HỌC TẬP SUỐT ĐỜI
Học tập suốt đời từ lâu đã trở thành nhu cầu của không ít cán bộ, đảng viên. Trong họ luôn thấm đẫm tinh thần “học, học nữa, học mãi” với mục đích “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”. Nhưng học làm cán bộ có lẽ không phải ai cũng sẵn sàng ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi khi đã trở thành cán bộ, có quyền hành trong tay, họ thường nhớ là lãnh đạo mà quên là đầy tớ của nhân dân. Học để làm cán bộ đã khó, học làm cán bộ còn khó hơn. Học để làm cán bộ có trường, có lớp dạy, được cấp bằng, chứng chỉ đủ tiêu chuẩn một chức danh nhất định. Học làm cán bộ là phải học mọi lúc, mọi nơi, bất kỳ thời gian nào, thường phải học giải quyết những tình huống nảy sinh trong thực tiễn mà không có trường, lớp nào dạy. Học làm cán bộ là phải học không chỉ làm người lãnh đạo, mà còn học làm người đày tớ trung thành của nhân dân.
Làm đày tớ trung thành của nhân dân thể hiện ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, hiểu dân và học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tất cả vì nhân dân phục vụ, với tinh thần hiểu thấu và sẻ chia, chủ động và linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể; thể hiện ở quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, kiên quyết, kiên trì nói đi đôi với làm, chăm lo ấm no, hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người dân. Phải nắm vững dân là chủ và phải mở rộng dân chủ thật sự với nhân dân theo đúng chỉ dạy của Hồ Chí Minh: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân. Đồng thời, mỗi cán bộ ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương thực hành dân chủ trong công tác để tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, ở đâu, cán bộ thực sự là đầy tớ của nhân dân, thương yêu nhân dân, gần gũi và giúp đỡ nhân dân, bảo vệ và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ thì ở đó cán bộ luôn được kính trọng, giúp đỡ, đùm bọc, luôn quy tụ và thu hút quần chúng làm theo.
Mỗi cán bộ, bên cạnh địa vị, trí tuệ của một “nhà lãnh đạo” đều phải có tinh thần làm việc của một “người đầy tớ” nhân dân. Học để làm cán bộ suốt đời, đồng thời cũng phải học làm cán bộ suốt đời. Hai điều này có quan hệ biện chứng, quan trọng như nhau thể hiện tâm thế “người lãnh đạo” và “người đầy tớ” của nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét