Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, cố chấp được hiểu là một mực giữ nguyên ý kiến theo những quan niệm cứng nhắc sẵn có hoặc để ý đến những sơ suất của người khác đến mức có định kiến.
Trong sinh hoạt Đảng, vấn đề này hiện hữu, tưởng là nhỏ nhưng không hề nhỏ, vì những cán bộ, đảng viên có sự cố chấp khiến nội bộ dễ nảy sinh mâu thuẫn, gây mất đoàn kết.
Từ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có bài viết trên Báo Nhân Dân với tiêu đề “Vững chắc và cố chấp” đề cập vấn đề này. Người viết: “Lập trường chắc chắn và tư tưởng cố chấp, hai điều đó khác nhau, nhưng có người nhầm lẫn cố chấp với chắc chắn. Vì nhầm lẫn ấy, mà tưởng chỉ có ý kiến mình là “đúng”, ý kiến của người khác là “sai”. Khi bàn bạc việc gì, dù sai hay đúng, cũng cứ khư khư giữ lấy ý kiến của mình, tưởng như thế là “lập trường chắc chắn”, “có tính nguyên tắc”, mà không biết rằng như thế là “cố chấp”“.
Ngày nay, sự “cố chấp” trong xã hội khá phổ biến, dễ thấy nhất trên mạng xã hội, khi nhiều người nổi tiếng rơi vào cảnh “làm trăm việc tốt không ai quan tâm, nhưng lỡ lời một chút thì thành to chuyện”. Trong các tổ chức Đảng cũng xuất hiện không ít vấn đề phức tạp nảy sinh từ sự cố chấp của cán bộ, đảng viên. Có tổ chức Đảng lúc nào cũng trong tình trạng “nóng” vì có đồng chí đảng viên cho rằng lãnh đạo cơ quan ban hành quy định sai, ăn bớt, ăn xén, tham nhũng; mặc dù cấp trên đã có kết luận, được giải thích công khai; nhưng đồng chí đảng viên vẫn nhất quyết không tin, tiếp tục đòi “làm cho ra nhẽ”. Ở tổ chức Đảng khác, cứ mỗi khi sinh hoạt là không khí trở nên căng thẳng chỉ vì đồng chí đảng viên “không ưa” đồng chí phó bí thư chi bộ, nên hễ phát biểu là lên tiếng chỉ trích, nói xa, nói gần, giọng điệu rất khó nghe. Cho dù, đồng chí bí thư chi bộ, kể cả cấp ủy cấp trên gặp gỡ trao đổi, nhắc nhở nhưng đồng chí đảng viên này vẫn giữ nguyên sự “cố chấp”. Nguyên nhân sâu xa chỉ vì một lần đồng chí phó bí thư chi bộ “có lỗi” với đồng chí đảng viên, mặc dù đã xin lỗi rồi nhưng vẫn không khiến đồng chí đảng viên này nguôi ngoai.
Sự cố chấp ảnh hưởng rất lớn đến không khí đoàn kết, cởi mở, đến môi trường làm việc trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Cán bộ, đảng viên cố chấp gây nên sự phức tạp đã đành, nếu người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng mà cũng cố chấp thì hệ lụy rất khó lường. Đơn thư, khiếu kiện nảy sinh, lâu dần làm cho tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, làm cho đảng viên, quần chúng mất lòng tin.
Về mặt nhận thức chính trị, cán bộ, đảng viên mang trong mình sự cố chấp là đánh mất khả năng tư duy khoa học biện chứng, không khách quan trong nhìn nhận sự việc, vấn đề, rơi vào chủ quan, phiến diện. Người cố chấp dễ đánh giá không đúng bản chất sự việc, nên cũng dễ ra quyết định sai. Cái sai nhỏ thường kéo theo cái sai lớn, hệ lụy khôn lường.
Để loại bỏ sự cố chấp, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có nhận thức rõ về nó, cần thiết phải coi đây là một căn bệnh để có sự quan tâm, cảnh giác, không để bản thân bị “mắc bệnh”. Thực tế có không ít trường hợp cố chấp mà không biết mình cố chấp, do chưa có sự nhận thức đầy đủ về nó. Muốn nhận thức rõ về sự cố chấp, cần phải phân biệt được cố chấp khác hoàn toàn với sự kiên định, vững chắc.
“Kiên định”, “vững chắc”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cán bộ, đảng viên phải không có chút tự tư tự lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Nhận xét, đánh giá, phán đoán phải căn cứ vào thực tế khách quan. Việc đúng là đúng, chứ không phải cứ tự cho mình là đúng. Khiêm tốn, cẩn thận, chứ không phải hàm hồ. Người khác đúng, thì mình thật thà hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Người khác sai, thì mình chịu khó lắng nghe, bền lòng giải thích. Dù sai lầm của mình nhỏ, cũng mạnh dạn thừa nhận, kiên quyết sửa chữa. Dù ý kiến của người khác chỉ đúng một chút, mình cũng phê phán chỗ sai, hoan nghênh chỗ đúng.
Muốn loại bỏ tính cố chấp, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự mình rèn luyện bản lĩnh, hình thành tư duy khoa học biện chứng, nhìn nhận mọi vấn đề bằng con mắt bao dung, độ lượng, khách quan, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, thân thiện, chia sẻ. Đồng nghĩa với việc phải loại bỏ tính chủ quan, máy móc, tự tin thái quá, lúc nào cũng tự cho mình là đúng, ưa công kích, áp đặt khuyết điểm cho người khác...
Cấp ủy tổ chức Đảng một mặt cần củng cố đoàn kết, phát huy cao độ tinh thần dân chủ; mặt khác cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, cùng xây dựng đội ngũ có lập trường chính trị vững vàng, kiên định nhưng không cố chấp, nguyên tắc nhưng không máy móc, nhất là nắm chắc và thực hành đúng, thực hành thường xuyên nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Loại bỏ được “bệnh” cố chấp chắc chắn tổ chức Đảng sẽ ngày càng đoàn kết; còn bản thân cán bộ, đảng viên thì thảnh thơi, hạnh phúc hơn, đơn giản bởi khi ấy con người tư duy khoáng đạt, sắc bén, quan trọng nhất là nghĩ đúng, làm đúng, xứng đáng là thành viên của đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam có trách nhiệm làm gương mẫu, làm mực thước cho quần chúng noi theo./.
ST
bệnh này cần loại sớm
Trả lờiXóa