Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

NHỮNG LỜI RĂN DẠY BÁC: VỀ CHỮ ĐỨC, CHỮ TÀI CỦA NGƯỜI CÁN BỘ!

     Theo Người: cán bộ mà không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đã hơn nửa thế kỷ qua, những lời răn dạy ấy ngày càng thấy thấm thía, mãi đến hiện nay vẫn đầy đủ giá trị.
Sau khi cách mạng giành chính quyền, Bác kính yêu đã nghĩ ngay đến việc tìm người tài đức để kiến thiết đất nước: trên báo Cứu quốc 20/11/1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. 
Người cũng thường nói đến đức và tài của người cán bộ:
     “Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước”.
     Có đức thôi chưa đủ mà còn phải có tài; đức và tài hòa vào nhau, hỗ trợ nhau làm nên phẩm chất người cách mạng.
     Bác kính yêu luôn nói: "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".
     Đảng phải nuôi dạy cán bộ, phải trọng nhân tài, trọng mỗi người có ích cho công việc chung; phải hiểu rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc.
     Phải khéo dùng cán bộ, tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.
Người căn dặn “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.
Điều ấy hiển nhiên như một quy luật “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo”.
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống”, không thể tự nhiên mà có. Tạp chí Học tập, số 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết Đạo đức cách mạng: ..nâng cao đạo đức cách mạng, để chống lại chủ nghĩa cá nhân bởi nó: “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”.

Theo Người, vì chưa gột sạch được chủ nghĩa cá nhân, nên có đảng viên kể công với Đảng, có ít nhiều thành tích thì đòi ưu đãi, đòi danh dự, địa vị, đòi hưởng thụ, nếu không thỏa mãn yêu cầu thì oán trách Đảng, cho rằng không có tiền đồ, “bị hy sinh”, rồi dần dần xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng,... Đó là những thứ trái ngược với đạo đức cách mạng mà người cán bộ không dễ gì lúc nào cũng thắng được.

Chính vì thế năm 1969, dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Người lại viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đăng trên Báo Nhân Dân, mang tính tổng kết thực tiễn, phát triển tư tưởng về đạo đức cách mạng.
Hơn bao giờ hết, mỗi người cán bộ phải nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét