Một là, ra sức tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính
sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân
tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch đồng thời
tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật, hình thành chủ
nghĩa vô thần cho toàn dân mà trực tiếp là đồng bào các dân tộc theo đạo.
Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, tổng hợp. Trước
hết, cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng thừa nhận rằng: tín ngưỡng,
tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân còn tồn tại lâu dài
trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; tôn giáo có những giá trị văn hóa
đạo đức phù hợp với chế độ mới; Đảng và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thỏa mãn
nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh của quần chúng; tuyên truyền cho đồng
bào hiểu rõ: chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề tôn giáo không có
mục đích nào khác là nhằm thúc đẩy quá trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của
Đảng (trong giai đoạn hiện nay là thúc đẩy toàn diện quá trình đổi mới đất nước
vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh) được củng
cố và tăng cường.
Hai là, triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc,
chính sách tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và từng bước nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đồng thời hết sức quan tâm giải
quyết một số vấn đề bức xúc về kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào theo đạo.
Hiện nay, nhiệm vụ chính trị trọng đại của cả dân tộc ta
lúc này là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Trên tiền đề có đường lối
đúng, việc phát huy cho được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong
đó có gần một phần tư dân số theo 6 tôn giáo lớn là một động lực mạnh nhất của
quá trình phát triển để đạt mục tiêu vừa nêu. Việc giải quyết vấn đề tôn giáo
phải góp phần phục vụ cho nhiệm vụ chính trị căn bản đó.
Trong những năm trước mắt, liên quan tới vấn đề vừa nêu,
cần đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh đô thị hoá. Bởi lẽ, một khi đời sống
mọi mặt đồng bào được bảo đảm, thì dù thế lực thù địch bên trong và bên ngoài
có muốn gây rối bằng việc lợi dụng vấn đề tôn giáo của đồng bào có tín ngưỡng
tôn giáo cũng không thể thực hiện được.
Ba là, củng cố và từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị
cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, dân tộc, cán
bộ an ninh, cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Đây là điều kiện bảo đảm nắm được quần chúng đồng thời
làm nòng cốt cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, giáo dục cảm hoá, cải tạo
những phần tử xấu, trừng trị những kẻ lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để hoạt
động trái pháp luật, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở còn phải chú trọng chất
lượng cán bộ làm công tác an ninh, công tác tôn giáo, dân tộc, hướng vào đối
tượng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Ở cấp cơ sở cơ bản không có cán bộ chuyên
trách công tác tôn giáo, cán bộ kiêm nhiệm không ổn định; họ thiếu thông tin,
nhiều người chưa nắm vững nội dung các văn bản của Đảng và Nhà nước về tôn giáo
và công tác tôn giáo. Sự yếu kém, hẫng hụt từ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn
giáo hiện nay có thể nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hạn
chế, yếu kém của công tác này. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường đội ngũ cán bộ
làm công tác tôn giáo của hệ thống chính trị, trước hết cần có kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng những cán bộ đang làm công tác này. Mấy năm nay, trong sự phối
hợp của các đơn vị làm công tác tôn giáo, nhiều loại lớp đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức về tôn giáo và công tác tôn giáo được mở cho hàng ngàn cán bộ ở các
cấp, ngành, các đoàn thể. Đây là một chuyển biến lớn, góp phần nâng cao nhận
thức về tôn giáo và công tác tôn giáo cho toàn hệ thống chính trị.
Bốn là, triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác phòng, chống và giải
quyết “điểm nóng”, biểu tình, bạo loạn.
Phải tôn trọng các tôn giáo có tư cách pháp nhân, tranh
thủ giáo sĩ, thực lòng quan tâm đến đồng bào các tôn giáo, dân tộc để vận động
đồng bào tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đối với đồng bào không
theo tôn giáo thì giáo dục để giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc,
thực hiện các hình thức tín ngưỡng truyền thống, làm vô hiệu hoá hoạt động
truyền đạo trái pháp luật. Đối với những người thực sự có nhu cầu theo tôn
giáo, cần giáo dục để đồng bào hiểu rõ và thực hiện đúng chính sách, pháp luật
về tín ngưỡng, tôn giáo, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cuộc sống “tốt
đời, đẹp đạo”../.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét