Tư tưởng Hồ Chí Minh, với một hệ thống toàn diện và sâu sắc, cùng chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và là “kim chỉ nam”, ngọn cờ tất thắng của Cách mạng Việt Nam. Hơn 93 năm qua, từ truyền thống vẻ vang, sự phát triển vững mạnh của Đảng; sự trưởng thành, lớn mạnh của các lực lượng vũ trang nhân dân; những chiến thắng lừng lẫy trong 2 cuộc kháng chiến và thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới đất nước đã minh chứng thuyết phục về giá trị lịch sử và thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Sẽ không có một sự xuyên tạc, một mưu toan thù địch nào có thể tì vết lên giá trị to lớn và cao quý ấy.
Thủ đoạn “nhai
lại” của kẻ địch
Trong lúc cả nước và bạn bè quốc
tế đang kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tổ chức đảng sơ kết
03 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Ngay tức khắc,
trên mạng xã hội và các kênh thù địch đua nhau “nhai lại” những luận điệu xuyên
tạc như: Hồ Chí Minh không phải nhà tư tưởng; tư tưởng Hồ Chí Minh là sự khiên
cưỡng sao chép chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời; hay không
có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội. Khi những lời lẽ trên chẳng được
dư luận thừa nhận thì chúng quay sang hô hào rằng: tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập
với chủ nghĩa Mác-Lênin; hiện nay nền tảng tư tưởng của Đảng chỉ cần tư tưởng Hồ
Chí Minh mà không cần chủ nghĩa Mác-Lênin… Vẫn là mưu toan, thủ đoạn và nội
dung cũ nhưng chúng đầu tư hơn về công nghệ, tận dụng triệt để tốc độ lan truyền
của internet và mạng xã hội. Bằng những chiêu trò tinh vi, chúng “bơm tin giả”
vào một bộ phận người dùng còn nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết để đầu độc họ,
gây ra tâm lí hoang mang, ngờ vực, mất phương hướng. Theo đó, nhiều tài khoản
cá nhân của cán bộ hưu trí, doanh nhân bất mãn, các “nhà dân chủ cuội”, các đảng
viên “xám hối”, “trở cờ” cũng nhanh nhảu chia sẻ, phát tán.
Không ai không biết, tư tưởng
Hồ Chí Minh là kết quả những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước của Người; đầy giang
truân, vất vã trong các phong trào cộng sản quốc tế cùng với thực tiễn gần 40
năm trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay khi toàn Đảng, toàn dân cùng
các nhà nghiên cứu quốc tế thấu hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất bản chất
cách mạng, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của
Việt Nam; ngay khi tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành “linh hồn” của thời đại Hồ
Chí Minh rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc; kể cả khi đất nước ta chưa bao giờ
có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay thì các thế lực
thù địch vẫn không hiểu hay cố tình không hiểu.
Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng cộng
sản vì dân, vì nhân loại
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa
Mác-Lênin, xuất phát từ lòng nhân ái, sự đồng cảm với nguyện vọng của quần
chúng bị áp bức, Người đã dẫn dắt nhân dân ta tiến hành sự nghiệp giải phóng
dân tộc và góp phần giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bởi hằng thập kỷ bôn ba đất
khách, Người thấu suốt cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ là cách mạng tư sản, cách
mạng không đến nơi, không hề giải phóng người lao động mà còn đi áp bức các dân
tộc khác. Sau khi đọc bản Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa
của Lênin, Người đã chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc của Người phải bao hàm nội dung dân tộc và dân chủ; độc lập dân
tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền, gắn với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh
phúc của nhân dân lao động; độc lập dân tộc để đi tới chủ nghĩa xã hội. Cũng
chính vì lẻ đó, chẳng có lý do gì phải đi qua giai đoạn chủ nghĩa tư bản khi xu
hướng thời đại và đặc điểm lịch sử cho phép chúng ta tiến thẳng đến thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội. Chọn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn
phát triển tư bản chủ nghĩa nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ, giàu mạnh và có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng
cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ tất
thắng đã được Bác cùng các thế hệ chiến sĩ cộng sản kiên trung gầy dựng và
giương cao để mở ra thời đại Hồ Chí Minh; thời đại rực rỡ, vinh quang nhất
trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên Tổ chức
Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc ca ngợi “tư tưởng Hồ Chí Minh là
hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn
nhau”. Thế giới đã sớm công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng có
tầm ảnh hưởng lớn, có văn hóa và nhân văn sâu sắc. Chính vì Người là một lãnh tụ
sinh ra từ nhân dân, sống trong lòng nhân dân, hoạt động cùng nhân dân nên Người
thấu hiểu nhân dân. Từ thực tiễn cuộc sống, Người đặt qua lăng kính chủ nghĩa
Mác-Lênin để đút rút thành lý luận. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh được hình
thành từ thực tiễn cuộc sống, lý luận được thực tiễn hóa, thực tiễn được lý luận
hóa nên có hàm lượng khoa học rất lớn và giá trị ứng dụng rất cao. Trong đó tư
tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện và minh chứng sống động bằng chính tấm
gương đạo đức của Người. Một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, một cuộc
đời tận tụy, hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc không chỉ của nhân dân Việt
Nam mà còn của cả thế giới nhân loại. Tất cả được chứa đựng trong một tấm lòng
nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương vì Đảng, vì nước, vì dân của Người.
Cũng chính tấm gương đạo đức cách mạng ấy đã lan tỏa vào trái tim, khối óc các
thế hệ cán bộ, đảng viên, giúp những người chiến sĩ cộng sản Việt Nam luôn kiên
định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và
nhân dân; họ không lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, không kiêu
ngạo, tự mãn khi thành công và thắng lợi, không kèn cựa thiệt hơn mà một lòng một
dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. “Nhân dân” trở thành phạm trù trung tâm,
tạo nên sức sống và sự sáng tạo to lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Toàn bộ hệ thống quan điểm của
Người tựu chung trong hai chữ “vì dân”, “vì nhân loại”. Quả thật, trong suốt 24
năm trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người vừa lo toan việc chống
thù trong giặc ngoài vừa chăm lo xây dựng một Nhà nước dân chủ, của dân, do
dân, vì dân; nơi mà “bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của
dân…”. Người chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền cốt để thực hành dân chủ rộng
rãi và mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật. Trong lãnh đạo, quản
lý hệ thống chính trị, Người luôn răn dạy đội ngũ cán bộ phải luôn mang tư tưởng
phục vụ, làm công bộc cho dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì
có hại đến dân phải hết sức tránh và tuyệt đối không cai trị dân như nhà nước của
chế độ bóc lột. Theo Người, nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện
vọng chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ở tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ vì dân tộc Việt Nam mà còn tìm cách giải thoát
nhân loại, giải thoát những con người đang bị áp bức, bóc lột ra khỏi lầm than,
cơ cực. Chính vì yêu thương nhân loại, Hồ Chí Minh tìm mọi phương thức để giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Từ đây có
thể khẳng định Hồ Chí Minh đích thực là nhà tư tưởng vì dân, vì nhân loại.
Sự vận dụng, sáng tạo chủ
nghĩa Mác-Lênin
Thực tế, không chỉ Đảng ta,
nhân dân ta mà các nhà nghiên cứu quốc tế đều thấu
hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh đã thống nhất bản chất cách mạng, khoa học vận
dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người
luôn trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không giáo
điều mà nắm lấy bản chất, cốt lõi và tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng
và phát triển. Không thể nào có sự khiên cưỡng sao chép, bởi có rất nhiều vấn đề
của cách mạng Việt Nam chưa hề có trong các học thuyết và lý luận của
Mác-Lênin. Tuy lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản
nhưng xét về mục đích, chủ nghĩa Mác-Lênin ứng vào cách mạng vô sản Nga hướng đến
nền chuyên chính vô sản. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cách mạng Việt Nam với
mục tiêu trước mắt là độc lập dân tộc, kẻ thù trước mắt là đế quốc và tay sai. “Thuyết con rắn” và “Thuyết con đĩa hai vòi” là đơn cử để minh chứng thuyết phục nhất sự
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Người. Bàn về quy luật ra đời của đảng
cộng sản, Lênin phát triển những luận điểm của Mác và Ăng-ghen để xây dựng lý
luận cơ bản về sự ra đời của đảng cộng sản. Lênin khẳng định: “Đảng cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa
chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân”. Bằng tư duy đột phá,
sáng tạo, và sự thấu hiểu thực tiễn, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt biệt dành
cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong cái nôi chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào
công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ đó, phong trào yêu nước thuần túy
dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã phát triển thành
tình yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng
Việt Nam, lòng yêu nước là mối dây liên kết bền chặt và xuyên suốt các lực lượng
cách mạng, thậm chí trở thành động lực, chắp cánh cho phong trào công nhân,
phong trào đấu tranh cách mạng lên cao trào mạnh mẽ. Ngày nay tình yêu Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa trở thành khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng
cường. Khát vọng ấy thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu,
thi đua và hành động cách mạng. Có thể nói, sự phát triển về lực lượng cách mạng,
sức chiến đấu của Đảng ta từ khi ra đời đến nay cùng với những thắng lợi vẻ
vang và thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã minh chứng sự sáng
suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đặt niềm tin và lựa chọn phong trào yêu nước
Việt Nam.
Ở đây, sự sáng tạo vượt bậc
của Người chính là phát huy chủ nghĩa dân tộc chân chính gắn với chủ nghĩa quốc
tế chân chính để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và định hướng đất nước đi
theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa.
Bằng tư duy đột phá, bên cạnh xây dựng cơ sở vật chất, Người còn đặt trọng tâm
xây dựng nền văn hóa và con người mới chủ nghĩa xã hội. Bởi con người là chủ thể
mang ý thức xã hội và quyết định đến hình thái xã hội tương lai. Cũng chính con
người là nhân tố tiên quyết thành bại của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa
và tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Giá trị cao quý và sức sống
thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng ta
luôn khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc, bao gồm tư tưởng về giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp; giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức
mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân
dân, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; về chiến tranh nhân
dân, quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa,
không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức
cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ
cách mạng cho đời sau, về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng
viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…Với
những chỉ dẫn “vạch thời đại” không những ở lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn
hóa mà còn có rất nhiều các vấn đề bứt thiết của xã hội hiện nay. Mỗi khi gặp
những vấn đề mới hoặc vấn đề phi truyền thống, nan giải, khó khăn, phức tạp, Đảng
và Nhà nước ta lại soi chiếu tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ
ưu việt và khoa học nhất để đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thử thách và gặt
hái thêm nhiều thành tựu mới.
Hơn 93 năm qua, từ thực tiễn
Cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Trong đó, đỉnh
cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy
năm châu, chấn động địa cầu” và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Hơn nữa, từ thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã minh chứng
tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tiến trình cách mạng Việt
Nam; đồng thời xứng đáng là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc soi
đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta. Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền
tảng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho mọi
hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quan điểm này đã được Đảng ta xác
định và đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định cần phải “kiên định và vận dụng, phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bởi cho đến nay tư tưởng Hồ
Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc và giá trị nhân văn
cao cả. Những giá trị cao quý ấy không chỉ phù hợp với dân tộc Việt Nam mà còn
phù hợp với cả thế giới nhân loại; không chỉ mở lối hiện tại mà còn đi tới tương
lai nhân loại hoàn toàn giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, có
cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời đại và mang
tính cấp bách hiện nay khi nhân loại vẫn còn phân hóa nhiều giai cấp, tầng lớp
và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Cùng với đó sự bóc lột ngày càng
tinh vi, nặng nề, áp bức trong đa dạng các hình thức thì tư tưởng Hồ Chí Minh về
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là “chìa khóa vạn năng’’ để mở lối
cho nhân loại đang còn bị áp bức mở ra con
đường đi đến “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Những chỉ dẫn về giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người chắc chắn sẽ trở thành vũ
khí sắc bén giúp các dân tộc đi đến thắng lợi vẻ vang như dân tộc Việt Nam đã từng.
Không thể tách rời chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa
Mác-Lênin”. Thế nên, nếu không có chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ không có tư tưởng Hồ Chí
Minh; vì chính chủ nghĩa Mác-Lênin đã cung cấp cho Người
thế giới quan, nhân
sinh quan, phương pháp luận; cung cấp những nguyên lý cơ bản của
triết học Mác-xít
và những vấn đề có tính nguyên tắc về chủ nghĩa xã hội
khoa học. Mối quan hệ vốn có của chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh
là sự thống nhất về bản chất cách mạng và khoa học. Mặt khác, tư tưởng Hồ Chí Minh
là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt
Nam. Chính vì thế việc tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh đối với chủ
nghĩa Mác-Lênin
là mưu đồ, động cơ đen tối của các thế lực thù địch.
Chúng phủ định chủ
nghĩa Mác-Lênin
làm cơ sở phủ định nguồn gốc lí luận của tư tưởng Hồ Chí Minh,
việc này đồng
nghĩa với phủ định bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng
như phủ nhận hoàn toàn nền tảng tư tưởng của Đảng. Kẻ địch cố tình ngụy tạo ra
sự mâu thuẩn hay tuyệt đối hóa để phủ nhận một trong hai yếu
tố cầu thành để
làm lung lay nền tảng tư tưởng của Đảng. Với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu” chúng gây ra tâm lý hoang mang, dao động, hoài
nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ở một âm mưu khác, chúng đề cao tư tưởng
Hồ Chí minh để dẫn dụ và gợi ý Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh mà không cần
Chủ nghĩa Mác-Lênin. Không khó để thấy động cơ nham hiểm của chúng là tách tư
tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi cội nguồn lí luận, bản chất cách mạng, khoa học, đặc
tính nhân văn và thời đại vốn có.
Làm thất bại âm mưu, chiêu
trò kẻ địch
Hiện nay, khi các thế lực
thù địch ngày càng xảo quyệt và nguy hiểm, chúng tăng cường và đẩy mạnh hơn
các chiến dịch, các thủ đoạn, các hình thức chuyển tải, truyền bá thông tin sai
lệch, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng trực diện,
công khai tấn công vào những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam nói chung, tư
tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Cho nên việc chủ động phòng và chống sự xuyên tạc,
phá hoại tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở nên bức
thiết. Nhận diện
được những mưu toan và ngặn chặn kịp thời những thủ đoạn, hành động chống phá của
kẻ thù là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chúng ta bảo vệ chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng, còn để giữ vững tinh thần của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và để xây dựng cốt
cách, văn hóa của con người Việt Nam mới. Khi bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng
của Đảng thì tự thân nó đã có đủ sức mạnh để chống lại các quan điểm sai trái,
thù địch và tăng cường niềm tin để thúc đẩy hành động cách mạng.
Dẫu
biết không một sự xuyên tạc nào có thể làm méo mó được giá trị cao đẹp
của tư tưởng Hồ
Chí Minh; không một thủ đoạn nào có thể làm phai nhạt niềm tin, lòng
biết ơn vô hạn
của hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân ta với Bác
Hồ kính yêu.
Nhưng để bảo vệ và tiếp tục phát huy giá trị lí
luận, thực tiễn và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh, điều cốt yếu là phải tập
trung nâng cao nhận thức khoa học về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác
bỏ những gì phản khoa học hay giả danh khoa học. Đồng thời,
nâng cao sự hiểu
biết sâu sắc, thấu đáo về lịch sử, nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh; cần tổ chức nghiên cứu công phu, bài bản, có hệ thống,
trên cơ sở quan điểm triết học mácxít. Trong đó tập trung minh chứng,
khẳng định bản chất cách mạng, khoa học và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí
Minh; làm nổi bật sự vận dụng, sáng tạo nhưng vẫn luôn trung thành về bản chất
cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bên cạnh đó, trên cơ sở cách mạng, khoa học
và giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta bác bỏ mọi luận điệu
xuyên tạc, chống phá của kẻ thù; kịp thời nhận diện và vạch trần các âm mưu, thủ
đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Đối tượng chống phá nền tảng tư tưởng của
Đảng hiện nay rất đa dạng, từ các nhóm đối lập về hệ tư tưởng; các thế lực thù
địch về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa; đến những người vốn là
cán bộ, đảng viên đã tha hóa về tư tưởng, phai nhạt lí tưởng, “tự diễn biến’,
“tự chuyển hóa”… Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo
dục, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào
tình cảm, niềm tin, nếp nghĩ để chi phối hành động cách mạng của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời chúng ta có trách nhiệm tận dụng “thế giới phẳng”
của internet để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến với cộng
đồng những người đang chịu áp bức, bóc lột và bế tắt về đường lối cách mạng
trên toàn thế giới; cổ vũ họ đấu tranh giải phóng và giành lại độc lập, tự do,
hạnh phúc. Có như thế thì chúng ta mới làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi và
truyền cảm hứng vào sự tiến bộ, văn minh chung; góp phần cho nhân loại thoát khỏi
áp bức, bất công vươn tới những giá trị cao đẹp nhất.
Trong bối cảnh tình hình thế
giới đang diễn biến ngày càng nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng chúng ta
nhận thức đúng và giải quyết phù hợp những vấn đề đặt ra hiện tại và tương lai.
Với nội dung toàn diện, sâu sắc, khoa học và cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn
còn nguyên giá trị thực tiễn và tính thời đại;
tiếp tục là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”
cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư
tưởng vững chắc cho Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ dẫn xuyên suốt công tác xây dựng và chỉnh đốn
đảng. Đây là một “cẩm nang thần
kỳ” giúp Đảng
ta lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”. Mọi sự phủ định, hạ thấp hay xuyên tạc rồi sẽ
bị vô hiệu hóa trước giá trị vốn có của tư
tưởng Hồ Chí Minh. Mọi âm mưu thù địch trở nên “lạc dòng” trong niềm tin
yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân cùng sự trân trọng của bạn bè khắp năm châu đối với Người và tư tưởng, đạo đức, phong
cách của Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét