Xuân Diệu là một trong những nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới sớm giác ngộ cách mạng, nguyện dùng ngòi bút phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Đến với cách mạng bằng sự hăm hở, nhiệt tình của một thi nhân rất mực yêu nước, tất yếu Xuân Diệu cũng đến với đề tài Hồ Chí Minh như một lẽ tự nhiên. Trong mấy chục năm cầm bút chuyên nghiệp, Xuân Diệu đã sáng tác nhiều bài thơ về Bác.
Như bao nhà thơ khác viết về Bác, Xuân Diệu cũng ngợi ca Người bằng những mỹ từ đẹp nhất được cất lên từ niềm yêu kính vô vàn. Hình ảnh Bác hiện lên trong thơ ông giản dị, mang vẻ đẹp điển hình của nhà nho phương Đông:
Cụ Hồ, ấy là Việt Nam sinh đẻ
Nên nghìn xưa còn lại vẻ nhà nho
Trải thế gian qua biết mấy địa đồ
Môi bất hủ nụ cười nước Việt.
Vẫn cái trán non cao, vẫn mắt ngời nước biếc
Vẫn chòm râu hòa nhã của phương Đông.
Dân sinh ra, nên nói tựa dân đồng
Lời chuyện vãn lại nôm na tục ngữ
Áo màu xám vẫn giữ tro vạn thuở
Của nương dâu, bãi đậu hoặc vườn ngô
Sống rau dưa, giày mũ vải thô sơ
Đời giản dị cũng đượm màu hiền triết.
Nhà nho phương Đông ấy, theo Xuân Diệu, là một con người rất mực yêu lao động, yêu thiên nhiên. Đi đến đâu, ở đâu dù thời gian ngắn hay dài, Bác vẫn luôn trồng cây tạo bóng mát tươi xanh cho đời, cho thế hệ tương lai:
Bác Hồ, ông cụ trồng cây
Người ươm hạt chắc người gây giống lành
Muôn hoa vạn trái trĩu cành
Cũng từ nơi một tấc thành mà ra.
(Ông cụ trồng cây).
Nhà nho phương Đông ấy vô cùng yêu quý nhân dân và cũng được nhân dân yêu quý vô ngần. Tình cảm Bác dành cho nhân dân và nhân dân dành cho Bác trong một chuyến về thăm Hà Bắc đã toát lên điều giản dị mà thiêng liêng cao quý là Bác không thể thiếu nhân dân và nhân dân không thể thiếu Bác:
Bác đứng giữa sân trường
Quây quần các cháu nhỏ
Và các cháu thanh niên
Các dũng sĩ “năm tấn”.
Như lúa mở cờ lên
Và các lão du kích
Đã xông pha trận tiền
Các bác gái, bà cụ
Mặt tươi rói hồn nhiên.
…
Giữa sân trường Bác đứng
Tìm phụ lão trước tiên
Chúc các cụ sức khỏe
Hỏi cây trồng đã lên.
Thăm đại biểu dân tộc
Phụ nữ áo vui màu
Mán, Mường, Dao, Sán Chỉ
Đứng nhìn sững Bác lâu.
…
Ấy mẩu chuyện Bác Hồ
Ngày xuân thăm Hà Bắc
Yêu ở mãi lòng người
Nhớ nhung còn ở đất.
(Bác Hồ về thăm một làng Hà Bắc).
Từ chân lý giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng, cao đẹp ấy, Xuân Diệu nhận ra trong mình và trong mỗi người dân Việt Nam đều tạc một hình ảnh Bác:
Chúng ta mang Hồ Chủ tịch trong mình
Bác đã cho ta khuôn mẫu bóng hình
Để tạc mãi suốt đời theo ảnh Bác
Đó là gương sáng trong vằng vặc
Đó là hình đẹp nhất của ta
Nguyện hy sinh phấn đấu xông pha
Tạc theo Hồ Chí Minh vĩ đại.
(Tạc theo hình ảnh Cụ Hồ).
Đối với nhà thơ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, Bác là kết tinh những gì tốt đẹp nhất của giang sơn cẩm tú nước nhà:
Những chữ lớn như biển, trời
Như biển trời cũng hẹp
Cũng thua một con người
Khi tuyệt vời cao đẹp
Con của nước ta sinh
Tên người Hồ Chí Minh.
(Một con người).
Từ niềm yêu mến ấy, nhà thơ nguyện một lòng trọn đời đi theo Bác. Xuân Diệu cất lời kêu gọi, thúc giục nhân dân mau chóng đi theo Bác đấu tranh giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc:
Đi theo Bác Hồ, có cả Biển Đông
Nhả lụa có tằm, gây mật có ong
Có chúng ta muôn triệu ngực anh hùng.
Đi theo Bác Hồ từ Nam chí Bắc
Kháng chiến thiêng liêng ầm ầm chuyển đất
Gian lao đầu đã hẹn lúc thành công.
Đi theo Bác là đi cùng lịch sử
Bác Hồ ơi! Bác là dòng máu đỏ
Mãi trẻ trung trong ngực chúng con đây
Là gia tài muôn thuở để sau này
Mỗi mảnh đất cũng đòi trông thấy Bác.
…
Anh chị em ơi! Tất cả dưới cờ! Xông lướt tới! Có Bác Hồ phía trước
Hồ Chủ tịch đóa sao vàng dân tộc
Soi rọi ngàn phương
Cho vật mến, người thương.
(Đi theo Bác Hồ).
Khi nghe tiếng gọi Bác Hồ toàn dân đánh thắng giặc Mĩ, ngay lập tức Xuân Diệu viết những lời “gan ruột”, bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng dưới sự lãnh đạo của Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết trên dưới một lòng chắc chắn sẽ chiến thắng quân xâm lược dù cho chúng có mạnh mẽ, hung bạo đến đâu:
Dù Hà Nội thủ đô, cho tới Hải Phòng cửa biển
Có vỡ nát tan tành vôi gạch biến
Cũng không lay ý chí quyết chiến toàn dân
Những cánh tay hoan hô xây dựng lại đẹp vô ngần.
…
Thưa Bác, nước nhà kêu gọi chiến công
Đánh Mĩ, nhân dân theo Bác một lòng.
Khi Bác mất, trong khung cảnh “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, Xuân Diệu đau đớn viết nên những câu thơ khóc Bác đầy ngậm ngùi, xót xa:
Bây giờ mới khóc Bác ơi
Giật mình hăm bốn hôm rồi đó sao
Nhớ thương nào có nguôi nào
Tháng ngày càng khắc Bác vào tim con
Vẳng nghe giọng nói Bác luôn
Bác đang cười chuyện, Bác còn vẫy tay
…
Bác ơi cháu một đời người
Nhớ yêu Bác mãi đất trời ngàn năm.
(Bác ơi).
Trong nỗi đau thương vô bờ ấy, Xuân Diệu đinh ninh một lòng sẽ cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước thực hiện bằng được ước vọng lớn nhất đời Bác - thống nhất đất nước, non sông thu về một mối:
Tiến cả miền Nam! Cửu Long cuộn sóng
Tiến về đồng bằng! Nước non giải phóng
Tiến về Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh.
(Muôn thuở Bác Hồ).
Bên cạnh những bài thơ viết về tình cảm của nhân dân cả nước đối với Bác, Xuân Diệu còn có một số bài thơ viết về tình cảm của nhân dân thế giới đối với Bác và hoạt động cách mạng của Bác trong những năm bôn ba ở nước ngoài. Trong bài “Mạc Tư Khoa tháng giêng 1924”, nhà thơ viết về tấm lòng kính mến vô hạn của Bác đối với Lênin. Người không thể chờ có áo ấm để đi viếng vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản:
Tôi đi viếng Lênin vừa mới về
Đồng chí cho xin một chén nước chè
Ái Quốc nói vừa rét run cầm cập
Để viếng Người lớn lao thân mến nhất
Bạn của nhân dân thuộc địa chúng tôi
Tôi không thể nào đợi đến ngày mai.
Bài Xem triển lãm “Nhân dân thế giới thương tiếc Bác Hồ” ghi lại giây phút xúc động của nhà thơ trước tình cảm của người dân thế giới đối với Bác. Trong bài thơ này, Xuân Diệu đã nêu lên một chân lý: Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, những người công nhân, những em nhỏ, cụ già, những người yêu hòa bình, tự do và công lý đều yêu mến Bác Hồ vì Bác là một đại diện tiêu biểu cho những lý tưởng tốt đẹp mà nhân loại luôn hướng đến:
Đất nước nào người ở đâu nơi đâu
Bác cũng mến yêu lo toan một lòng chứa chở
Nắm tay bà, một cháu thốt lên hớn hở
Ô kìa! Bác Hồ quàng khăn đỏ
Mặc dầu trong ảnh chỉ có trắng đen
Các cháu Bungari nắm tay Bác dung dăng
Điệu ca múa là nhịp đời bất tuyệt
Tôi tưởng nghe những tiếng cười người Việt
Chen thế gian vào cửa sổ triệu nhà
Đẹp lành sao tôi tưởng thấy bao la
Trên những cánh đồng, trên những ruộng vườn, những núi rừng thế giới.
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ sớm nhất nhắc đến mối quan hệ máu thịt, khăng khít giữa văn học và cách mạng thông qua đề tài Bác Hồ. Đây có thể xem là một điểm nhấn đặc biệt trong mảng thơ về đề tài này của ông. Trong bài “Thơ dâng Bác Hồ”, nhà thơ đã bày tỏ sự xấu hổ, thẹn thùng, hối hận của mình với Bác khi có những lúc, những chỗ hiểu chưa đúng về vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật đối với sự nghiệp cách mạng nên đã có những phút giây “yếu đuối”, “lung lạc” khiến Bác phải muộn phiền. Và bằng tình yêu quý vô vàn với Bác cùng khát khao chuộc lỗi với Bác, làm Bác vui lòng, nhà thơ đã quyết tâm thực hiện việc tự đấu tranh với bản thân, làm cuộc “cách mạng tinh thần”, lột bỏ hoàn toàn những “lầm lạc tâm hồn” để trở thành người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn học nghệ thuật:
Con ngồi trước Bác mênh mông
Tội nhiều chưa dám thẳng trông Cha già.
…
Riêng con lầm lạc tâm hồn
Người tuy trong Đảng hồn còn ở xa.
Mỗi người, một lỗi xót xa
Bốn trăm người, lỗi bao la nặng nề.
Trên đầu tóc Bác sương ghi
Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con.
Nghĩ thêm hối hận bồn chồn
Những lời Bác dạy sắt son vững bền
Thoát bùn nở đóa hoa sen
Bùn tanh mà vẫn lọc nên hương trời.
Mắt Cha nghìn thuở sáng tươi
Dìu cho con vượt qua đời tối tăm.
Xuân Diệu và các nhà thơ đã cùng nhau ra một tập thơ viết về Bác. Tập thơ là lời khẳng định của các nhà thơ Việt Nam nguyện hết lòng đi theo đường lối văn nghệ mà Bác và Đảng đã vạch ra:
Chúng con dâng tặng tấm lòng chung
Nhớ Bác hôm xưa dạy sáng lòng:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong” .
(Dâng Bác Hồ tập thơ “Sáng tháng năm”).
Có thể nói, những sáng tác về Bác đã giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, khái quát hơn về đời thơ Xuân Diệu. Không chỉ là nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới” nổi tiếng với những bài thơ tình dạt dào, Xuân Diệu còn là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của văn học cách mạng - một nhà thơ hài hòa được cái “riêng chung” giữa cá nhân và dân tộc, giữa nghệ thuật và thời đại./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét