Hành trình sáng tạo: Chuyên gia siêu cao tần Triệu Văn Điệp
Được mệnh danh là chuyên gia siêu cao tần của các khí tài radar, những năm qua, bằng tình yêu, lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, Trung tá Triệu Văn Điệp, Nghiên cứu viên, Phòng Nghiên cứu Radar, Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ), Quân chủng PK-KQ cùng đồng đội nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm chất lượng, được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Được chỉ huy phân công phụ trách nhóm siêu cao tần thuộc Phòng Nghiên cứu Radar từ năm 2020, với nhiệm vụ thiết kế, lắp ráp, hiệu chỉnh, thử nghiệm, sản xuất các thiết bị, mảng mạch siêu cao tần của các đài radar, Trung tá Triệu Văn Điệp chủ động học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, thường xuyên cập nhật ứng dụng công nghệ mới vào công tác nghiên cứu khoa học, cùng với nhóm thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ các dự án, đề tài, nhiệm vụ được giao.
Hành trình sáng tạo: Chuyên gia siêu cao tần Triệu Văn Điệp
Trung tá Triệu Văn Điệp hướng dẫn thành viên nhóm siêu cao tần đo đạc, hiệu chỉnh các tham số hệ thống thu phát máy hỏi MHVN1.
Ba năm qua, nhóm siêu cao tần thực hiện 8 nhiệm vụ kỹ thuật được các cấp nghiệm thu đạt kết quả tốt, trong đó phải kể đến đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Nghiên cứu, khai thác, làm chủ hệ thống thu БT, hệ thống điều khiển và phân tích tín hiệu, thiết kế chế tạo một số modul chức năng của tổ hợp Radar thụ động Kolchuga cho Quân chủng PK-KQ” do Trung tá Triệu Văn Điệp làm chủ nhiệm.
Đặc biệt, đồng chí Điệp phụ trách nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống thu phát cho đài radar RV-3D thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế chế tạo đài radar 3 tọa độ băng S RV-3D” cấp Bộ Quốc phòng. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi RV-3D là đài radar mạng pha, với nhiều kênh thu phát độc lập được điều khiển cánh sóng thông qua điều chỉnh pha của các kênh thu phát. Do đó, hoạt động của nó phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của hệ thống siêu cao tần, việc chế tạo ra các khối thu phát hoạt động ổn định trong thời gian dài đã góp phần quan trọng vào thành công của nhiệm vụ, đồng thời có ý nghĩa khoa học và công nghệ rất lớn. Ngoài ra, anh cùng với nhóm còn áp dụng công nghệ GAN (công nghệ mới nhất trong lĩnh vực siêu cao tần) sản xuất các modul phát công suất lớn và modul khuếch đại tạp âm thấp...Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên, Trung tá Triệu Văn Điệp không chỉ đam mê với nghề, năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc mà còn xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nhóm, truyền cảm hứng say mê sáng tạo, nghiên cứu đến từng thành viên. Thượng tá Nguyễn Xuân Lương, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Radar cho biết: “Siêu cao tần là lĩnh vực khó, đòi hỏi cán bộ, nhân viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn sâu mà phải kiên trì, tỉ mỉ. Với trình độ chuyên môn giỏi, luôn trách nhiệm và say mê với công việc, chỉ huy phòng rất tin tưởng khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Điệp. Thực tế, Trung tá Triệu Văn Điệp cùng với nhóm đã nghiên cứu nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn”.
“Nghiên cứu khí tài radar là vô cùng trừu tượng, nhất là ở phần cao tần, sóng khác nhau, kiểu đài khác nhau, nhiệm vụ, tính năng bắt mục tiêu khác nhau... Vì vậy, có những việc phải mất hàng năm mới hoàn thành. Làm ngày, làm đêm, tranh thủ cả giờ nghỉ, ngày nghỉ để chế tạo ra sản phẩm", Trung tá Triệu Văn Điệp chia sẻ.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác, liên tục từ năm 2020 đến nay, Trung tá Triệu Văn Điệp đều được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2022 công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét