“Thao túng tâm lý” là cách thức tác động tâm lý nhằm ảnh hưởng, chi phối, kiểm soát nhận thức, cảm xúc, hành vi của người khác theo một mục đích nào đó. Nhờ triệt để lợi dụng các quy luật, đặc điểm tâm lý, cách thức này có thể kiểm soát, điều khiển tâm lý con người diễn biến theo chiều hướng nhất định. Cơ chế “thao túng tâm lý” diễn ra theo nhiều kênh tác động khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kênh thông tin. Bằng số lượng, nội dung và cách đưa thông tin đến người tiếp nhận, có thể kiểm soát, điều khiển được nhận thức, cảm xúc, hành vi của người đó.
Ở nước ta, theo thống kê, đến nay có khoảng 77 triệu người dùng
mạng xã hội (MXH), tương đương 78,1% dân số, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở
lên, trong đó người dùng Facebook là 70,4 triệu người. Theo đó, các thế lực thù
địch, phản động triệt để lợi dụng cơ chế “thao túng tâm lý” và đặc tính của MXH
để thao túng, kiểm soát tâm trí con người. Có thể chỉ ra một số cách thức của
thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang tiến
hành.
Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt. Thông qua các
trang web, blog, các trang MXH như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok... chúng ra
sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng công cuộc
đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, hòng hạ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối
đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân. Chúng
thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ,
đảng viên, qua đó gây hoang mang, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là
trước những vấn đề nhạy cảm tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người
dân gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mục tiêu của thủ đoạn “thao túng tâm lý” dù xem xét dưới góc độ
nào: Tâm lý hay chính trị, trước mắt hay lâu dài, ngấm ngầm hay công khai đều
mang tính chất phản nhân văn, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của con người.
Thực chất đó là một trong những thủ đoạn của cuộc chiến tranh tâm lý, cuộc chiến
chống lại con người.
Để phòng, chống có hiệu quả thủ đoạn này, giải pháp hàng đầu là
quan tâm xây dựng sự vững vàng về tâm lý cho cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân dân. “Vững vàng tâm lý” thể hiện ở kiến thức, quan điểm và niềm tin vào Đảng,
Nhà nước và chế độ; là khả năng kịp thời nhận diện, phản bác thông tin xấu độc,
bịa đặt, thủ đoạn tuyên truyền chính trị của kẻ thù; khả năng nắm vững quan điểm
chính trị trong ứng xử các vấn đề xã hội. “Vững vàng tâm lý” hoàn toàn khác với
các hiện tượng “đứng ngoài chính trị”, “thờ ơ chính trị”.
Từ thủ đoạn “thao túng tâm lý”, các thế lực thù địch luôn tiến
công vào những nơi mà ý thức của con người mù mờ nhất, tập trung chủ yếu vào
lĩnh vực tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân, đánh vào những nhu cầu, mong muốn, ước
vọng không được thỏa mãn của con người. Để có được sự “vững vàng tâm lý”, cần hạn
chế, thu hẹp đến mức nhỏ nhất những “mảnh đất màu mỡ” cho thủ đoạn này.
Trong bối cảnh thời đại thông tin bùng nổ hiện nay, cần chủ động,
kịp thời cung cấp, định hướng, kiểm soát thông tin và định hướng dư luận xã hội.
Việc chậm trễ thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội
đã làm nảy sinh ở quần chúng nhân dân những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng;
ở mức độ đơn giản là những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã
hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào luật pháp và bộ máy công quyền; ở mức độ
phức tạp còn làm cho một số người có thái độ ngờ vực, thậm chí thay đổi quan điểm
chính trị.
Vì vậy, trước những sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...
nhất là những sự kiện phức tạp, nhạy cảm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận
xã hội, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng
và định hướng suy nghĩ, hành động theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân
dân.
Việc làm cần thiết hiện nay là nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm
soát, quản lý thông tin, phòng, chống tin giả, tin đồn, thông tin xấu độc trên
không gian mạng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm
tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm
các quy định về thông tin sai trái, xuyên tạc để xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật.
Giải pháp căn cơ là chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Ngày nay, khi mục tiêu "đầu độc" và chiếm lĩnh tâm hồn con người đang
và sẽ là mục tiêu chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động thông qua thủ đoạn
“thao túng tâm lý” thì việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh càng có ý
nghĩa quan trọng. Môi trường văn hóa lành mạnh đủ sức chống lại những tác động
của thủ đoạn “thao túng tâm lý” cần phải tạo được những rung động, những trạng
thái cảm xúc tích cực ở đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân về đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như những giá trị ưu việt của chế độ XHCN.
Cùng với đó, xây dựng lòng tự hào của mỗi người dân về nền văn
hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, quán triệt và thực hiện tốt lời
chỉ dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức
ngày 24-11-2021 tại Hà Nội: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn
liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản
văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ.
Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn
hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát
triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước”. Xây dựng chính
sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất các sản phẩm có
giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của nhân dân theo phương châm “lấy
xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, "lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực"./.
Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng
Trả lờiXóa