An ninh phi truyền thống là một khái niệm mới xuất hiện và được bàn đến khá
nhiều trong thời gian gần đây; là vấn đề của thế giới hiện đại, xuất hiện trong
giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến
động, diễn biến phức tạp; đặc biệt, kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001
tại nước Mỹ, khái niệm này xuất hiện nhiều và dần trở nên phổ biến. Trong bối
cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư(1), ANPTT là khái niệm động, thay đổi tùy thuộc vào cách thức
tiếp cận, chủ yếu sử dụng để phân biệt với an ninh truyền thống, dùng để chỉ
các mối đe dọa, thách thức phi truyền thống đối với an ninh quốc gia, dân tộc,
cộng đồng và sự ổn định của mỗi con người, có nguồn gốc phi quân sự từ các tác
nhân, chủ thể phi nhà nước.
Các
mối đe dọa an ninh phi truyền thống rất đa dạng, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực
của đời sống kinh tế - xã hội; nguồn gốc tạo nên các mối đe dọa này rất phức
tạp, có cả yếu tố phát sinh từ nguồn gốc thiên tạo lẫn yếu tố phát sinh từ
nguồn gốc nhân tạo; có khả năng phát tán nhanh, phạm vi rộng, ảnh hưởng xuyên
quốc gia. Xác định rõ quan điểm “Bảo vệ an ninh kinh tế là bảo vệ an ninh
quốc gia”, dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Trung ương Đảng, mà trực tiếp là
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác bảo vệ an ninh kinh tế được quan tâm chỉ đạo
từ trong đàm phán gia nhập các tổ chức, diễn đàn kinh tế khu vực và thế giới,
cũng như quá trình ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tạo
những tiền đề cơ bản để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Xây dựng nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn bảo đảm nguyên tắc giữ vững độc
lập, tự chủ, vận hành theo quy luật khách quan; từng bước đổi mới, hoàn thiện
thể chế phù hợp, không ngừng đa dạng hóa, đa phương hóa với các quan hệ hợp tác
quốc tế trong phát triển kinh tế-xã hội, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một
đối tác cụ thể Thực hiện phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày
càng sâu rộng hơn trong giai đoạn hiên nay là vấn đề cần thiết trong sự nghiệp cách
mạng xây dưng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Vì
vậy, công tác bảo vệ an ninh kinh tế hiện nay cần tập trung đảm bảo vững chắc
sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; làm
thất bại âm mưu của các thế lực thù địch thông qua kinh tế để chuyển hóa chính
trị. Kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội, thu hẹp dần khoảng cách giầu nghèo; những hạn chế tiêu cực
của nền kinh tế thị trường, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, là vấn đề cần
thiết, mang tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra đối với pháp luật hình
sự Việt Nam hiện nay
Từ việc nghiên cứu các mối đe dọa ANPTT, được
thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, xác định tập trung vào tội phạm
có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, có thể nhận thấy những thách
thức cụ thể đối với PLHS Việt Nam như sau:
Thứ
nhất, an ninh phi truyền thống làm phát sinh hành vi nguy hiểm mới cho xã hội
có tính xuyên quốc gia, đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, an
ninh quốc tế và quyền con người hoặc vẫn là hành vi phạm tội nhưng với phương
thức và thủ đoạn mới.
Hiện nay, do đối tượng xâm phạm chuyển từ an
ninh biên giới, lãnh thổ, an ninh chính trị truyền thống sang các lĩnh vực an
ninh mới như: an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh
môi trường nên vấn đề ANPTT đặt ra thách thức ở hai khía cạnh: Một là,
làm phát sinh những hành vi nguy hiểm mới cho xã hội đòi hỏi phải tội phạm hóa
kịp thời trong PLHS; Hai là, vẫn là hành vi phạm tội trong
PLHS nhưng có phương thức và thủ đoạn mới liên quan đến đặc tính xuyên quốc gia như:
khủng bố, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao... (tội phạm phi truyền thống) với
việc sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ cao, cũng như những thành tựu vượt
trội mà Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Có thể thấy, các quốc gia có hạ tầng kết nối
mạng hiện đại và phổ biến sẽ có tỷ lệ tội phạm mạng rất cao, như ở Mỹ (23%),
Trung Quốc (9%) hay Đức (6%). Trong tương lai, cơ cấu tỷ lệ tội phạm này sẽ có
sự thay đổi, dịch chuyển và phân đều về nhóm các quốc gia đang phát triển,
trong đó có Việt Nam, khi tỷ lệ người dùng in-tơ-nét ngày càng gia tăng. Tội phạm phi
truyền thống là thách thức lớn nhất của ANPTT dưới góc độ PLHS
trong thời kỳ an ninh mới. Phức tạp hơn, loại tội phạm này thường sử dụng
thành tựu khoa học - công nghệ cao nên ẩn danh, khó phát hiện và việc xử lý
dấu vết, truy tìm chứng cứ vô cùng khó khăn. Điều đáng quan ngại nữa ở loại tội
phạm này là đa phần tội phạm trong nước liên kết với tội phạm người nước
ngoài, hoạt động có tổ chức và mang tính quốc tế, xuyên quốc gia và rất chuyên
nghiệp(10). Do đó, tội phạm phi
truyền thống là hành vi nguy hiểm cho xã hội có nguồn gốc phi quân sự gây ra
cho sự an toàn, ổn định của mỗi con người, cũng như các quốc gia, dân tộc và
cộng đồng quốc tế được thực hiện một cách cố ý từ bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào
với đặc trưng mới về địa điểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội và khách thể của
tội phạm.
Chính vì vậy, “an ninh” như đã đề cập, là nhu
cầu đầu tiên và thiết yếu của mỗi con người, mỗi quốc gia và toàn nhân loại;
đồng thời, an ninh cũng là điều kiện cơ bản và quan trọng số một bảo đảm cho sự
phát triển của mỗi quốc gia, mỗi con người, của từng tổ chức, của từng lĩnh vực
hoạt động xã hội hoặc của toàn xã hội(11).
Vì lẽ đó, PLHS Việt Nam phải ứng phó với thách thức trên (tội phạm hóa hoặc bổ
sung phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm).
Thứ
hai, sự biến đổi về nhiều yếu tố, dấu hiệu của tội phạm, như phương thức, thủ
đoạn phạm tội, phạm vi diễn ra và tác động của hành vi phạm tội... so với các
tội phạm truyền thống.
Tội phạm phi truyền thống với tư cách là thách
thức ANPTT có sự biến đổi thể hiện khác biệt với tội phạm truyền thống như sau:
-
Tội phạm phi truyền thống thường có tính xuyên quốc gia. Một thực tế rõ ràng là hành vi phạm
tội luôn là loại tội phạm xuyên quốc gia với đặc tính đa quốc gia của tội phạm,
mà theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
năm 2000, tính chất xuyên quốc gia được biểu hiện ở một trong các yếu tố:
+ Thể hiện ở không gian diễn ra tội phạm đối
với toàn bộ quá trình thực hiện tội phạm như: Tội phạm được thực hiện ở hai
quốc gia trở lên; tội phạm được thực hiện ở một quốc gia nhưng việc chuẩn bị,
lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều khiển nó lại diễn ra ở một quốc gia khác.
+ Thể hiện ở phạm vi ảnh hưởng của tội phạm. Nếu
đối với tội phạm không có tính chất xuyên quốc gia thì quốc gia nơi thực hiện
tội phạm cũng chính là quốc gia nơi tội phạm gây ảnh hưởng. Trong khi đó, tội
phạm xuyên quốc gia có thể được thực hiện ở một quốc gia nhưng có ảnh hưởng ở
một hoặc nhiều quốc gia khác.
+ Thể hiện ở chủ thể thực hiện tội phạm. Đây là
trường hợp việc thực hiện tội phạm liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức
tham gia các hoạt động phạm tội ở nhiều quốc gia khác nhau. Trường hợp chủ thể
của tội phạm đơn thuần có quốc tịch khác với quốc gia nơi thực hiện tội phạm
không thuộc loại tội phạm này mà chỉ là tội phạm có yếu tố nước ngoài.
-
Tội phạm phi truyền thống đe dọa trật tự, an ninh ở phạm vi khu vực hoặc toàn
thế giới. Do tính chất
“xuyên quốc gia” nên tội phạm này có thể trực tiếp đe dọa trật tự, an ninh của
một khu vực, của toàn thế giới hoặc chỉ uy hiếp an ninh của một cộng đồng, quốc
gia nhưng về thời gian sau, hậu quả của nó sẽ lan tỏa vượt ra khỏi biên giới
quốc gia. Trong khi đó, tội phạm truyền thống tập trung đe dọa đến an ninh quốc
gia riêng lẻ. Vì vậy, việc phối hợp, cộng tác để ứng phó luôn được tất cả tổ
chức quốc tế, khu vực đặt ra khi hợp tác song phương, đa phương và thông qua
các hoạt động diễn tập, luyện tập...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét