Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HỌC VÀ LÀM THEO BÁC: “VŨ KHÍ TỐT MÀ TINH THẦN HÈN, THÌ CŨNG VÔ DỤNG”

 

        Vào ngày 04 tháng 8 năm 1952, trên tờ Báo Cứu quốc ra số 2135 đã đăng câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng” trong bài “Máy bay “phản lực” phản Mỹ”! Câu nói tuy ngắn gọn, nhưng đã chứa đựng một quan điểm đúng đắn: Nhân tố chính trị - tinh thần là một trong những yếu tố nền tảng tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam!

Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Tuy nhiên, nhân tố chính trị, tinh thần không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt; với sự giúp sức của các đồng minh, thực dân Pháp tập trung huy động và đưa vào chiến trường Đông Dương các loại vũ khí trang bị hiện đại nhằm cứu vãn tình thế bất lợi đối với quân đội Pháp đang diễn ra trên chiến trường. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra đối với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xây dựng và phát huy tốt nhân tố chính trị, tinh thần cho quân và dân ta, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta đã khắc ghi chiến thắng hào hùng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Để làm nên chiến thắng đó, nhân tố chính trị - tinh thần của nhân dân đã phát huy cao độ, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp, niềm tin, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần tự lực tự cường, sức sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách ác liệt của cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị, tinh thần đã góp phần làm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực, kết nối tất cả các nguồn lực, các nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta, là sức mạnh của cả dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”  - một chiến thắng vang dội!

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Để phát huy và bảo đảm cho yếu tố trong điều kiện mới, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị đáp ứng yêu cầu sự phát triển nhân tố chính trị - tinh thần của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) làm nòng cốt. Trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với những yêu cầu mới về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần, quyết tâm dám đánh, biết đánh và đánh thắng địch trong mọi điều kiện. Bởi vậy, cần nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tình hình, nhiệm vụ cách mạng, các LLVT; làm tốt công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công; truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu; phân tích làm rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, khả năng về vũ khí, trang bị và thủ đoạn tác chiến các thế lực thù địch. Qua đó, làm cho toàn thể hệ thống chính trị, trọng tâm là cán bộ, chiến sĩ trong LLVT nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ, có động cơ, trách nhiệm, quyết tâm cao; đoàn kết, thống nhất, tinh thần cảnh giác cách mạng, lòng căm thù giặc sâu sắc, luôn chủ động, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, sự vững tin trước khó khăn, ác liệt trong chiến tranh.

Để nâng cao hiệu quả, cần tích cực đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, vận dụng và đa dạng hoá hình thức, phương pháp giáo dục chính trị phù hợp yêu cầu thực tiễn và từng đối tượng; kết hợp lý luận với thực tiễn, giáo dục chính trị với giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới trong các LLVT, tạo sức lan tỏa, sự chuyển biến thực chất, vững chắc về nhận thức, trách nhiệm của bộ đội. Hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, xây dựng các tổ chức (tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng) và đội ngũ cán bộ trong đơn vị vững mạnh, đề cao vai trò nêu gương cả trong nhận thức và hành động, lời nói và việc làm; thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết nhu cầu chính đáng, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội… Thực hiện tốt điều đó, sẽ góp phần quyết định đến nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm chiến đấu, tính tích cực, chủ động, tinh thần vững vàng trong mọi tình huống của mọi lực lượng, mọi tổ chức.

Hai là, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng. Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh, vấn đề quan trọng là phải xây dựng cho cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là LLVT niềm tin mãnh liệt vào lãnh đạo, chỉ huy, vào nghệ thuật tác chiến, vũ khí trang bị có trong biên chế và sức mạnh chiến đấu của ta. Theo đó, sẽ là điểm tựa tinh thần vững chắc để xây dựng ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng khi đối mặt với các thế lực thù địch. Vì thế, cần làm cho cán bộ và nhân dân, trọng tâm là LLVT hiểu được ý chí dám đánh, không nao núng trước kẻ thù, là tiền đề để giành chiến thắng và có dám đánh thì mới đặt ra yêu cầu biết đánh và quyết thắng. Dám đánh, biết đánh phải trên cơ sở khoa học, không mạo hiểm, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình địch, ta; từ đó, tìm phương án, cách đánh phù hợp bằng vũ khí, trang bị hiện có, vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến phù hợp, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để chủ động đối phó với tác chiến của địch; tránh hiện tượng chủ quan, duy ý chí, coi thường địch hoặc tâm lý hoang mang dao động, hoảng sợ trước sức mạnh của kẻ thù. LLVT cần phải kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với duy trì nghiêm nền nếp, chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, đưa bộ đội vào trong các tình huống giả định, sát yêu cầu tác chiến; nâng cao kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị có trong biên chế. Nghiên cứu nắm chắc âm mưu thủ đoạn hoạt động của địch, bổ sung hoàn thiện, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu của đơn vị.

Ba là, phát triển nghệ thuật tác chiến đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra, đối tượng tác chiến của ta sẽ tập trung lực lượng, phương tiện hiện đại, sử dụng nhiều thủ đoạn, biện pháp và phương thức tác chiến mới. Điều đó sẽ tác động không nhỏ đến tinh thần chiến đấu của nhân dân và các LLVT nhân dân. Bởi vậy, cần nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến một cách sáng tạo, phù hợp; tập trung nghiên cứu về đối tượng tác chiến, nhất là sự phát triển về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí, phương tiện tiến công của địch… Trên cơ sở đó, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, lựa chọn cách đánh phù hợp đối với nghệ thuật tác chiến; chủ động tổ chức địch từ xa; đồng thời, tích cực chuẩn bị nhiều biện pháp đối phó với tác chiến điện tử của địch. Cùng với đó, cần tích cực cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho các LLVT.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét