Đảo Cồn Cỏ nằm trên vĩ tuyến 17, cách bờ biển làng Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 28km. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đảo Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt của chúng, bởi Cồn Cỏ chỉ cách quân cảng Cửa Việt 30km, án ngữ vùng biển phía Đông của Quảng Trị, là cửa ngõ của Vịnh Bắc Bộ. Ngoài đánh phá bằng không quân, địch còn sử dụng tàu chiến bao vây đảo, tuần dương hạm, khu trục hạm uy hiếp và tập kích hỏa lực, dùng tàu biệt kích và tàu đổ bộ chở quân đột kích đánh phá đảo, quyết chia cắt đảo với đất liền.
Không quân Mỹ liên tục đánh phá đảo với cường độ hủy diệt, có ngày chúng đánh 10-12 trận, có trận kéo dài 4 giờ đồng hồ, đánh cả ngày lẫn đêm, cả lúc mưa to, gió lớn. Trung bình mỗi chiến sĩ tham gia bảo vệ đảo phải gánh chịu khoảng 9 tấn bom đạn của kẻ thù. Do vậy, hầu như tất cả công trình kiến trúc trên đảo đều bị san phẳng. Tuy nhiên, các chiến sĩ trên đảo vẫn bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc. Trong 1.440 ngày đêm kiên cường chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã đánh hơn 1.000 trận, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm và cháy 17 tàu chiến.
Duy trì sự sống và chiến đấu trên đảo tất cả đều nhờ vào đất liền, cả từ nước ngọt lúc đầu cũng phải vận chuyển từ đất liền ra. Đó là chưa kể, cường độ giao chiến tăng lên từng ngày đồng nghĩa với thương vong cũng ngày thêm tăng, vấn đề giữ được sự chi viện của đất liền cho đảo là yếu tố có tính quyết định. Tất cả việc chi viện cho đảo lúc bình thường đã khó, ở những thời điểm này càng trở nên khó khăn, cam go hơn bội phần. Thời gian đầu, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân lo việc tiếp tế, chi viện cho đảo. Tháng 2-1965, Quân chủng Hải quân đặt một trạm radar chỉ huy ở Mũi Si, sử dụng 2 tàu phóng lôi từ căn cứ Sông Gianh chở hàng ra đảo. Do tàu không cập được bến trong đất liền và bến ngoài đảo nên ta phải dùng thuyền nan làm phương tiện bốc dỡ, nhưng chưa chuyển hết hàng lên đảo thì trời đã sáng, thuyền phải quay về để tránh địch phát hiện. Trên đường về, tàu ta đụng tàu địch và một cuộc chiến đấu đã nổ ra. Tuy ta đã đuổi được tàu địch về phía Nam, song một tàu phóng lôi của ta bị trúng đạn pháo địch, bị hỏng nặng. Trận "tao ngộ chiến" giữa tàu ta và tàu địch xảy ra cũng đồng nghĩa với đường vận tải chi viện Cồn Cỏ bị lộ, việc tiếp tế cho đảo bằng tàu không thể tiếp tục được nữa.
Từ tháng 3-1965, việc tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ được chuyển sang bộ đội và nhân dân khu vực Đặc khu Vĩnh Linh đảm nhiệm. Cuối tháng 5-1965, tình hình trên đảo đứng trước tình trạng rất nguy cấp, lương thực cạn kiệt, đạn tính từng viên, đặc biệt khó khăn là nước ngọt, bởi trong trận đánh phá của không quân địch, một quả bom rơi trúng bể chứa nước mưa, trên đảo mất hoàn toàn nước ngọt. Nhận biết khó khăn đó, một mặt địch tăng cường đánh phá, mặt khác chúng cho tàu chiến bao vây, bịt kín mọi lối ra vào giữa đảo với đất liền. Xảo quyệt hơn, chúng còn bắt đưa lên đảo 50 người dân làm nghề đánh cá nhằm nhanh chóng triệt tiêu nguồn lương thực, nước uống trên đảo. Địch cho rằng, với những thủ đoạn trên, chỉ sau một thời gian ngắn đội quân nhỏ bé phòng thủ trên đảo không đầu hàng thì cũng sẽ chết gục vì đói khát.
Đầu tháng 6-1965, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh phát lời kêu gọi "Tất cả vì đảo Cồn Cỏ thân yêu". Lời kêu gọi đó thực sự là hồi còi xung trận, hối thúc quân và dân Vĩnh Linh quyết tâm giữ đảo bằng mọi giá. Nếu ở đảo có khẩu hiệu "Còn đất liền, còn đảo" thì đất liền đáp lại "Còn đảo, còn đất liền". Hàng nghìn quyết tâm thư của nam, nữ thanh niên các xã ven biển huyện Vĩnh Linh gửi lên lãnh đạo khu vực xin được đi tiếp tế cho Cồn Cỏ. Có những người tuổi đã 60, 70 cũng tình nguyện cùng thanh niên tham gia chi viện cho đảo.
Để giải quyết tình trạng cấp bách này, Bộ chỉ huy khu vực Vĩnh Linh thành lập một đại đội chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Theo đó, giữa tháng 6-1965, vào một đêm trời không trăng sao, đoàn thuyền 11 chiếc đầu tiên chở vũ khí, lương thực, nước ngọt rời Vịnh Mốc tiếp tế cho đảo thành công tốt đẹp. Con đường tiếp tế cho đảo đã mở, nhưng trước mặt là biết bao thử thách, hy sinh đang rình rập. Bởi, ban đêm tàu chiến địch dàn hàng ngang bắn pháo sáng, nã đại bác vào bờ, ban ngày dùng máy bay trinh sát quần thảo, phát hiện thấy thuyền của ta là chúng gọi máy bay phản lực đến bắn phá; đồng thời, ở vòng ngoài, địch dùng tàu chiến bao vây, ngăn chặn đường tiếp tế của ta.
Để tránh kẻ thù, quân và dân Vĩnh Linh sử dụng thuyền nan để dễ luồn lách, cơ động tiếp tế cho đảo; một bộ phận hỏa lực của pháo binh, phòng không được điều ra sát bờ biển, hiệp đồng chặt chẽ với hỏa lực trên đảo và thông tin từ các đài quan sát để tổ chức tác chiến vượt biển; đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống khi không tránh được địch thì quyết tử với chúng. Vì thế, mỗi chuyến thuyền chở lương thực, vũ khí, đạn dược chi viện cho đảo được trang bị vũ khí cá nhân để chiến đấu; các thuyền hộ tống với trang bị hỏa lực mạnh như súng cối, ĐKZ, B40, B41, CKC, lựu đạn.
Quá trình tiếp tế cho Cồn Cỏ, dù chịu tổn thất, hy sinh nhưng những chiến sĩ chẳng quản gian khổ, hy sinh, đánh địch mà đi, vượt qua bom đạn để đưa hàng ra đảo. Từ năm 1965 đến 1968, đã có hàng nghìn tấn vũ khí, kể cả pháo 85mm, súng máy phòng không 14,5mm, lương thực, vật dụng được chuyển ra đảo và chuyển thương binh, liệt sĩ từ đảo về đất liền. Việc mở đường máu trên biển chi viện cho đảo Cồn Cỏ trong điều kiện vừa bị địch đánh phá ác liệt, vừa bị địch bao vây phong tỏa gắt gao là một kỳ tích của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân-nghệ thuật phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân, lấy thô sơ thắng hiện đại./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét