Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Nguyên nhân nảy sinh chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy là trào lưu tư tưởng, đường lối chính trị bắt đầu xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào giữa thế kỷ 19 ở Pháp, đến cuối thế kỷ trỗi dậy mạnh mẽ ở nước Nga, do một bộ phận trí thức có sự đồng cảm với giai cấp nông dân, chủ trương xây dựng các “công xã nông thôn” trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Lúc đầu, chủ nghĩa dân túy cũng có vai trò nhất định trong đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột, bất công; tuy nhiên, quá trình phát triển đã ra sức cản trở Chủ nghĩa Mác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng vô sản. V.I.Lenin đã gọi phái dân túy là kẻ thù công khai của phong trào cách mạng Nga. Năm 1894, ông đã viết tác phẩm “Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ-xã hội ra sao” để vạch trần bọn dân túy là những “bạn dân” giả dối, giả hiệu; đồng thời khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng và nông dân là người bạn đồng minh chiến lược của công nhân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 không những đã chứng minh cho những quan điểm khoa học, cách mạng của V.I.Lenin mà còn để lại bài học kinh nghiệm quý giá về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân cùng tầng lớp trí thức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Khác với trước đây, chủ nghĩa dân túy hiện nay là khái niệm được sử dụng để chỉ các trào lưu tư tưởng, khuynh hướng, thủ đoạn chính trị có tính mị dân của cá nhân, tổ chức, chủ trương đánh vào tâm lý đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm tranh thủ sự ủng hộ và lôi kéo quần chúng phục vụ cho mưu đồ, lợi ích chính trị, kinh tế của họ. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân túy không có cơ sở kinh tế, chính trị-xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa” mà chỉ xuất hiện với tính cách là quan điểm, tư tưởng nhỏ lẻ, không thành hệ thống và biểu hiện ở những phát ngôn, hành động của một số cá nhân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Về nguyên nhân xuất hiện các phát ngôn và hành động có tính dân túy, bên cạnh những tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài còn có các nguyên nhân chủ quan như: 4 nguy cơ đã được Đảng ta chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), đến nay vẫn còn tồn tại và có mặt gay gắt hơn. Đáng chú ý, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cùng với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những bức xúc xã hội còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, vai trò nêu gương về lời nói và hành động của một số cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; nhận thức về dân chủ, về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế đã dẫn đến việc thực hiện trên thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu quả, hoặc lẫn lộn giữa dân chủ và dân túy. Những bất cập trong giải quyết một số vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, sự chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng... cũng là những điều kiện để các phát ngôn, hành động dân túy bột phát, nảy nở. Bên cạnh đó, các thế lực phản động, cơ hội về chính trị luôn lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền... để xuyên tạc, chống phá đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động có tính dân túy. Do vậy, chúng ta phải chủ động nhận diện và phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện dân túy trong cán bộ, đảng viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét