Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 

Tiếp tục thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, “Diễn biến hòa bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc. Thực chất, đây là thủ đoạn “chiến thắng không cần chiến tranh”, sử dụng biện pháp phi vũ trang để chống phá, nhằm tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở các nước XHCN. Chúng đã nhiều lần công khai tuyên bố: đối với Việt Nam, Mỹ đã thua trong chiến tranh, bây giờ phải tìm mọi cách thắng trong hòa bình; đã thua trên chiến trường, bây giờ phải thắng trên thị trường. Với mục tiêu đó, tấn công trên mặt trận tư tưởng luôn được các thế lực thù địch coi là “mũi đột phá” hòng làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn tư tưởng, tạo khoảng trống để dần đưa vào hệ tư tưởng tư sản, thủ tiêu hệ tư tưởng XHCN ở nước ta. Với luận điệu: “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm, cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người”, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để các phương tiện thông tin, sự phát triển của internet, các trang mạng xã hội, các loại sách, báo để truyền bá các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; phủ nhận thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã dày công vun đắp; chống phá quá trình đổi mới toàn diện đất nước; bài bác, phủ nhận CNXH và tô hồng chủ nghĩa tư bản, trắng trợn đưa ra yêu sách đòi Việt Nam phải từ bỏ con đường đi lên CNXH. Cụ Thể:

Một là, Phủ nhận và xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, thủ tiêu nền tảng tư tưởng của Đảng 

Thực hiện âm mưu xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN ở nước ta, trước hết, các thế lực thù địch, phản động tấn công vào “trái tim” và “đầu não” của Đảng, tập trung phản kích, phủ định những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác, coi đó là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Ngày 19-5-2018, đài Á châu tự do (RFA) đăng tải bài viết của Blogger với nội dung phản động, bôi nhọ chủ nghĩa Mác, cho rằng: Chủ nghĩa Mác chỉ đúng trong thời kỳ tư bản công nghiệp, còn ngày nay nhân loại đã bước vào thời kỳ văn minh tin học, kinh tế tri thức dựa trên nền tảng công nghệ số, kỹ thuật số nên lý luận của Mác không còn thích hợp. Cổ xúy cho luận điệu phản động này, có ý kiến cho rằng: Mọi sự vật đều có quá trình phát sinh, phát triển và tất yếu có diệt vong nên chủ nghĩa Mác cũng sẽ phải diệt vong; và do vậy: chủ nghĩa Mác chẳng qua là một hiện tượng văn hóa của thế kỷ XIX cần phải đưa vào bảo tàng lịch sử... Chúng không chỉ quy kết sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu chính là sự lạc hậu, lỗi thời của học thuyết Mác về con đường đi lên CNXH. Chúng còn trắng trợn bịa đặt: “CNXH vì đẻ non nên đã chết yểu, đã bị xóa sổ trên toàn thế giới”. Với dẫn chứng, các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaixia không có chủ nghĩa Mác dẫn đường, không có đảng cộng sản lãnh đạo và không đi theo con đường CNXH mà vẫn rất phát triển; chỉ còn vài nước “ngoan cố” như Trung Quốc, Cu Ba và Việt Nam tôn thờ chủ nghĩa Mác. Từ đó, chúng kết luận một cách phản động và bịa đặt: Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn cả tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác.  

Mũi dùi mà các thế lực thù địch lựa chọn để công kích chủ nghĩa Mác là phủ nhận bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết giá trị thặng dư. Chúng lý sự: nhà tư bản có được giá trị thặng dư chính là nhờ đầu óc sáng tạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhờ có vốn và tài quản lý. Chúng cho rằng, trên lĩnh vực phân phối, tư bản đối xử với công nhân rất tốt, trả tiền công cao gấp nhiều lần tiền công của các doanh nghiệp XHCN. Chúng tự huyễn hoặc: ngày nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa, đời sống của công nhân đã khá giả, sự bần cùng hóa chỉ là số ít. Do vậy, lý luận của C.Mác cho rằng mối quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp công nhân dựa trên mâu thuẫn đối kháng về lợi ích là không đúng. Đây là những luận điệu xảo trá, thể hiện rõ mưu đồ của các thế lực thù địch khi cố tình xuyên tạc và phủ nhận bản chất cách mạng của học thuyết Mác, do đó phải bị lên án. 

Hai là, Công kích, bôi nhọ CNXH và phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH

Phủ nhận và xuyên tạc học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, chúng đưa ra luận điệu: mô hình chủ nghĩa cộng sản dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, xây dựng xã hội không còn bóc lột, áp bức và bất công giai cấp chỉ là sự mơ mộng hão huyền. Không khó để nhận ra, đây là luận điệu phản động, bóp méo lịch sử và hiện tại, cố tình phủ nhận những giá trị tốt đẹp của CNXH đang hiện hữu ở Việt Nam. Thế nhưng, luận điệu này cũng đã gây ra sự hoang mang, bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn và khoa học của CNXH cho không ít người. Thậm chí có những người quay giáo trở cờ, vong ơn bội nghĩa, quay lưng với lợi ích quốc gia dân tộc, nối giáo cho giặc, phụ họa với các luận điệu thù địch để công kích, bài bác CNXH, tô hồng chủ nghĩa tư bản.

Đi lên CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, thể hiện khát vọng của Đảng và nhân dân ta. Vậy nhưng, hiện nay vẫn có những giọng điệu lạc lõng của các thế lực thù địch, phản động, vô lý đòi Đảng ta, nhân dân ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đã chọn để đi theo con đường khác, vì chúng cho rằng: đi lên CNXH là con đường sai lầm, “là đưa dân tộc vào chỗ chết”. 

Chúng đưa ra những luận điệu hết sức hàm hồ: kiên định con đường đi lên CNXH, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là lạc nhịp, lỗi thời, là không phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của lịch sử, cần sửa chữa và loại bỏ. Thủ đoạn mà chúng thường dùng là xuyên tạc bản chất nền tảng tư tưởng của Đảng, thông tin sai sự thật, mập mờ đánh lận con đen về tình hình đất nước rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội và một số website, tờ báo nước ngoài có tư tưởng chống phá Việt Nam. Đây là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh đã được V.I.Lênin cảnh báo từ rất sớm: Đặc điểm của chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể hiểu được… 

Tính chất cơ hội hữu khuynh trong luận điệu của các thế lực thù địch còn bộc lộ ở chỗ cố tình lợi dụng sự kiện Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã để phản bác, phủ nhận con đường CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. 

Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật, chúng ta thừa nhận CNXH hiện thực bên cạnh những thành tựu vĩ đại cũng mắc phải sai lầm, yếu kém. Nhưng, CNXH ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là một mô hình cụ thể của CNXH, mang màu sắc riêng có của Liên Xô và Đông Âu. Và, nó sụp đổ là do những sai lầm chủ quan chết người của chính những người đứng đầu đảng cộng sản đã “tự diễn biến” rồi dẫn đến “tự chuyển hóa” và do đường lối cải tổ sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta không thể đánh đồng hiện tượng với bản chất, không thể nhầm lẫn giữa cái riêng với cái chung, và do vậy, không thể đồng nhất mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu với CNXH nói chung, lại càng không thể quy kết sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu thành hạn chế, sai lầm cố hữu, căn bệnh trầm kha của chủ nghĩa cộng sản. 

Ba là, Phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và xuyên tạc đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

Không chỉ phủ nhận con đường đi lên CNXH, tấn công vào đường lối đổi mới và các thành tựu phát triển kinh tế cũng là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Với những luận điệu sặc mùi cơ hội, xuyên tạc, phản động, chúng tấn công thẳng vào mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN ở Việt Nam. Chúng phủ nhận mô hình KTTT định hướng XHCN, mặc nhiên cho rằng kinh tế thị trường chỉ là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản. Với nhận thức lệch lạc và ấu trĩ, chúng lý sự: Kinh tế thị trường, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng XHCN là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau như nước với lửa. Chúng khuyên chúng ta nên bỏ định hướng XHCN, phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa như các nước phương Tây thì nền kinh tế đất nước mới phát triển nhanh được. Những luận điệu cơ hội, phản động này thực chất là nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào con đường phát triển kinh tế mà Đảng ta đã lựa chọn. Những kẻ có tư tưởng ấu trĩ đó có lẽ không phải không biết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam khi lựa chọn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã phải trải qua biết bao trăn trở. Đó là cả một hành trình thay đổi để thích nghi bắt nguồn từ chính đòi hỏi và mệnh lệnh của cuộc sống.

Chúng xuyên tạc rằng: Việt Nam xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử, không thể bình đẳng, do đó sẽ không thể có kinh tế thị trường thật sự; việc lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là bóp nghẹt kinh tế tư nhân và không có tự do cạnh tranh; Đảng Cộng sản nói một đằng làm một nẻo, định hướng con đường XHCN nhưng lại chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Đó đều là những luận điệu thâm độc, đưa ra nhằm định hướng người dân từ bỏ mục tiêu CNXH. Chúng cố tình phủ nhận thực tế là từ sau đổi mới đến nay, Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế thị trường, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển kinh tế nhiều thành phần, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có quyền bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo đúng các quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực; không phân biệt đối xử hay hạn chế khả năng cạnh tranh của thành phần kinh tế tư nhân.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân. Để bảo đảm có một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Đảng ta đã thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN; Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN; Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Ba nghị quyết này đã thể hiện rất rõ quan điểm và quyết tâm của Đảng ta về việc xây dựng một nền KTTT mang tính cạnh tranh cao, công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30-12-2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”.  Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP, 30% vào ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động(3). Những thay đổi trong chủ trương, chính sách đã tạo ra những động lực to lớn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta. Đảng ta đã nhận thức rất đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân là một trong số các thành phần kinh tế bình đẳng, cùng cạnh tranh lành mạnh theo đúng các quy định của pháp luật. Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay không tồn tại sự phân biệt đối xử, kỳ thị hay ngăn trở kinh tế tư nhân như luận điệu mang tính xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, phản động. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tỉnh táo nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, từ đó có nhận thức đúng đắn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Dảng cộng sản Việt Nam./.

1 nhận xét:

  1. Cần phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp coi thường kỷ cương phép nước

    Trả lờiXóa