Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Lá bài “nhân quyền”

 Thời gian qua, ở một số địa phương có xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Có vụ bạo hành thương tâm gây ra cái chết cho các em đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, các phần tử xấu đã thổi phồng từng vụ việc riêng lẻ rồi đưa lên mạng xã hội với những lời bình, chia sẻ sai sự thật, dẫn dắt từng vụ việc theo cách hiểu khác để nói về sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đoàn thể và chính quyền đối với trẻ em.

Trong vụ cháu bé 8 tuổi N.T.V.A. ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, bị chính cha mẹ bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm, đã được Đài Á châu tự do nhiều lần phát sóng với những hình ảnh được cắt ghép, tạo dựng kèm với lời bình chia sẻ sai sự thật từ các tài khoản Facebook, YouTube. Có bản tin được giật tít với luận điệu: “Những trẻ em Việt Nam bị mất quyền sống”.

Trong vụ này, các tổ chức phản động như Việt Tân, Triều đại Việt và một số hội nhóm ở nước ngoài đã rêu rao: “Mọi thể chế tử tế hay không, thể hiện ở chỗ trẻ em có được sống tử tế và được nghiêm ngặt bảo vệ hay không”, “Thương cho trẻ em Việt Nam ở một chế độ bạo tàn”, “Quyền sống của trẻ em Việt Nam đang bị xâm phạm”…

Ngày 12-12-2021, tài khoản Facebook “Thien ha” đưa lên hình ảnh một số người dân, trong đó có trẻ em ăn mặc rách rưới, chia nhau từng nắm mì gói, với dòng chú thích: “Người Mông ở vùng núi cao”. Nhiều bình luận hỏi rõ ở xã, huyện nào, nhưng không một lời phản hồi từ chủ tài khoản.

Phân tích khung cảnh xung quanh trong tấm ảnh với cảnh tượng đường sá, nhà cửa khang trang, phía xa có tháp chuông nhà thờ ẩn sau dòng nước đỏ ngầu, nhiều người phát hiện ra đây là tấm ảnh chụp cảnh ngập lụt trong cơn lũ tháng 10-2020 ở một xã của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) với gần 10 người dân tụ tập trên một gò đất cao chờ được cứu trợ.

Tấm ảnh này sau đó cũng được lan truyền trên các mạng xã hội với những bình luận, chia sẻ xuyên tạc chính sách dân tộc ở Việt Nam, như: “Việt Nam không bảo vệ quyền trẻ em, vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, quyền của người khuyết tật”.

Nhằm thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước, tổ chức phản động Việt Tân và một số hội nhóm núp dưới danh nghĩa từ thiện đã tổ chức các chương trình như: “Bữa ăn tình thương”, “Cứu dân trong cơn đại dịch Covid-19”… để kêu gọi đồng bào ở nước ngoài đóng góp tiền bạc mua quần áo, khẩu trang gửi về nước.

Cùng với thủ đoạn trên, các tổ chức phản động ở ngoài nước còn vận động trao giải thưởng và danh hiệu “Nhân quyền”, “Tự do báo chí” cho các đối tượng chống phá ở trong nước. Qua đó khuyến khích, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động chống đối, hoặc dùng thông tin, hình ảnh có nội dung xấu tung lên các mạng xã hội để gây hiệu ứng xã hội, tạo tâm lý bất ổn trong dân chúng và làm phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị trong đồng bào dân tộc, tôn giáo ở những địa phương vùng núi cao khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống… 

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được tôn trọng, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm hoạt động của các tôn giáo, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống của người dân.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa