Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

MUỐN “DIỆT CỎ DẠI PHẢI TRỒNG NHIỀU HOA”

 Muốn “diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa”; nhưng muốn hoa tốt tươi, ngoài việc tưới tắm, chăm bón mỗi ngày chúng ta còn phải siêng nhặt cỏ, bắt sâu… Xây dựng hệ giá trị cũng như việc trồng cây, bên cạnh việc tập trung “Xây” dựng những giá trị tốt đẹp; chúng ta còn phải đặc biệt quan tâm đến việc “Chống” lại những thói hư, tật xấu… đang tồn tại và len lỏi trong cuộc sống hàng ngày.

Siêng “bắt sâu, nhặt cỏ”
Để những giá trị tốt đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, tạo thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước, trong nhiều năm qua, Đảng luôn quan tâm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, chủ trương “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, ”Lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”...Chính vì vậy mà sau gần 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thế nhưng trong công cuộc xây dựng, quá độ tiến lên CNXH, chúng ta cũng đã và đang gặp không ít vật cản, kìm hãm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển mọi mặt của đất nước, đó chính là những hủ tục lạc hậu phản tiến bộ, những thói hư tật xấu, những biểu hiện lệch chuẩn…
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập, chúng ta cần phải thanh lọc và đẩy lùi những tiêu cực, hạn chế này. Đây chính là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để tạo môi trường lành mạnh xây dựng, củng cố,hoàn thiện và đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới vào cuộc sống. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy, muốn "diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa"; nhưng muốn hoa tốt tươi, ngoài việc tưới tắm, chăm bón mỗi ngày chúng ta còn phải siêng nhặt cỏ, bắt sâu. "Xây" và "Chống" như hai bánh xe vững chắc. "Chống" triệt để, bảo đảm cho công việc "Xây" thành công. "Xây" phát triển mạnh mẽ thì đối tượng "Chống" sẽ được xóa bỏ tận gốc.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã gợi ý xây dựng các hệ giá trị gồm một số thành tố như: Hệ giá trị quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Có thể nói đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi nhất, là khát vọng, là mục tiêu cao nhất mà toàn dân tộc vẫn đang thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử từ lúc dựng nước, giữ nước cho tới nay. Qua các thời kỳ, chúng ta không ngừng vun đắp, củng cố, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự tác động của cơ chế thị trường, bên cạnh những giá trị tốt đẹp đang xuất hiện ngày càng nhiều những biểu hiện tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn đi ngược với truyền thống, đạo lý của dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải cấp bách xây dựng những hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là “kim chỉ nam” nhằm định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội.
Thực tiễn sinh động cũng cho thấy,sự phát triển của đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân và các tổ chức phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Để những giá trị tốt đẹp luôn ngự trị trong cuộc sống, để văn hóa được trở lại với các chân giá trị thì “ngụy giá trị” không thể chiếm chỗ của chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật...!
Trong cuộc sống ngày nay chúng ta dễ dàng bắt gặp những những thói hư tật xấu là những thứ lưu cữu từ những tàn dư của xã hội trước vẫn còn ẩn hiện trong sinh hoạt của những người dân như: thói quen rượu, chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, trọng nam khinh nữ... Đáng nói hơn cả là sự xuống cấp và băng hoại đạo đức, lối sống của bộ phận người dân;đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị trong cán bộ đảng viên; tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lối sống thực dụng… coi đồng tiền là phương tiện giao dịch đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Những ngày này, cả nước đang sôi sục dõi theo “đại án chuyến bay giải cứu” với kỷ lục về số tiền đưa nhận hối lộ… thể hiện sự tha hóa đạo đức tới tột cùng của một số người vẫn được coi là “công bộc” của dân nhưng lại lợi dụng chức quyền hành dân, “hút m.áu” của dân đúng lúc người dân khó khăn nhất, cần sự giúp đỡ nhất đó là trong đại dịch Covid-19. Đáng tiếc, trong số 54 bị cáo, phần lớn lại là những cán bộ công chức và lãnh đạo cấp cao nhà nước. Từ những chứng cứ và lời khai của các bị cáo chúng ta không khỏi rùng mình bởi sức công phá mạnh mẽ của những “viên đạn bọc đường”. Đồng tiền với sức mạnh bí hiểm đã làm tha hóa con người một cách ghê gớm.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 cũng cho thấy, 10 năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 Cấp ủy các cấp và chi bộ cũng đã kỷ luật 182 tổ chức Đảng và 7.056 đảng viên.
Những tổ chức và cá nhân bị kỷ luật với con số khổng lồ và không ngừng tăng lên mỗi năm trở lại đây chính là hồi chuông báo động về sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đây chính là những “ung nhọt” cản trở sự phát triển và tiến bộ của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, cũng như khả năng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy đất nước Việt Nam phát triển hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”. Thử hỏi đất nước sẽ đi đâu, về đâu nếu như chúng ta không thanh lọc được những “ung nhọt” mà cứ để những “sâu mọt” như thế này tham mưu, điều hành các lĩnh vực của đất nước…?
Xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới chính là chúng ta xây dựng “cẩm nang” thiết yếu để chúng ta “tăng sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, có ý thức rèn luyện, tu dưỡng theo chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Để có được một Việt Nam “rạng rỡ gấm hoa” như ngày hôm nay bao mồ hôi, xương m.áu, và nước mắt của bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống... Nhưng những thế lực thù địch luôn phủ nhận, thậm chí ra sức xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử, tác động vào trận địa tư tưởng, môi trường văn hóa; lôi kéo những phần tử cực đoan, bất mãn... Bên cạnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ được lời thề vi phạm đạo đức, kỷ luật nghề nghiệp, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị bị bắt, bị kỷ luật, nguy hiểm hơn còn có không ít cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ… chạy theo lợi ích cá nhân, phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc… Không ít người dù có công lao với cách mạng, được Đảng và nhân dân nuôi dưỡng, giáo dục thành đạt, thành danh đã “quay xe”, “trở cờ”, trở thành con rối cho các thế lực phản động ở hải ngoại giật dây. Xây dựng những hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới chính là cách chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, đấu tranh phản bác các quan điểm, trào lưu tư tưởng thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bàn về nguyên nhân dẫn tới những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, tình trạng tham nhũng, hối lộ, lối sống lệch chuẩn đề cao chủ nghĩa cá nhân…đang có chiều hướng ngày càng gia tăng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng do tàn dư của chế độ cũ, sự tiếp biến và đứt gãy văn hóa và đặc biệt chủ yếu là do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường …Dẫu biết rằng thời kỳ mở cửa, cơ chế thị trường đã mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại không ít thách thức đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Hội nhập để phát triển là đòi hỏi tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới nhưng làm sao để chúng ta “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”? Vì thế chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn do cơ chế thị trường.Trong thế giới “mở”, nếu như chúng ta không đủ tỉnh táo để nhận diện, để “gạn đục khơi trong” tiếp thu những tinh hoa của nhân loại bồi đắp và làm giàu có thêm văn hóa dân tộc; dũng cảm loại bỏ những “ung nhọt”, những cái cũ kỹ lạc hậu, không phù hợp; lan tỏa, xây dựng những giá trị tốt đẹp nhằm “tăng sức đề kháng” chống lại những thủ đoạn, những âm mưu diễn biến hết sức tinh vi của kẻ thù, chúng ta rất dễ bị đồng hóa, bị xâm lăng, nô dịch về văn hóa... “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đây chính là chân lý không thể chối cãi và đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử.
Chống lại những thói hư tật xấu, những tệ nạn, những biểu hiện tiêu cực… trong cuộc sống cũng chính là “chống giặc nội xâm”, trong đó khó khăn nhất là phải tự vượt qua mình, nhìn ra những hạn chế của chính mình để hoàn thiện, xây dựng cho mình những phẩm chất và lối sống chuẩn mực phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của dân tộc.
Nhìn vào thực tiễn cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi băn khoăn bởi có không ít giới trẻ đang chạy theo lối sống hưởng thụ, ngại khó, ngại khổ; sống thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội; chuộng lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích cá nhân tầm thường, dễ dãi; vô cảm trước những nỗi đau và mất mát hy sinh của người khác… Những hành vi, những lối sống phi giá trị như vậy nếu không kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi rất có thể sẽ trở thành trào lưu lấn lướt những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Sự phát triển của đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân và các tổ chức phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Để những giá trị tốt đẹp luôn ngự trị trong cuộc sống, để văn hóa được trở lại với các chân giá trị thì “ngụy giá trị” không thể chiếm chỗ của chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật...!
“Chặt cây để cứu rừng”
Chống lại những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội, những biểu hiện lệch chuẩn trong xã hội… cũng chính là "chống giặc nội xâm" góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Cũng giống như việc chống lại quốc nạn tham nhũng hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đây là cuộc chiến khổng lồ, trường kỳ, bền bỉ, nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp…Để đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh chúng ta phải kiên quyết, dũng cảm loại bỏ những cái xấu xa, phản tiến bộ, sẵn sàng “chặt cành để cứu cây”, “chặt cây để cứu rừng”, kỷ luật, loại bỏ một người để cứu muôn người.
Thực tiễn sinh động đã cho chúng ta thấy, để những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội không có điều kiện lấn lướt các hệ giá trị biểu trưng cho chân-thiện-mĩ, chúng ta phải kiên quyết và kiên trì “Xây” đi đôi với “Chống”.Trong đó “Xây” là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài; “Chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân chính là căn nguyên dẫn tới sự tha hóa về đạo đức và đó cũng chính là nguy cơ từ bên trong khiến cho Đảng suy yếu. Theo Bác để khắc phục chúng ta phải thẳng thắng nhìn vào khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa. Cũng theo Bác, muốn đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới thì người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu thực hiện cái mới, đấu tranh xóa bỏ cái cũ, lạc hậu. “Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt trước”.
Dưới góc độ của nhà quản lý, để đẩy lùi những hủ tục lạc hậu góp phần xây dựng những hệ giá trị tốt đẹp của dân tộc theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL – Tạ Quang Đông, trước hết chúng ta cần sử dụng đến luật pháp và hệ thống giáo dục. Bởi theo thứ trưởng, luật pháp mang tính trừng phạt khiến hành vi sẽ không xảy ra nữa; còn giáo dục qua hệ thống nhà trường, gia đình và xã hội sẽ khiến mọi người hiểu được những hành vi, những nhận thức và thái độ đạo đức nào là đúng cần phải hành xử theo và những hành vi, nhận thức, thái độ đạo đức nào là sai cần phải tránh.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với những người vi phạm. Còn việc giáo dục qua hệ thống nhà trường, gia đình và xã hội chủ yếu mang tính định hướng cho học sinh, sinh viên hơn là những người đã đi làm, trưởng thành rồi. Bởi vậy, nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, hoàn thiện thể chế theo hướng phòng ngừa, hạn chế những tiêu cực trong xã hội, giải quyết căn bản các nguyên nhân làm nảy sinh những thói hư, tật xấu và sự suy thoái đạo đức lối sống; tăng cường công tác phản biện, giám sát, kiểm tra, xử lý những vấn đề, hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống các thói hư tật xấu, sự suy thoái đạo đức trong xã hội, đi đôi với xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam và nền tảng văn hóa chính trị tiến bộ trong thời kỳ mới, đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thực tế, những thói hư tật xấu không phải lúc nào cũng hiển hiện dễ nhận biết mà đôi khi nó len lỏi, ngụy trang, núp dưới những vỏ bọc tưởng như là tốt đẹp vì vậy theo PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương, muốn “Chống” trước tiên phải nhận diện được những bình diện của những thói hư tật xấu này. Theo PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, xây dựng các hệ giá trị mục tiêu cuối cùng là hướng tới xây dựng con người mới mà hiện nay toàn bộ mọi thứ trong xã hội đều do con người làm nên. Con người chi phối và quyết định mọi hoạt động trong xã hội. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm, của sự phát triển, vì vậy cần phải tập trung xây dựng chiến lược con người. Ngoài việc xây dựng tâm hồn thể chất thì phải chú trọng tới việc xây dựng sức khỏe, thể lực của con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Muốn có con người khỏe mạnh về tâm hồn về nhân cách thì trước tiên phải mạnh khỏe về thể xác, nâng cao thể lực con người, lúc đó ta mới hy vọng con người giải quyết được những vấn đề chiến lược cao cả của đất nước đó là xây dựng các hệ giá trị.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên nhi đồng; tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên; thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ; từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại...”
Như vậy xây dựng các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới rõ ràng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội. Nhưng trước hết để tạo môi trường cho những cái tốt tươi phát triển ngay từ bây giờ chúng ta phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng", đẩy nhanh, đẩy mạnh “Cuộc chiến đấu khổng lồ” để bảo vệ những điều tốt đẹp, mới mẻ, đấu tranh gạt bỏ đi những cái cũ kỹ, những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội… tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và khát vọng của cả dân tộc xây dựng một đất nước hòa bình, độc lập, phồn vinh, hạnh phúc./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét