Hoạt động kiểm định chất lượng đối với bảo đảm chất lượng đào tạo
(LLCT) - Hoạt động kiểm định chất lượng làcông cụ trọng yếu, phổ biến để bảo đảm chất lượng đào tạo. Ở không ít quốc gia, kiểm định chất lượng đào tạo được xem như một cơ chế bắt buộc phải có đối với mỗi cơ sở giáo dục. Kiểm định chất lượng đào tạo có uy tín sẽ góp phần định hướng, tạo niềm tin cho xã hội vào chất lượng chương trình và hiệu quả đào tạo của cơ sở đào tạo.
1. Khái quát về hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo
Kiểm định chất lượng đào tạo có lịch sử hình thành và phát triểntừlâu ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, nhưng trước đây ít được cácnước biết đến. Hiện nay, hoạt động này ngày càng phổ biến bởi nó chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu giúp nhiều quốc gia trên thế giới duy trì các chuẩn mực chất lượng đào tạo và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Mục đích chính của kiểm định chất lượng đào tạo là nhằm bảo đảm đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và bảo đảm quyền lợi cho người học. Ở một số nơi, kiểm định chất lượng đào tạo nhằm mục đích giải trình với xã hội, cơ quan quyền lực, các cơ quan, tổ chức tài trợ, cấp kinh phí. Hiện nay, không ít các tổ chức, cơ quan quan tâm đến việc cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng hay chưa trước khi đưa ra quyết định tài trợ hay không tài trợ cho cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đó. Người học và người bảo trợ của người học, trước khi lựa chọn cơ sở đào tạo để tham gia các chương trình đào tạo cũng cân nhắc xem cơ sở đào tạo hay chương trình đào tạo có được kiểm định chất lượng hay không.
Kiểm định chất lượng đào tạo có thể được áp dụng cho một cơ sở đào tạo hoặc chỉ cho một chương trình đào tạo của một chuyên ngành, một môn học. Kiểm định chất lượng đào tạo nhằm bảo đảm với cộng đồng cũng như với các cơ quan hữu quan rằng: một cơ sở đào tạo (một chuyên ngành đào tạo, một chương trình đào tạo hay chương trình đào tạo một môn) có những mục tiêu đào tạo được xác định rõ ràng và phù hợp; có được những điều kiện để đạt được những mục tiêu đó và có khả năng phát triển bền vững. Như vậy, kiểm định chất lượng đào tạo nhằm hai mục đích: đảm bảo với những đối tượng tham gia vào công tác đào tạo về những chuẩn mực nhất định trong chất lượng đào tạo; hỗ trợ cơ sở đào tạo liên tục cải tiến chất lượng. Luật Giáo dục Việt Nam (2005) khẳng định: kiểm định chất lượng đào tạo được xác định là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo đối với nhà trường và các cơ sở đào tạo khác. Việc kiểm định chất lượng đào tạo được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở đào tạo. Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo được công bố công khai để xã hội biết và giám sát.
Thực tiễn hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo tại các quốc gia trên thế giới khá đa dạng và phức tạp, nhưng có thể khái quát trong một quy trình gồm 4 bước như sau:
Bước 1: Xây dựng hoặc cập nhật các công cụ kiểm định chất lượng đào tạo
Bước 2: Tự đánh giá của cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo
Bước 3: Đánh giá từ bên ngoài (đánh giá đồng nghiệp)
Bước 4: Công nhận cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
2. Vai trò của hoạt động kiểm định chất lượng trong bảo đảm chất lượng đào tạo
Bảođảm chất lượng đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng là yêu cầu khách quan trước xu thế hội nhập quốc tế và là yếu tố có tính quyết định đối với các cơ sở đào tạo. Nếu không có những biện pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo sẽ không nhận được sự tín nhiệm của xã hội, không hoàn thành nhiệm vụ đào tạonguồn nhân lực có chất lượng phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.Với chức năng của mình, hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo có vai trò to lớn đối với việc đảm bảo chất lượng đào tạo, thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, cung cấp cho các nhà quản lý đào tạo toàn bộ hoạt động của cơ sở đào tạo một cách có hệ thống, để từ đó điều chỉnh các hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo theo chuẩn mực nhất định. Thông qua hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo, bao gồm hoạt động tự đánh giá và hoạt động đánh giá bên ngoài, các nhà lãnh đạo, quản lý cơ sở đào tạo sẽ xác định được mức độ đáp ứng các mục tiêu đào tạo theo các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo trong từng giai đoạn. Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo phản ánh chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, nhờ đó các nhà lãnh đạo, quản lý cơ sở đào tạo nắm được những điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị mình, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch cải tiến, nâng cao chất lượng và các hoạt động đào tạo.
Thứ hai, giúp cơ sở đào tạo định hướng và xác định chuẩn chất lượng
Những yêu cầu chung về kiểm định chất lượng đào tạo đã được đưa vào Luật Giáo dục (2005), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009) và Luật Giáo dục đại học (2012). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các bộ tiêu chuẩn đánh giá, quy trình kiểm định chất lượng đào tạo các cấp học, quy định về thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo và các tiêu chuẩn về kiểm định viên... Công tác kiểm định chất lượng đào tạo được triển khai trong cả nước và mục tiêu đến năm 2020 có 95% số cơ sở đào tạo đại học, trung học chuyên nghiệp và các chương trình đào tạo được kiểm định ít nhất một lần. Hiện nay,các cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo... giai đoạn 2011 - 2020” theo Quyết định số 4138/ QĐ-BGDĐT ngày 20-9-2010 của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, các cơ sở đào tạo trong hệ thống đào tạo quốc dân sẽ được kiểm định và đánh giá toàn diện các mặt hoạt động theo bộ tiêu chuẩn mà cơ quan chức năng ban hành. Tùy thuộc vào mục tiêu đào tạo và điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo sẽ xác định các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp. Đây là quy định tối thiểu mà các cơ sở đào tạo cần phải đạt được nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và từng bước xác định chuẩn cho từng hoạt động đào tạo với mục tiêu đảm bảo chất lượng đầu ra.
Thứ ba, tạo ra cơ chế đảm bảo chất lượng vừa linh hoạt vừa chặt chẽ bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài. Tự đánh giá và đánh giá ngoài là hai nghiệp vụ cơ bản của kiểm định chất lượng đào tạo, đây là hai hoạt động có mối quan hệ biện chứng với nhau, luôn có thông tin phản hồi giữa đảm bảo chất lượng nội bộ và đảm bảo chất lượng bên ngoài, giúp các cơ sở đào tạo kịp thời cải tiến những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh.
Thứ tư, kết quả kiểm định chất lượng đào tạo góp phần định hướng các hoạt động về đào tạo của xã hội, thể hiện ở các phương diện:
Đối với người học: Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo giúp người học, phụ huynh hoặc tổ chức cơ quan cử đi học lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp để người học tham gia học tập theo đúng nhu cầu, mục tiêu cần được đào tạo; giúp các cá nhân tham gia quá trình đào tạo tự điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; khuyến khích gia tăng một cách phù hợp tỷ trọng (số người theo học) và thành phần (cơ sở đào tạo: phi chính phủ, ngoài công lập) trong hệ thống đào tạo quốc dân.
Đối với xã hội - người sử dụng: Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về chất lượng đào tạo, góp phần minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo, giúp cho người hưởng thụ các dịch vụ đào tạo lựa chọn được các dịch vụ phù hợp.
Đối với cơ sở đào tạo:Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo là căn cứ, minh chứng sát thực để các cơ sở đào tạo có thể kêu gọi đầu tư từ các tổ chức xã hội; đồng thời định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực về các hoạt động đào tạo. Thông qua kết quả kiểm định, quyền tự chủ (quản lý học thuật và tài chính) của các cơ sở đào tạo được mở rộng. Với kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở đào tạo có được định hướng lựa chọn của người học để đảm bảo hoạt động đào tạo của cơ sở có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với khả năng người học.
Đối với các cơ quan quản lý: Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo giúp nhà quản lý hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần định hướng: đầu tư của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo ngành nghề cần thiết cho sự phát triển quốc gia; đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực thích hợp;sự hợp tác đào tạo (chuyển đổi, công nhận văn bằng chứng chỉ...) giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, đồng thời phát triển cơ sở đào tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của cơ sở đào tạo.
3. Định hướng hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, công chức hành chính, viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp, cán bộ khoa học chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và hành chính, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng đào tạo nói riêng. Việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện không chỉ có ý nghĩa với tư cách là một cơ sở giáo dục thuần túy mà có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà lãnh đạo, quản lý chủ chốt có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ đó, Học viện đã và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới công tác giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng xây dựng và phát triển các hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo nói chung, kiểm định chất lượng đào tạo nói riêng.
Theo đó, hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo tại Học viện được định hướng như sau:
Một là, thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết và khẳng định quyết tâm của Học viện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách chuyên nghiệp hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo tại Học viện.
Kiểm định chất lượng đào tạo là một cơ chế đảm bảo chất lượng phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới và đã có những phát triển bước đầu tại một số cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, nhưng vẫn là hoạt động khá mới đối với Học viện, bởi các đơn vị có chức năng thực hiện nghiệp vụ kiểm định của Học viện mới được thành lập gần đây. Đa số cán bộ, giảng viên trong Học viện đã quen với cách thức quản lý chất lượng đào tạo theo truyền thống. Việc thay đổi cơ chế quản lý chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo tại Học viện chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ, thống nhất. Để hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo thực sự đóng góp tích cực cho việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện, cần thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện một cách chuyên nghiệp hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo trong quy trình quản lý đào tạo nói chung, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện nói riêng.
Hai là, đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, cơ cấu tổ chức, bộ máy chuyên môn làm công tác kiểm định chất lượng đào tạo, hoàn thiện, ban hành và sớm đưa các văn bản quản lý về công tác kiểm định chất lượng đào tạo, đồng thời hoàn thiện bộ máy chuyên môn trong việc quản lý và thực thi công tác kiểm định chất lượng đào tạo.
Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo của Học viện, việc xây dựng và ban hành các văn bản thể chế điều chỉnh hoạt động này là rất cần thiết. Hiện tại Học viện mới ban hành được “Quy chế đánh giá chất lượng đào tạo tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Tuy nhiên, để thực hiện được Quy chếnày, Học viện phải ban hành Hướng dẫn thực hiện quy chế; Hướng dẫn tập hợp minh chứng; các Bộ tiêu chuẩn kiểm định; các Bộ công cụ kiểm định; Quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá của Học viện...
Để hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo đi vào thực tiễn, cần có hệ thống các văn bản quản lý đòi hỏi người biên soạn phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao về kiểm định chất lượng đào tạo, đồng thời cần có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban Giám đốc Học viện. Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ đã được Giám đốc Học viện phê duyệt; thành lập và kiện toàn bộ máy các đơn vị chuyên môn về kiểm định chất lượng đào tạo tại các Học viện trực thuộc; tăng cường năng lực tham mưu, tổ chức, điều hành các hoạt động của Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo và các đơn vị chuyên môn về kiểm định chất lượng đào tạo tại các Học viện trực thuộc thông qua việc tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo tập huấn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước về hoạt động này.
Ba là, tăng cường phối hợp và trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài nước về kiểm định chất lượng đào tạo.Việc phối hợp và trao đổi kinh nghiệm một cách có hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài nước về kiểm định chất lượng đào tạo có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động này tại Học viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm, giúp đỡ Học viện, tạo điều kiện để Học viện được tham gia vào các hoạt động về kiểm định chất lượng đào tạo do Bộ tổ chức, đồng thời chỉ đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học, góp phần tạo nền tảng để Học viện xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo.
Bốn là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng cần quan tâm hỗ trợ Học viện trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng của Đảng phối hợp với Học viện thường xuyên và định kỳ kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời xây dựng cơ chế để các cơ quan chuyên môn khảo sát và đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, nắm rõ được những ưu điểm và hạn chế, những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Kết quả khảo sát vừa là cơ sở để xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là căn cứ để xác định mức độ đáp ứng yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, trên cơ sở Chiến lược công tác cán bộ của Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư cần giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn của Học viện trong việc xác định rõ chuẩn đầu ra đối với từng hệ đào tạo, bồi dưỡng. Đây là căn cứ để Học viện và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Đảng tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tiến tới cụ thể hoá, chuẩn hoá trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
_______________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2015
nguồn: PGS,TS Phạm Thị Túy
Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét