Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

Không thể phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước

Với mưu đồ chính trị đen tối, lợi dụng những yếu kém, hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước, các thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước, đồng thời tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế tư nhân. Một trong những trọng điểm xuyên tạc là: phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm phủ nhận chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Họ cho rằng: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ thủ tiêu cạnh tranh, phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác; sự thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế là mơ hồ, thiếu thực tế… nhằm tạo tâm lý hoài nghi, gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”

Kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước. Kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế (bao gồm các yếu tố thuộc sở hữu nhà nước và các yếu tố thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước được giao quyền đại diện chủ sở hữu) do nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành. Ngoài doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước còn có các yếu tố khác thuộc sở hữu nhà nước như tài nguyên quốc gia, ngân hàng nhà nước, ngân sách, quỹ dự trữ quốc gia...

Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Quốc hội, đến cuối 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, trong đó 676 đơn vị có vốn nhà nước từ 50%. Bên cạnh một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc thành phần kinh tế nhà nước hoạt động rất hiệu quả như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam…

Mặt khác, kinh tế nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phụ trách những lĩnh vực trọng yếu liên quan đến an ninh chủ quyền quốc gia, quân sự, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội, tài nguyên quốc gia, hay đầu tư ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà doanh nghiệp tư nhân không thể hoặc không muốn làm nhưng cần thiết cho tiến trình phát triển kinh tế của đất nước theo mục tiêu đã định, vì lợi ích đông đảo tầng lớp nhân dân, như xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cung ứng dịch vụ công ích, đầu tư vào những ngành có vốn đầu tư lớn, ở địa bàn khó khăn, nhiều rủi ro, khó thu được lợi nhuận cao...

Kinh tế nhà nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro... Ðặc biệt, kinh tế nhà nước chính là bộ phận quan trọng để định hướng sự phát triển của các thành phần kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa tiến bộ, công bằng, văn minh, không để các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự do theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá, vì lợi ích tư nhân mà bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng... Vì vậy, việc lấy dẫn chứng về hạn chế của một số doanh nghiệp nhà nước để quy chụp thành yếu kém của cả thành phần kinh tế nhà nước, từ đó đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước và đòi tư nhân hóa hết doanh nghiệp nhà nước… đều là những cách nhìn phiến diện, không khách quan và phản khoa học.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường”. Có thể khẳng định, kinh tế nhà nước làm nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; mở đường, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển có hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và lâu bền của toàn bộ nền kinh tế; việc xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng chính trị đúng đắn, là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp điều kiện thực tiễn của Việt Nam và là tiêu chí quan trọng bảo đảm tính định hướng XHCN cho nền kinh tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét