Xung quanh vấn
đề Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo của Việt Nam, thời gian qua
trên internet có ý kiến cho rằng: “Theo luật quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ
mà giữa các kháng nghị có một khoảng gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những
đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô hiệu. Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm
gần 50 năm rồi. Từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ kháng nghị, đơn kiện nào
lên tòa án công lý quốc tế hoặc tòa án quốc tế. Nếu Việt Nam không có bất kỳ
kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo luật quốc tế coi như Việt Nam chấp nhận mất
Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa vĩnh viễn về tay Trung Quốc…”. Ðiều này hoàn
toàn sai lầm và không có căn cứ trong luật quốc tế. Trong các văn bản quốc tế
quan trọng đều không quy định vấn đề này. Trong các tập quán quốc tế về thụ đắc
lãnh thổ của một quốc gia cũng không thể hiện điều này. Trong các án lệ quốc tế
về tranh chấp lãnh thổ cũng không có một dòng nào nhắc tới quy định như vậy. Vì
thế, đây chỉ là một sự suy diễn không có căn cứ.
Từ những tư liệu
lịch sử trong nước và ở nước ngoài chứng tỏ ngay từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác
lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần
đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và có thể nói là quốc gia duy nhất thực hiện chủ
quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục và không gặp phải sự
phản đối của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản
quy phạm pháp luật khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận
không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam và Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với
hai quần đảo này, phù hợp các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Hiện
nay, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng và huyện đảo Trường Sa trực
thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Theo công pháp
quốc tế, có bốn cách để thiết lập chủ quyền trên một lãnh thổ, bao gồm: (1)
chuyển nhượng, (2) sự hình thành lãnh thổ mới, (3) chiếm hữu một lãnh thổ vô chủ,
và (4) chiếm hữu theo thời hiệu. Kể từ sau năm 1945, với sự ra đời của Liên hợp
quốc và nhiều văn bản pháp luật quốc tế quan trọng, bao gồm Hiến chương Liên hợp
quốc và các văn bản khác liên quan thì nguyên tắc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng
vũ lực trong quan hệ quốc tế đã được thiết lập, theo đó các hành vi xâm chiếm
lãnh thổ bằng vũ lực bị nghiêm cấm. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng,
việc sử dụng vũ lực chiếm đóng lãnh thổ của nước khác không bao giờ mang lại
danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho quốc gia sử dụng vũ lực. Năm 1974 và năm
1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường
Sa đã vi phạm vào nguyên tắc này, và do đó, không bao giờ là căn cứ hợp pháp
cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Trong luật quốc
tế về thụ đắc lãnh thổ chỉ thể hiện nếu một quốc gia chính thức từ bỏ, hoặc im
lặng không lên tiếng phản đối chính thức trước một hành động xâm chiếm trái
phép lãnh thổ đó thì mới bị coi là đánh mất chủ quyền trên lãnh thổ đó. Ngay
khi Hoàng Sa bị xâm chiếm, phía Việt Nam Cộng hòa (là bên đang quản lý thực tế
Hoàng Sa và Trường Sa) đã lên tiếng phản đối hành động vi phạm này của Trung Quốc.
Năm 1988, khi Gạc Ma bị xâm chiếm bằng vũ lực, chính quyền Việt Nam đã liên tục
ra các văn bản phản đối hành vi bất hợp pháp này. Chúng ta đã ban hành rất nhiều
công hàm tại Liên hợp quốc cũng như các tuyên bố liên tục hằng năm để tiếp tục
phản đối hành vi xâm phạm trái phép này. Như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ vẫn
tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa, Trường Sa thân
yêu, dù một phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Các hoạt
động khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất, lẫn
tinh thần, là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế. Và vì thế, không có
chuyện là chủ quyền của chúng ta sẽ bị mất, mà ngược lại, hành động xâm chiếm bất
hợp pháp bằng vũ lực thì sẽ mãi mãi không được công nhận chủ quyền cho dù bên
xâm chiếm đang kiểm soát phần lãnh thổ đó./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét