Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý khoa học trong giai đoạn hiện nay
(LLCT) - Tầm quan trọng của khoa học chỉ có thể bắt đầu từ nhận thức mới và phương pháp mới về hoạt động lãnh đạo, quản lý khoa học trong giai đoạn hiện nay ở các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành. Trong đó, đặc biệt quan trọng ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nơi đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, đào tạo sau đại học về khoa học xã hội.
1. Các xu hướng mới trong phát triển khoa học và tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu - triển khai
Trong lịch sử phát triển khoa học, đã diễn ra hai quá trình: phân ngành và hợp ngành theo các giai đoạn khác nhau. Đó là sự phát triển biện chứng của “Lịch sử phát triển trí tuệ”.
Trong giai đoạn hiện nay, cả hai quá trình này đều đang phát triển, nhưng quá trình hợp ngành nổi lên, đóng vai trò chủ yếu trong giải quyết các vấn đề của thực tiễn phức hợp. Không một vấn đề nào ngày nay có thể giải quyết nếu chỉ dựa vào một, hai ngành khoa học.
Tuy vậy, không thể coi nhẹ quá trình phân ngành, vì “không có phân tích thì không có tổng hợp”. Hơn nữa, trên con đường phân ngành, đã xuất hiện những bộ môn khoa học mang tính liên ngành trong khoa học tự nhiên và cả trong khoa học xã hội.Những thành quả của các bộ môn này thường mang lại hiệu quả cao trong ứng dụng thực tiễn.
Hiện nay, quá trình phân ngành và hợp ngành được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phát triển công nghệ thông tin - các phương tiện nghiên cứu hiện đại, và cả những “đơn đặt hàng” ngày càng khó hơn của xã hội đối với khoa học.
Sự phát triển biện chứng của khoa học hiện nay đang thể hiện trên mấy xu hướng chủ yếu sau đây:
Xu hướng liên ngành trong nghiên cứu và ứng dụng
Nếu nhìn suốt quá trình lịch sử phát triển khoa học trong các giai đoạn kinh tế thị trường thì tư duy phân tích, phương pháp phân tích là đặc trưng nổi bật của sự phát triển khoa học kỹ thuật trong thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Còn đặc trưng nổi bật của sự phát triển ở nửa sau thế kỷ XX lại là tư duy tổng hợp, phương pháp hệ thống.
Chính đặc trưng nổi bật này đòi hỏi cải cách sâu sắc hệ thống giáo dục, đào tạo và hệ thống tổ chức khoa học. Những quốc gia sớm nhận thức vấn đề này đều vươn lên mạnh mẽ trong cạnh tranh, nâng cao vị trí của mình trong quan hệ quốc tế.
Tác động của tư duy tổng hợp và phương pháp hệ thống đã đưa đến những thay đổi sâu sắc trong nhân sinh quan và thế giới quan của con người theo hướng tiến bộ. Chẳng hạn, tư duy tổng hợp và phương pháp hệ thống giúp con người tiếp cận đúng hơn các mối quan hệ giữa kinh tế với xã hội, giai cấp với dân tộc, khoa học với chính trị, vật chất với tinh thần, quốc gia với quốc tế...
Xu hướng vượt trội của khoa học xã hội và nhân văn
Ngày nay sự phát triển rất cao của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đã đặt ra cho loài người vấn đề ứng dụng những thành tựu ấy theo hướng nào. Bởi vì những thành tựu ấy có thể trở thành sức đẩy cực kỳ lớn lao trong xây dựng một xã hội văn minh. Nhưng cũng có thể trở thành sức tàn phá đối với cuộc sống con người.
Như vậy, chính sự phát triển cao của khoa học tự nhiên đòi hỏi thành tựu tương xứng của khoa học xã hội trong việc ứng dụng vào cuộc sống.
Ngày nay, trên đỉnh cao của tăng trưởng kinh tế, nhiều quốc gia công nghiệp đang rơi vào khủng hoảng xã hội, gia đình và cá nhân. Bảo vệ môi trườngtrở thành một vấn đề sống còn của nhân loại, là vấn đề chính trị toàn cầu. Giải quyết những vấn đề này cùng với tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn gắn với phát triển khoa học tự nhiên và công nghệ.
Đối với các quốc gia đang phát triển, không những đứng trước những thách thức về kinh tế mà cả về mặt xã hội, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục... trong mối quan hệ khu vực và toàn cầu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, không có sự ổn định xã hội và chính trị thì không thể có tiến bộ trong kinh tế và tăng cường sức cạnh tranh.
Khác với quá trình công nghiệp hoá thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, ngày nay công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá, được đặt trong những điều kiện mới, trong đó tăng trưởng kinh tế phải có bước tiến về công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, quá trình dân chủ hoá xã hội.
Vì vậy hiện nay, đối với các quốc gia đang phát triển không còn cơ hội dùng chiến lược tăng trưởng kinh tế trước và giải quyết vấn đề văn hoá, xã hội sau. Do đó, đòi hỏi khách quan phải coi trọng phát triển khoa học xã hội cùng với khoa học công nghệ.
Xu thế quốc tế hoá và nội sinh hoá các thành tựu khoa học
Xu hướng quốc tế hoá phát triển trong lĩnh vực khoa học thể hiện trên các mặt: Thông tin khoa học và chuyển giao phát minh, chuyển giao công nghệ đã trở thành một điều kiện không thể thiếu đối với các quốc gia; Sự hợp tác nghiên cứu và ứng dụng giữa các nhà khoa học, các cơ quan khoa học của các nước và của các tổ chức quốc tế đang trở thành phổ biến và thường xuyên; “Chất xám” đang được thương mại hoá và là một nhân tố hàng đầu trong cạnh tranh quốc tế.
Đi đôi với xu hướng quốc tế hoá, còn có xu hướng nội sinh hoá các thành tựu khoa học - công nghệ trong việc ứng dụng vào xây dựng đất nước. Tăng cường năng lực nội sinh của đất nước trong xu thế quốc tế hoá là một thách thức của nhà nước, đặc biệt là nước đang phát triển. Đây là nhân tố quyết định thành bại trong cải cách và mở cửa.
Xu hướng phân hoá trong các nhà khoa học đương đại và sự hình thành thế hệ nhà khoa học mới
Khoa học trong quá trình phát triển phụ thuộc vào kinh tế và chính trị. Nhưng vai trò của khoa học trong sự phát triển xã hội còn phụ thuộc vào bản thân đội ngũ nhà khoa học.
Nếu trước đây, yêu cầu kinh tế và chính trị trong xã hội tư bản tập trung vào lợi nhuận, thì hầu hết các nhà khoa học phải phục vụ cho mục tiêu lợi nhuận. Không phải họ không nhận thấy mặt tiêu cực của kinh tế thị trường đối với xã hội và con người. Nhưng lúc ấy các nhà khoa học phải phục tùng đòi hỏi của kinh tế và chính trị. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các thành tựu khoa học - công nghệ trong xã hội tư bản mang hai khả năng: xây dựng và tàn phá, tuỳ thuộc vào việc các thành tựu khoa học nằm trong tay ai, vào vai trò của nhân tố văn hoá tác động trong đội ngũ khoa học.
Ngoài khả năng xây dựng của khoa học ngày càng lớn, các nhà khoa học cũng tận mắt nhìn thấy sự tàn phá ghê sợ của thành tựu khoa học trong tay những lực lượng chống con người, phá hoại môi trường sinh thái. Trước tình trạng đó, lương tâm của nhiều nhà khoa học được thức tỉnh.
Ngày nay, trước xu hướng chủ đạo của sự phát triển khoa học và định hướng mới trong ứng dụng các thành tựu khoa học, các nhà khoa học đương đại đã có sự phân hoá ngày càng rõ rệt.
Một số người ở vị trí chiếm lĩnh các đỉnh cao trong sự phát triển liên ngành khoa học, ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong các tiến bộ khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.
Ngày càng nhiều nhà khoa học hướng vào phục vụ xã hội và con người, thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành xã hội nhân văn, với nền kinh tế thị trường và một nền văn hoá phát triển lành mạnh. Số này có thái độ khoa học và cách mạng, có tiếng nói uy tín trong các vấn đề chính trị - xã hội trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Họ trở thành người bạn của các nhà chính trị chân chính và là kẻ thù của các “nhà chính trị” chỉ vì lợi ích hẹp hòi, thiển cận, mất tính dân chủ và tính nhân bản trong hoạt động chính trị.
Một số nhà nghiên cứu đang phục vụ thế lực thống trị vì mục tiêu bóc lột, bá quyền và ngu dân. Số này đang bị lên án và lương tâm cắn rứt. Họ càng giàu về thu nhập bao nhiêu thì càng nghèo về đời sống tinh thần và cô độc về quan hệ xã hội bấy nhiêu.
Ngoài ra, còn khá nhiều nhà khoa học không theo kịp thực tiễn, sinh ra bảo thủ, rơi vào tình trạng lạc hậu cả về tri thức và phương pháp.
Từ xu hướng phân hoá các nhà khoa học đương đại, thực tiễn đang đòi hỏi cấp bách về cải cách sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cũng như trong công tác tổ chức - cán bộ. Có lẽ đối tượng hàng đầu phải quan tâm trong công cuộc cải cách này là các nhà giáo dục, nhà tổ chức, thực hiện phương châm “người đi giáo dục cần phải được giáo dục”. Người làm tổ chức càng phải được giáo dục, được lựa chọn để có tầm cao về trí tuệ và lương tâm.
Hiện nay, tốc độ phân hoá các nhà khoa học tăng nhanh, vì dòng sông khoa học sáng tạo ngày càng chảy xiết. Các thế hệ nhà khoa học hiện đang hoạt động, nhìn dòng sông ấy với thái độ khác nhau. Có những người mang niềm hy vọng lớn và niềm vui sáng tạo cho xã hội tương lai, nhưng cũng có những người mang nỗi buồn day dứt khôn nguôi.
Xu hướng cải cách tổ chức quản lý hoạt động khoa học
Những xu hướng khoa học phát sinh từ thực tiễn đã vấp phải giới hạn do hệ thống tổ chức khoa học và quản lý nghiên cứu - triển khai không còn phù hợp. Xu hướng cải cách tổ chức và quản lý phát sinh từ mâu thuẫn đó, đặc biệt gay gắt là lĩnh vực khoa học xã hội. Đây là khâu then chốt thúc đẩy sự phát triển nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, mục đích của lãnh đạo quản lý là khắc phục sự lạc hậu về lý luận, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ lý luận; góp phần vào việc soạn thảo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực xây dựng đội ngũ khoa học; tạo điều kiện mở rộng quan hệ đối ngoại trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
2. Một số kinh nghiệm trong tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu - triển khai
Từ thực tiễn hoạt động quản lý khoa học, rút ra những bài học sau:
Một là, nghiên cứu lý luận đổi mới phải bám sát thực tiễn biến đổi trong và ngoài nước
Thực tiễn đổi mới là cội nguồn và môi trường phát triển lý luận. Thực tiễn đổi mới khác với minh hoạ thực tế bằng những ví dụ, sự kiện. Theo Mác, lý luận nằm trong phong trào quần chúng. CNXH là một phong trào hiện thực. Chính phong trào hiện thực này là đối tượng phân tích của lý luận.
Xuất phát từ đó, công tác quản lý nghiên cứu khoa học phải hướng mạnh vào việc khôi phục và mở rộng mối liên hệ sống còn giữa nghiên cứu với ứng dụng, từ thực tiễn đến lý luận.
Tổ chức một đề tài khoa học, do đó, không phải chỉ là vạch đề cương, phân công viết bài, tổ chức hội thảo và nghiệm thu, bất chấp sự phát triển của thực tiễn.
Hai là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận phù hợp với yêu cầu phát triển lý luận
Vấn đề này liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống khoa học xã hội. Sự phù hợp giữa người làm khoa học với bản thân khoa học là một nguyên lý phát triển khoa học. Có thể suy nghĩ từ định nghĩa của Lênin về lý luận Mác: “Lý luận Mác là một sự tổng kết kinh nghiệm đã được thế giới quan triết học sâu sắc và những kiến thức rộng về lịch sử soi sáng”. Theo định nghĩa này, lý luận Mác không ngừng phát triển thông qua tổng kết thực tiễn. Nhưng ai sẽ làm được công việc đó? Rõ ràng là việc tổng kết thực tiễn nâng lên thành lý luận chỉ đạt được ở những con người: có thế giới quan đúng đắn, có hiểu biết lịch sử sâu rộng. Đó là những con người có tri thức và phẩm chất tốt, trung thực và sáng tạo. Chính Mác đã nói rằng “Không có con đường vương giả trong khoa học”. Người làm khoa học phải chứa đựng trong họ phẩm chất của nhà khoa học ở thời đại mới.
Lịch sử để lại cho đất nước một đội ngũ cán bộ khoa học được tập hợp từ nhiều nguồn, với những thế mạnh, yếu khác nhau. Phải từ thực tế ấy và đặc biệt xuất phát từ nỗi đau về tình trạng đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng một đội ngũ các nhà khoa học mạnh, với những con người có thế giới quan và phương pháp đúng, có ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, tận tâm tận lực cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển đất nước.
Ba là, xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa cá nhân và tập thể khoa học
Tài năng cá nhân và sự hợp tác của một tập thể là hai kênh của sự phát triển khoa học. Tài năng cá nhân luôn luôn là nhân tố quyết định thành công của nghiên cứu.
Bài học quản lý khoa học là, một mặt phải khắc phục tư tưởng bình quân, dàn hàng ngang, “sống lâu lên lão làng”... trong khoa học. Mặt khác, phải biết đánh giá, phát hiện sớm các tài năng trẻ, quý trọng và khai thác sự tích luỹ bề dày của nhà khoa học lâu năm. Phải tạo môi trường để các nhà khoa học thử thách trong thực tiễn biến đổi, để họ tự giành lấy uy tín khoa học từ một xã hội đang biến đổi.
Công tác quản lý coi trọng phát huy cá nhân còn thông qua xây dựng các tập thể khoa học, xây dựng truyền thống khoa học liên tục, với những ưu thế riêng của nó. Một tổ chức khoa học mạnh phải do cấu thành của hoạt động khoa học quyết định, chứ không phải mệnh lệnh hành chính, quan liêu.
Ngoài ra, không thể có tập thể khoa học tốt, nếu không có “đầu đàn” và người lãnh đạo đứng đầu tập thể có uy tín khoa học trong xã hội, có năng lực tập hợp, liên kết, thúc đẩy các cá nhân, hướng họ vào mặt mạnh của bản thân, bảo vệ họ trước tác động xấu của môi trường. Hiệu quả của người lãnh đạo khoa học không phải là viết và giảng nhiều, chủ trì nhiều cuộc họp, nhiều đề tài mà là tạo ra “sức mạnh của số nhân”, chứ không phải “số cộng”.
Bốn là, tổ chức triển khai đề tài cần mang tính chất liên ngành
Bất cứ đề tài thực tiễn nào cũng đều là những vấn đề liên ngành. Do đó cần có sự phối hợp liên ngành tuỳ mức độ cần thiết. Không coi trọng tính chất liên ngành không thể phát triển khoa học được.
Nguyên tắc liên ngành trong nghiên cứu và ứng dụng là cơ sở của sự hợp tác giữa cá nhân theo đòi hỏi “chúng ta cần đến nhau, các bên đều có lợi”.
Nguyên tắc này cũng cần áp dụng trong khảo sát điều tra, trong phản biện, nghiệm thu các đề tài khoa học.
Năm là, sự phù hợp giữa người quản lý khoa học với yêu cầu nghiên cứu khoa học
Hoạt động lãnh đạo và quản lý mang tính sáng tạo và tính thực tiễn. Quản lý khoa học cũng đòi hỏi tính sáng tạo, nhạy cảm. Người làm công tác quản lý khoa học phải có trình độ kiến thức, phương pháp và phẩm chất đạo đức trong sáng mới có thể tập hợp, phát huy, đánh giá các cá nhân và tập thể khoa học.
Xét về lâu dài, quản lý khoa học là một nghề cần có “năng khiếu”, cho phép người quản lý có sức nhạy cảm với thực tiễn và quan hệ quản lý, nhìn sớm những trở ngại, phát hiện các tiềm năng, biết nắm khâu yếu của quá trình nghiên cứu.
Quan tâm đến sự phát triển tư duy khoa học cũng như mức tăng thu nhập chân chính của các cá nhân là công việc thường xuyên của hoạt động quản lý. Do đó, cần đến một bộ máy quản lý hoạt động có hiệu quả. Các đòi hỏi của thể chế nhà nước đều phải thực hiện, nhưng qua bộ máy quản lý, chúng được thể hiện dưới những hình thức mang vẻ đẹp của văn hoá, giữa những người có học vấn với nhau. Văn hoá trong lãnh đạo, quản lý khoa học đang trở thành một đòi hỏi mang ý nghĩa hiệu quả lâu dài. Do đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu lý luận là nội dung quan trọng trong sự phát triển nghiên cứu khoa học.
________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015
Nguồn: GS, TS Trần Ngọc Hiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét