được sống trong hòa bình yên ổn để khỏe mạnh hơn, chờ ngày thống nhất đất nước trở lại quê hương nhưng chỉ được mấy tháng, ra Tết năm 1965, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt, bà lại cùng các cháu đi sơ tán. Nhờ có bà chăm sóc các cháu nơi sơ tán lúc ở huyện Văn Giang và Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), lúc lại về các huyện Đan Phượng, Thạch Thất và Phúc Thọ (tỉnh Hà Tây) nên vợ chồng đồng chí Đoàn Khuê và Đoàn Chương (em trai của Đại tướng Đoàn Khuê) yên tâm công tác ngoài mặt trận. Những năm đi sơ tán, bà đã ngoài 60 tuổi, chăm lo cho 4 đứa cháu cũng khá vất vả, 2 đứa lớn 8 tuổi, 2 đứa nhỏ mới 4 tuổi. Lúc khỏe mạnh không sao nhưng những lúc ốm đau, bệnh tật chỉ một mình bà chăm sóc, nên khó khăn, vất vả trăm bề.

Chị Đoàn Thị Minh, con gái đầu lòng của Đại tướng Đoàn Khuê chia sẻ kỷ niệm về bà nội: “Trong một lần em Thắng bị sốt cao, đang đêm mệ phải nhờ anh con trai bà chủ nhà đi cùng mệ ra khỏi làng, theo bờ đê đến chùa nơi trại trẻ ở tập trung đón cô y sĩ về khám cho cháu (chùa làng ngày trước thường ở ngoài cánh đồng, xa làng), sáng hôm sau ngủ dậy nghe mệ kể lại mới biết. Để cải thiện đời sống mệ nuôi thêm gà, trồng thêm rau, quả trong vườn. Mỗi lần làm thịt gà, mệ luộc rồi xé, các cháu xúm xít quanh mệ thèm thuồng, mệ rất tâm lý cho 2 đứa nhỏ 2 cái cánh, 2 đứa lớn 2 cái chân thế là tản ra không còn chầu chực nữa. Mệ luôn có câu nói dạy dỗ các cháu dễ nhớ thấm sâu vào người lúc nào không biết, đó là mỗi khi mệ giao việc làm, mấy chị em thường tỵ nạnh nhau, rồi kể công là mệ nói “coi công đáng nén 10 lượng”, lâu dần đứa nào cũng tự giác thấy việc là làm, làm không kêu nài. Mệ là người ưa ngâm thơ, hò Huế, phải chăng gien đó cũng truyền cho bố Khuê. Đi sơ tán chú Chương đưa mệ cầm theo một cái đài cũ của bố Khuê để nghe thời sự, ca nhạc. Nghệ sĩ mà mệ yêu thích nhất là nghệ sĩ Châu Loan. Mỗi khi nghe bà ca hò Huế là mệ lặng đi, mắt nhìn xa xăm. Chương trình thời sự lúc 18 giờ, mệ nghe rất chăm chú, lúc đó các cháu đều không được ồn ào nói chuyện. Nghe tin chiến thắng trong Nam, máy bay bị bắn rơi, mặt mệ rạng rỡ, chắc mệ nghĩ đến ngày được về Quảng Trị, gặp lại các chú, cô. Để giữ sức khỏe cho mệ, chú Chương, chú Thúy đều phải giấu biệt tin tức hy sinh, mất mát, đau thương ở quê nhà”.

Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê
Chiến tranh ngày càng ác liệt, các con của bà đã lần lượt hy sinh vì “nợ nước, thù nhà”. Năm 1964, anh Đoàn Đình, người đầu tiên trong số sáu anh em theo đường biển chở thương binh ra bờ Bắc, chở súng đạn quay về. Địch cho ca-nô bám theo đuổi vây tại Cửa Việt, bắn chìm thuyền, hy sinh. Bà con bờ Bắc đi bủa lưới, kéo được xác lên, đưa về chôn trong cát. Năm 1965, anh Đoàn Giao là cán bộ nằm vùng, ngày ở trong rú, đêm ra làng. Cứ trời mưa là địch lại kéo nhau sục sạo đi tìm dấu. Mưa to, chân bước lún sâu xuống cát, rất khó ngụy trang. Chúng theo dấu chân, tìm được hầm, quật hầm, anh đội nắp nhảy lên chiến đấu với địch đến hơi thở cuối cùng. Để thị uy dân chúng, sau khi anh hy sinh, địch đã cột dây xích vào cổ anh, kéo lê xác về quẳng trước nhà. Năm 1967, anh Đoàn Ngọc Anh trong một trận chiến đấu, trên đường rút quân bị địch phục kích, đến sông Vân Tường bị pháo bắn đuổi, do không vượt nổi qua sông đã hy sinh, xác tấp gần bến đò.

Trong năm 1968, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chiến trường hết sức ác liệt, Mỹ - ngụy tung quân về nông thôn bình định và tìm diệt, anh Đoàn Cư cùng chị Đoàn Thị Tùng đã giữ vững ý chí cách mạng, bám dân, bám cơ sở hoạt động, anh dũng chiến đấu và hy sinh trong vòng tay của đồng đội. Ở tuổi gần 70, đáng ra mẹ phải được gần con cháu sum vầy, sớm hôm chăm sóc, phụng dưỡng, nay vì đất nước chiến tranh, các con mẹ phải ra trận, chỉ trong bốn năm mẹ đã phải mất đi năm người con thân yêu của mình. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau người mẹ mất con. Mẹ đâu hay rằng lần gặp người con gái Đoàn Thị Tùng là lần gặp cuối cùng trong số những người con của mẹ ở lại quê hương chiến đấu để nát với cỏ cây, ra đi mãi mãi không về.

Ba người con trai còn lại của mẹ được rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành trong quân đội, đó là Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đoàn Chương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự và Đại tá Đoàn Thúy. Cả cuộc đời mẹ Nguyễn Thị Dương là một bài học lịch sử về đức hy sinh. Dù phải sống xa quê, nhưng ở đâu mẹ cũng nhớ thương cội nguồn, nhớ về những người con đã hy sinh ở tuổi xuân cho dáng hình quê hương, đất nước. Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mẹ Nguyễn Thị Dương được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và truy tặng danh hiệu cao quý - Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394 KT/CTN, ngày 17-12-1994.

Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê

Người phụ nữ đặc biệt thứ hai trong cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê chính là bà Trương Thị Sương, cô nữ sinh xinh đẹp Trường Trung học Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên, phu nhân của Đại tướng. Trong những năm 1947-1952, đơn vị đồng chí Đoàn Khuê đóng quân trên địa bàn huyện Đồng Xuân, một huyện miền núi có diện tích lớn, nằm về phía Tây Bắc tỉnh Phú Yên. Gia đình bà Trương Thị Sương là cơ sở cách mạng được phân công nuôi giấu bộ đội, trong đó có đồng chí Đoàn Khuê - Chính ủy Trung đoàn 84. Lúc ấy, bà Trương Thị Sương, là nữ sinh mới mười lăm, mười sáu tuổi, đang mải mê chuyện học hành. Thường ngày thấy bộ đội ăn uống kham khổ, nên cha mẹ bảo cô bê thức ăn lên ủng hộ, nhưng các anh lần nào cũng từ chối. Trong số cán bộ ở trong gia đình, ba của cô quý nhất là anh bộ đội Đoàn Khuê vì là người chỉ huy đức độ, tính tình điềm đạm chuẩn mực. Sau một thời gian, anh và đơn vị chuyển quân, chợt một ngày từ chiến trường về thăm chốn cũ, đồng chí Đoàn Khuê ngỏ lời cầu hôn nữ sinh Trương Thị Sương và được gia đình đồng ý. Tuy đã cầu hôn nhưng hai người vẫn không ở gần bên nhau vì một người còn theo việc học, còn một người đang liên miên ngoài chiến trận.

Anh Đoàn Xuân Thắng (con trai của Đại tướng Đoàn Khuê và bà Trương Thị Sương), cho biết thêm rằng, cuối năm 1950, bố mẹ anh tổ chức lễ cưới. Cưới xong được hai hôm thì bố anh có lệnh lên đường ra Bắc học tập, mãi đến hai năm sau mới về lại Quảng Ngãi. Tiếng là bố anh về Nam nhưng ông bà vẫn mỗi người một nơi và chỉ gặp nhau được hai ngày rồi lại đi. Mẹ ông tham gia Đoàn Thanh niên và Phụ nữ cứu quốc tại xã, còn bố anh vẫn mải mê việc quân trường. Tháng 10 năm 1954, mẹ của anh được đi tập kết ra Bắc, còn bố anh vẫn ở lại Khu 5, rồi sau này ra Hà Nội, mẹ của anh được tổ chức phân công đi học y tá ở Nhà thương Phủ Doãn, thì bố của anh được ra Bắc, đóng quân ở Sơn Tây, thỉnh thoảng hai người mới có dịp gặp nhau. Khi mẹ anh sinh chị gái thì bố của anh vẫn đang ở Sơn Tây, đến khi sinh ra anh thì bố lại đang công tác ở Nghệ An. Năm 1963, bố của anh được điều động đi B, nghĩa là lại về Nam chiến đấu, năm 1964, mẹ của anh cũng xin đi học y sĩ để chuẩn bị vào chiến trường, năm 1965, sau hơn hai tháng đi bộ mới vào đến Ban dân y Khu 5. Thương ba mẹ anh phải chịu cảnh xa cách mãi, bác Năm Công (đồng chí Võ Chí Công) quyết định điều mẹ của anh sang công tác tại Bộ tư lệnh Quân khu 5. Khi vào Nam, ba mẹ anh để lại hai con ở miền Bắc nhờ vợ chồng chú Đoàn Chương chăm sóc, dạy dỗ, về sau hai chị em sang Trung Quốc học trường học sinh miền Nam mang tên Nguyễn Văn Bé.

Năm 1968, do sức khỏe yếu nên tổ chức cho bà ra Bắc, bà lại quyết tâm đi học trở thành bác sĩ để mong có ngày lại trở về Nam cống hiến được nhiều hơn nữa. Việc đầu tiên khi ra tới đất Bắc là bà xin cho 2 con rời trường miền Nam về nước. Chị Đoàn Thị Minh (con gái của Đại tướng Đoàn Khuê và bà Trương Thị Sương) chia sẻ: “Lúc gặp lại mẹ, em Thắng liền nói “Lần đầu tiên con gặp má!”, thế là bà òa khóc mừng tủi vì mẹ ra đi lúc con mới 3 tuổi. Những năm đó tuy đã ra Bắc, nhưng mẹ vẫn phải gửi con cho mệ và chú thím nuôi vì còn đi học tại Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) ở Hà Đông. Tuần nào rỗi là chiều thứ bảy mẹ lại đạp xe từ Hà Đông về Lý Nam Đế để ngủ với con một tối, sáng ra đi chợ nấu ăn giúp mệ, tắm giặt cho con, cố gắng đỡ đần cho mệ nhiều nhất để đến chiều chủ nhật lại vội vã đạp xe về trường kịp điểm danh. Học hành vất vả sức khỏe yếu nên có lần mẹ bị chảy máu dạ dày, thế rồi cứ tự mình chăm lo cho bản thân cũng chẳng ai biết”.

Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời của Đại tướng Đoàn Khuê
Năm 1974, bà ra trường về công tác tại Ban Quân y, Tổng cục Chính trị, bà đón mẹ Nguyễn Thị Lạnh (em ruột của mẹ Nguyễn Thị Dương) và cháu Sen (con chú Đoàn Cư là liệt sĩ) về ở cùng, chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình chú Đoàn Chương. Năm 1977, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Đoàn Khuê công tác ổn định ở Quân khu 5, bà chuyển về Đà Nẵng công tác tại Viện Quân y 17. Do địa bàn Quân khu 5 rộng nên đồng chí Đoàn Khuê phải thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo cơ sở, bà ở nhà vừa công tác, vừa cuốc đất trồng cây, nuôi thêm con gà để có điều kiện cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Năm 1989, bà lại theo đồng chí Đoàn Khuê chuyển ra Hà Nội công tác. Hằng ngày, bà đi chợ chăm chút bữa ăn cho chồng theo đúng khẩu vị giúp đảm bảo sức khỏe. Mãi đến lúc này ông bà mới có điều kiện gần gũi nhau hơn, chăm lo cho nhau nhiều hơn, trong gia đình có thêm cháu nên ông bà càng vui. Mỗi tối đến, bao giờ bà cũng có sẵn món ăn hoa quả giúp ông làm việc về khuya đỡ đói bụng. Dù rất thương yêu vợ, nhưng ông cũng không có điều kiện chăm sóc bà, đi công tác đâu ông cũng để ý mua quà cho vợ, lúc cái kính lão, lúc cái lược chải đầu... Những năm tháng cuối đời bị bạo bệnh, ông nằm viện, hằng ngày bà ăn sáng xong là vào chăm sóc, chuyện trò, động viên giúp ông ăn uống ngon miệng, vượt qua những lúc căng thẳng bệnh tật. Trước khi ông mất một tháng, bà bị ngã gãy xương vai không vào chăm ông được, khi nghe con kể lại ông rất lo lắng, nước mắt chảy dài. Còn bà cũng chỉ ở nhà được hai hôm là dứt khoát vào viện để được nhìn thấy ông mới yên tâm trong lòng.

Trong 47 năm thành vợ chồng nhưng do hoàn cảnh của chiến tranh, hai ông bà chỉ có một phần ba thời gian gần gũi ở bên nhau, còn lại là nỗi nhớ nhung, mong chờ, lặng lẽ hy sinh hạnh phúc riêng tư cho quê hương, đất nước. Có lẽ, hai người phụ nữ trong đời mà ông đặc biệt yêu thương quý trọng nhưng lại là những người phải chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, vì: Những năm dài chiến tranh / Anh xông pha chiến trận Trường Sơn hùng vĩ có hình bóng anh / Từ biên cương, hải đảo xa xôi / Dấu chân anh in khắp mọi nẻo… (Trích trong bài thơ Tâm nguyện anh của bà Trương Thị Sương).

Với 76 năm tuổi đời, 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, có thể thấy cuộc đời Đại tướng Đoàn Khuê là một cuộc đời thật đẹp. Đó là cuộc đời của một người yêu nước, ông đã thực hiện được lời căn dặn của người cha “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Đánh giá công lao của Đại tướng Đoàn Khuê, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: "Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và Nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của Quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao". Và bên cạnh vị tướng trận mạc lẫy lừng còn có hai người phụ nữ âm thầm chịu đựng những gian khổ, hy sinh trong 30 năm chiến tranh đầy biến động của quê hương, đất nước, dân tộc, đó là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dương và phu nhân của Đại tướng, bà Trương Thị Sương. Họ đã cùng những người vợ, người mẹ đi qua chiến tranh với nhiều hy sinh mất mát, nhưng vượt lên mọi gian khổ, mãi là tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang, phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc.