Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc của Đảng và dân tộc Việt Nam. Người đã tiếp thu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, truyền bá bằng phương pháp sáng tạo vào phong trào công nhân và phong trào dân tộc, khởi xướng quá trình đổi mới trên lĩnh vực tư tưởng ở Việt Nam.
Tiếp thu tinh hoa của các hệ tư tưởng phương Đông, phương Tây và chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên nền tảng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh chỉ ra tầm quan trọng của hệ tư tưởng và công tác tư tưởng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nhấn mạnh, muốn làm được nhiệm vụ tiên phong, Đảng phải đạt tới trình độ lý luận tiên phong; “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(1).
Trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Người luôn mang theo khát vọng cháy bỏng tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, có thể thức tỉnh đồng bào tin theo và đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư duy chính trị nhạy bén, sắc sảo cùng những trải nghiệm thực tiễn quý giá đã đưa Người đến với chủ nghĩa Lê-nin, tin theo V.I. Lê-nin và học thuyết cách mạng Mác - Lê-nin. Từ đây, Người tìm mọi phương cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trong nước nhằm giác ngộ tư tưởng chính trị cho quần chúng. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người viết: “Sách này chỉ ước ao sao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”(2). Sự thức tỉnh của một dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư tưởng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng. Chính sự thức tỉnh, giác ngộ tư tưởng đó trong phong trào công nhân và các tổ chức cộng sản ở trong nước đã đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, mở đầu cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ đó về sau.
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Người chỉ rõ, công tác tư tưởng là hoạt động xây dựng Đảng về trí tuệ, tư tưởng - chính trị, góp phần bảo đảm cho Đảng luôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đủ năng lực lãnh đạo chính trị đối với toàn xã hội. Người chỉ ra: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”(3). Muốn vậy, Người lưu ý rằng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên để giúp đỡ trong công tác, vì tư tưởng thông suốt thì làm việc tốt, tư tưởng “nhùng nhằng” thì không làm được việc.
Học thuyết Mác - Lê-nin với tư tưởng cốt lõi về giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng xã hội là vũ khí lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp Đảng làm tròn vai trò lãnh đạo cách mạng. Vì vậy, Đảng phải làm tốt công tác tư tưởng, làm cho thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, khích lệ toàn xã hội kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng; do vậy, phải kiên quyết chống việc xem nhẹ tư tưởng, giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”.
Công tác tư tưởng bao hàm phạm vi rộng, từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận đến tuyên truyền, cổ động, truyền bá hệ tư tưởng, nâng cao dân trí. Cần nhấn mạnh, công tác tư tưởng tác động tới nhận thức, tình cảm và trí tuệ của con người. Điểm xuất phát trong công tác tư tưởng là lòng tin vào con người, tin vào những gì tốt đẹp và cao thượng của con người.
Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Nếu không có bước tiến trong lý luận thì cũng không có bước tiến trong tuyên truyền, cổ động. Lý luận cách mạng là yếu tố tiên quyết làm nên sự vững mạnh của Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế... Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế”(4). Người chia lý luận làm hai loại: “Lý luận suông, vô ích” và “lý luận thiết thực, có ích”. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là “lý luận suông”. “Lý luận thiết thực” là những vấn đề do thực tế nảy sinh đòi hỏi phải giải quyết trên cơ sở lý luận, chẳng hạn “muốn biết ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như thế nào thì trước hết... phải biết chủ nghĩa xã hội là gì”(5). Bằng lý luận, Người giải thích, chủ nghĩa xã hội là một xã hội mà “mọi người được phát triển hết khả năng của mình”, một xã hội “dân chủ, giàu mạnh”, có nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, một nền văn hóa hiện đại và mang tính dân tộc. Chủ nghĩa xã hội là xóa áp bức, bóc lột, bất công, mọi người được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc...
Tuyên truyền, cổ động là một khâu quan trọng của công tác tư tưởng nhằm truyền bá các quan điểm, lý tưởng của Ðảng đến với quần chúng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”(6). Trong tuyên truyền, cần quan tâm đến đặc điểm đối tượng tuyên truyền. Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Phương pháp tuyên truyền cần cụ thể, thiết thực, dễ hiểu: Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?...
Trong phương pháp thực hành tuyên truyền, cổ động, Hồ Chí Minh chú ý đến phương pháp thuyết phục. Người cho rằng, phương pháp thuyết phục cần bảo đảm tính kiên trì, “có lý, có tình”, lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau. Đây là một trong những cách tốt nhất nhằm xây dựng Đảng, xây dựng con người và cuộc sống mới: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(7). Từ quan niệm đó, Người đã trực tiếp chỉ đạo biên soạn tập sách Người tốt, việc tốt cho mọi người noi theo. Và chính Người là một tấm gương sáng trong việc tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo và nêu ra phương pháp đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng. Người nói, kẻ thù “không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp, v.v. - để tuyên truyền... Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền”(8). Do đó, để đấu tranh, chúng ta cần giải thích cho nhân dân hiểu, nêu những cái xấu, sự hung ác của chúng, thu thập tài liệu để viết bài đấu tranh phản bác.
Một sự phát triển sáng tạo, có ý nghĩa về phương pháp luận trong công tác tư tưởng là Hồ Chí Minh không chỉ dừng ở những nguyên lý, mà luôn biết chuyển hóa thành những chuẩn mực đạo đức xã hội, có giá trị hướng dẫn hành vi con người, ví như “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “học để làm việc, để làm người”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”... Đồng thời, Người cũng đề cao và phát huy tính sáng tạo, tự do tư tưởng, tác phong độc lập suy nghĩ. Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra “quyền tự do phục tùng chân lý”. Làm được như vậy tức là đã “đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Ðảng, toàn dân”(9). Người nhấn mạnh, tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Do vậy, “mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng”(10).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị tổng tư lệnh tối cao, đồng thời là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Ngay từ những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã viết hàng trăm bài báo. Những năm 1925 - 1927, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho hơn 200 thanh niên yêu nước tại Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị về mặt lý luận và tổ chức cho việc thành lập chính đảng cộng sản ở Việt Nam. Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh, Người không ngừng nghiên cứu, đề ra đường lối cho cách mạng Việt Nam, kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, giác ngộ quần chúng phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người viết hơn 2.000 bài báo, hàng chục cuốn sách về lý luận và thực tiễn, phục vụ yêu cầu cách mạng.
Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận, nhà báo, nhà tuyên truyền, cổ động kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là một di sản đồ sộ về lý luận công tác tư tưởng và thực tiễn hoạt động tư tưởng. Tầm vóc tư tưởng của Người khởi nguyên cho quá trình tư tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét