Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023
"Nói đi đôi với làm" - Một chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức và thực hành đạo đức
Nói đi đôi với làm” là một trong những nguyên tắc căn bản của đạo đức cách mạng, là biểu hiện sinh động, cụ thể của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc và thực hành thường xuyên, hằng ngày trong công việc và đời sống. Vì vậy, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về “Nói đi đôi với làm” là nhiệm vụ quan trọng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, thực hiện.
Để hiểu thấu lời dạy của Người - Giá trị và ý nghĩa
“Nói đi đôi với làm” được diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, mọi cách diễn đạt có thể khác nhau về mức độ, sắc thái, cả hình thức biểu đạt bằng ngôn từ, nhưng tất cả đều có một điểm chung, một điểm nhấn quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự thống nhất, tính nhất quán về mục đích hành động, động cơ tranh đấu, biện pháp thực hành trong lối sống, lẽ sống ở đời và làm người của người cách mạng.
“Nói đi đôi với làm” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất, sự gắn liền giữa nhận thức với hành động; lời nói và việc làm phải tương xứng với nhau, phải phù hợp với nhau, không được mâu thuẫn, trái ngược. Để xảy ra tình huống mâu thuẫn, trái ngược này là mắc vào một lỗi lớn, không chỉ là lỗi về tư duy, mà còn là lỗi lớn hơn, nặng hơn về đạo đức; do đó, nói đi đôi với làm là tiêu chí về đức tính trung thực. Ngược lại, nói không đi đôi với làm là bằng chứng của sự giả dối, dối trá, trước hết là thói vô trách nhiệm và thiếu vắng lòng tự trọng. Mệnh đề “nói đi đôi với làm”, quen thuộc, ngắn gọn, giản dị như chân lý của đời sống, hiển nhiên ai cũng hiểu như một lẽ phải thông thường, vậy mà trên thực tế, lại có biết bao nhiêu tình huống phức tạp vẫn xảy ra.
Suy ngẫm và trải nghiệm từ các sự kiện, việc làm, ứng xử với người, với việc, ngay cả với chính mình, chúng ta ngày càng tự ý thức rằng, hóa ra nói đi đôi với làm là chỗ khó nhất ở đời, để thực hiện được không chỉ cần sự hiểu biết, có lý trí, nghị lực và quyết tâm, mà còn cần có tình cảm, đạo đức trong sáng, hướng thiện. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đời thường ta gọi đó là sự tử tế, lương thiện. Nói đi đôi với làm đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên biết tự vấn lương tâm, biết tự trọng mình và tôn trọng người khác, cao nhất là trọng dân, vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội (ngày 16-7-1960)_Nguồn: hochiminh.vn
Đạo đức có vai trò rất quan trọng và nổi bật trong đánh giá về một con người đến mức, người mà “nói đi đôi với làm”, trong đánh giá của xã hội là người có đạo đức, chứ không nói đó là người có học vấn, học thức. Lẽ dĩ nhiên, học vấn, học thức rất cần thiết để sống ở đời, để vào đời, dấn thân, khởi nghiệp, lập nghiệp. Chính vì thế, nói đi đôi với làm, muốn thực hiện được ở mỗi người, thì đòi hỏi người đó phải có đạo đức; đồng thời, phải thực hành đạo đức thường xuyên, tự giác, bền bỉ và lâu dài.
Thống nhất giữa nói và làm sẽ làm cho con người trưởng thành về đạo đức, về nhân cách, làm cho người đó có đạo đức tốt hơn, để hoàn thiện nhân cách của mình. Đức là gốc, gốc của nhân cách, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh, nói đi đôi với làm không chỉ là yêu cầu nghiêm ngặt của đạo đức, mà nó còn phải trở thành văn hóa đạo đức, là thước đo văn hóa đạo đức, văn hóa nhân cách. Trên thực tế, không thiếu gì trường hợp, con người ta có thể có học vấn tốt, học thức cao, mà vẫn chưa đạt tới chuẩn mực “nói đi đôi với làm”. Những người đó, không chỉ tách rời giữa lời nói với việc làm, mà còn tệ hơn, xấu hơn khi “nói một đằng làm một nẻo”. Như thế, người tuy có học vấn, học thức, mà vẫn có thể giả dối về đạo đức và cơ hội về chính trị.
Trung thực và có bản lĩnh để giữ trọn vẹn lòng trung thực, tính trung thực, biến nó thành nhu cầu trong việc làm, trong lối sống và trong ứng xử, để “trí minh tâm sáng”; nhờ đó, nói đi đôi với làm trở thành đặc trưng trong lối sống, lẽ sống. Con người có đạo đức biết tự vấn lương tâm để hiểu điều phải và không phải, nên và không nên, tốt và xấu, đúng và sai,... cũng chưa đủ; mà phải hành động theo cái đúng, cái tốt, cái đẹp (Chân - Thiện - Mỹ - những giá trị văn hóa) và tự vượt lên chính mình, đánh bại chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm” nguy hiểm nhất, vô hình, ẩn nấp ở ngay trong lòng mỗi người. Đó chính là biểu hiện của “nói đi đôi với làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta rất tỉ mỉ, sâu sắc như thế; hơn nữa, Người còn suốt đời thực hành “nói đi đôi với làm”, nêu gương cho mọi người noi theo.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, viết từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở đầu tác phẩm bằng cách nêu rõ: “Tư cách một người cách mệnh”(1). Một tác phẩm lý luận, viết trên lập trường, quan điểm mác-xít, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, đặt nền móng tư tưởng lý luận, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng vào năm 1930, nhưng lại nhấn mạnh trước hết vào đạo đức, vào “tư cách một người cách mệnh”; điều đó có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và những trù tính chiến lược của Người. Cách mạng là một sự nghiệp vĩ đại, phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển. Người cách mạng, đảng cách mạng, muốn thực hiện được sự nghiệp vĩ đại đó, trước hết phải có đạo đức.
Thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử của các đảng cộng sản đã từng lãnh đạo và cầm quyền, chỉ vì suy thoái về đạo đức, dẫn đến tự đánh mất vai trò lãnh đạo, địa vị cầm quyền của mình, tan rã và sụp đổ, như điều đã xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, đã xác nhận tính đúng đắn và sáng suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Người nêu lên từ rất sớm, ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời những điều hệ trọng, như phải “Giữ chủ nghĩa cho vững”, đồng thời “Ít lòng tham muốn về vật chất”(2). Người nêu rõ trong “tư cách một người cách mệnh” ba mối quan hệ, với 23 tiêu chí, yêu cầu cần phải thực hiện. Đó là những chuẩn mực về đạo đức mà mỗi cá nhân phải thể hiện trong thái độ, trong ứng xử, trong việc làm và hành vi, với tự mình, với người khác, với công việc, mà tổ chức, đoàn thể giao cho. Trong 23 tiêu chí, yêu cầu nêu ra, Người dành tới 14 yêu cầu đối với bản thân mỗi người, mà Người gọi là “tự mình phải”, 5 yêu cầu đối với người khác và 4 yêu cầu đối với công việc.
Trong 14 yêu cầu “tự mình phải”, nổi bật yêu cầu nói đi đôi với làm, “nói thì phải làm”(3). Đủ thấy, theo Người, việc tự mình rèn luyện đạo đức quan trọng biết nhường nào. Tự mình có đạo đức, thì mới có thể biểu hiện thành ý thức và tình cảm đạo đức mà đối xử với người, với đồng chí, bạn bè, với dân chúng, đồng bào, nêu gương về tính trung thực, khiêm tốn, vị tha, khoan dung, nhân ái. Người đòi hỏi, với mình phải nghiêm, với người phải rộng lòng khoan thứ; phải tận tụy, trách nhiệm trong công việc, cương trực, thẳng thắn, tôn trọng tổ chức, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, không hiếu danh, không kiêu ngạo. Sau này, khi cách mạng đã thành công, Đảng đã cầm quyền, Người vẫn luôn nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải ra sức tu dưỡng đạo đức, liên hệ mật thiết với dân chúng, phải dân chủ, chứ không biến thành “quan chủ”, phải là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của nhân dân, chứ không lên mặt “quan cách mạng”, dẫn tới chỗ xa dân, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền. Phải sống và làm việc sao cho nhân dân tin tưởng, nhân dân yêu mến, nếu có lỗi với nhân dân phải thật thà xin lỗi và có quyết tâm sửa lỗi. Dân vận là việc rất quan trọng, có nhân dân giúp sức, thì việc khó mấy cũng làm được, không có nhân dân giúp đỡ, không được nhân dân ủng hộ, thì dù có tài giỏi mấy, cũng không làm nên việc gì. Bởi vậy, trong sáu điều dạy cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tháng 3-1948, Người đặc biệt nhấn mạnh, tư cách người công an cách mạng là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính./ Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ./ Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành./ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép./ Đối với công việc, phải tận tụy”(4). Với chiến sĩ quân đội nhân dân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” phải “Trung với Đảng, trung với Nước, hiếu với Dân”,... Những lời dạy quý báu đó của Người không chỉ dành riêng cho công an và quân đội, mà còn chung cho tất cả cán bộ, đảng viên, cho mỗi người cách mạng. Toát lên từ những lời dạy ấy là thước đo đạo đức “nói đi đôi với làm”, đã “nói thì phải làm”.
Để đạt được sự thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm, nói thì phải làm, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết, gắn liền học với hành, “tri để hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn; đồng thời, phải rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân, không vụ lợi, vị kỷ, để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chống chủ nghĩa cá nhân, thì phải chống những thói hư tật xấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là những chứng bệnh phải tẩy sạch trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, được Người viết năm 1947 với bút danh X.Y.Z. Ba căn bệnh mà Người chỉ rõ là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa, phải tự phê bình và phê bình nghiêm khắc khi mắc vào những bệnh rất có hại ấy và phải quyết tâm sửa chữa trong tư tưởng và trong hành động, trong các mối quan hệ.
Vào dịp kỷ niệm sinh nhật Đảng lần thứ 39, ngày 3-2-1969, Người đã có bài viết quan trọng đăng trên Báo Nhân Dân, với chủ đề: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là tác phẩm Người viết vào cuối đời, vẫn chỉ xoay quanh chủ đề đạo đức cách mạng, với thiết tha mong muốn và đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải nói đi đôi với làm, phải đánh bại “giặc nội xâm”, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nêu cao trách nhiệm, sự gương mẫu, đức hy sinh, suốt đời vì Nước vì Dân, Ái Quốc để Ái Dân, Ái Dân vì Ái Quốc, đúng như tên gọi của Người.
Tóm lại, để lời nói đi đôi với việc làm, thống nhất giữa nói và làm, nói thì phải làm, mỗi cá nhân phải có động cơ, mục đích sống đúng đắn, chân chính, có đức trung thực và khiêm tốn, đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết; có ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có dũng khí, bản lĩnh đứng ngoài vòng danh lợi, tuyệt đối không màng danh lợi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành và nêu gương.
Giá trị và ý nghĩa sâu xa từ lời dạy của Người, thống nhất giữa nói và làm, nói thì phải làm, chính là bài học làm người, là thực hành đạo đức cách mạng, coi phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất, làm đầy tớ, công bộc cho nhân dân, tận tụy và trung thành là lựa chọn lối sống, lẽ sống cao thượng nhất, như tấm gương đạo đức vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng cho mọi người, cho muôn đời noi theo.
Trong Di chúc để lại cho toàn dân, toàn Đảng, Người đã viết những dòng thiết tha, cảm động, bởi Người là hiện thân cao cả nhất của đức hy sinh, dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Người viết: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(5). Đó là tiếng nói từ trái tim của Người, làm rung động muôn triệu trái tim đồng bào, đồng chí của Người, cũng như mọi tấm lòng bè bạn khắp năm châu. Cuộc đời và sự nghiệp của Người, với tư tưởng - đạo đức và phong cách của Người, là minh chứng sinh động và cảm động nhất về sự thống nhất giữa nói và làm.
Để học tập và làm theo những chỉ dẫn cao quý của Người
Sinh thời, Người căn dặn chúng ta không chỉ nói đi đôi với làm, nói thì phải làm - đó là nguyên tắc sống, mà còn chỉ dẫn cho chúng ta điều thiết thực; “nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động” - đó là phương châm sống, là thực hành lối sống. Thực hành nguyên tắc và phương châm sống như thế, xét đến cùng, cũng chỉ vì nhân dân, vì cuộc sống của nhân dân, vì lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Lo cho nhân dân thì phải hành động, phải bằng việc làm chứ không dừng lại ở lời nói. Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, sau lễ tuyên bố độc lập, Người đã đề nghị Chính phủ phát động trong toàn dân, mỗi người cứ mười ngày nhịn ăn một bữa để có gạo giúp người dân bị đói và Người đã nghiêm khắc thực hiện điều đó như một tấm gương. Nghĩa cử cao đẹp đó của Người đã có sức thúc đẩy và lan tỏa rộng khắp, đó thực sự là Chính phủ của dân, vì dân. Lời nói đi đôi với việc làm của Người đã tạo dựng một Chính phủ liêm chính bằng sự gương mẫu của người đứng đầu. Để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì Nước, Người chính thức thông báo với toàn thể quốc dân đồng bào để mọi người được biết, Người sẽ nhận tất cả các con liệt sĩ là con mình. Người chuyển tiền lương của Người cho bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh đầu tiên của Việt Nam để cứu tế xã hội, góp thêm phần quà cho các cháu như một niềm động viên an ủi, thấm đẫm tình thương yêu của Người.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt 133 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày 13-5-2023_Nguồn: TTXVN
Để có nhân tài giúp nước, Người gửi thư cho đồng bào trong cả nước, nhờ dân giúp đỡ Chính phủ tìm kiếm các bậc tài đức, mách bảo với Chính phủ để Chính phủ trọng dụng. Bản thân Người đã đích thân lựa chọn, thuyết phục, động viên các bậc nhân sĩ, trí thức đem tài năng, tâm huyết của mình ra giúp nước, giúp dân và sắp đặt họ vào những công việc xứng đáng, cảm hóa, thu phục họ với tất cả lòng thành, tin cậy và quý trọng.
Người đã thực hành lối sống tiết kiệm, tiết kiệm đến mức khắc khổ, dành cho dân chúng phần tối đa, dành cho mình phần tối thiểu, bởi Người hiểu rõ hơn ai hết, mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều từ mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Theo Người, thương dân thì phải biết tiết kiệm, còn lãng phí tức là không thương dân; tham ô, tham nhũng là làm hại dân, có tội với dân, với nước. Người chỉ rõ, phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị nào. Vì bảo vệ cái thiện, mà cái thiện lớn nhất là dân, nên phải nghiêm trị cái ác, trừng trị tham ô, tham nhũng như trừng trị một tội ác, bởi giặc nội xâm cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm, thậm chí còn nguy hiểm hơn, vì nó phá từ trong phá ra, hại dân hại nước, làm ô uế, tổn thương tới uy tín, thanh danh của Đảng. Bản Quốc lệnh của Người và sự kiên quyết thi hành Quốc lệnh của Người từ năm 1946 là một minh chứng lịch sử cụ thể.
Người dạy, thanh niên phải ham học, ham làm, ham tiến bộ, chỉ có một điều ham muốn đó thôi, phải rèn chí khí, phải nuôi dưỡng hoài bão lớn sao cho ích quốc, lợi dân, phải tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy của tiền bạc, địa vị, chức quyền, bởi những thứ đó dễ làm hư hỏng con người. Bản thân Người đã nêu gương sáng cho cán bộ, đảng viên, cho thế hệ trẻ và cho toàn dân từ những điều Người nói bằng những việc làm. Và Người đã chiêm nghiệm rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(6), đã đúc kết “gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Người nổi bật ở thực hành với năm thực hành lớn, tiêu biểu nhất, đó là:
- Thực hành lý luận gắn liền với thực tiễn. Người nhấn mạnh: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận và lý luận lãnh đạo thực hành.
- Thực hành dân chủ. Suốt đời, Người phấn đấu thực hành dân chủ, nước độc lập thì dân là chủ và dân làm chủ. Theo Người, từ Chủ tịch nước đến các nhân viên trong các công sở đều phải nêu cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, là đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân, tiếp thu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, làm gương cho nhân dân noi theo, trọng dân gắn liền với trọng pháp. Người suốt đời gần dân, tin dân và thương dân. Chỉ tính riêng 10 năm cuối đời, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, mà Người vẫn vô số lần về với nhân dân ở cơ sở, đặc biệt là với nông dân ở nông thôn.
Thực hành dân chủ là một trong những thực hành rất tiêu biểu của Người, là tấm gương cho tất cả mọi người noi theo, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền. Phải làm đúng phận sự, quyền hành mà nhân dân ủy thác, giao phó để thực hiện các quyền của nhân dân, thực hành dân chủ để chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực. Thực hành dân chủ tập trung hay tập trung dân chủ để bảo đảm cho Đảng là một tổ chức mạnh, kỷ luật nghiêm, có sức chiến đấu, thống nhất ý chí và hành động để Đảng vì nhân dân và nhân dân tin Đảng, theo Đảng đến cùng.
- Thực hành dân vận: Người là bậc thầy về dân vận và suốt đời chăm lo cho công tác dân vận. Người căn dặn và tự mình nêu gương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm “Dân vận khéo”, “phải thật thà nhúng tay vào nhiệm vụ, không bỏ sót một người nào”, “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” để nhân dân tin, nhân dân ủng hộ, nhân dân làm theo.
- Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết: Người chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân; đồng thời, ra sức củng cố tinh thần đoàn kết, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, với các đảng anh em trong phong trào cộng sản quốc tế. Suốt đời thực hành đoàn kết, Người là hiện thân, là linh hồn của đại đoàn kết toàn dân tộc, Người đã tổng kết thành nguyên lý:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Đặc biệt cảm động là những lời căn dặn của Người trong Di chúc, yêu cầu mỗi đảng viên và tổ chức đảng phải “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, mà ngày nay Đảng ta đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
- Thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Có thể nói, đó là “thực hành của mọi thực hành”, xuyên suốt và thấm nhuần trong mọi thực hành khác. Người là mẫu mực về đạo đức cách mạng, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân. Người nêu cao bản lĩnh và dũng khí đánh bại chủ nghĩa cá nhân, lại hết lòng nâng niu giá trị con người, quan tâm tới nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Từ những thực hành đó, Người suốt đời thực hiện nói đi đôi với làm, thống nhất giữa nói và làm. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ công việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đến trù tính định liệu tương lai, lo việc đối nội và đối ngoại, gây dựng phong trào và lực lượng, ngày đêm suy nghĩ tìm tòi chăm lo việc Nước, việc Đảng, việc Dân... cho đến những việc làm đời thường trong sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, thanh đạm hằng ngày, Người luôn nhất quán giữa nói và làm, nói ít làm nhiều, nhiều khi chỉ làm mà không nói, tự việc làm toát lên tư tưởng.
Bởi thế, trên tư cách một nhà tư tưởng, một triết gia, triết học của Người dường như là “triết học vô ngôn”. Người nói ngắn, viết ngắn, rõ ràng, khúc chiết, trong sáng, giản dị, không cao đạo, không hàn lâm, sách vở, xa lạ với những đại ngôn, phù phiếm, rỗng tuếch, mà luôn gần gũi với lời ăn tiếng nói, cách suy nghĩ, tâm trạng, ý nguyện của dân, bởi suốt đời Người tự coi mình là đầy tớ, công bộc của dân, gần dân, vì dân, nên luôn thấu hiểu dân tình, dân sinh, dân ý, dân nguyện. Cho đến phút cuối cùng, Người cũng chỉ nghĩ về dân. Người nói “không thể bỏ dân mà đi được”. Câu nói ấy của Người mãi mãi lắng đọng vào lịch sử, là kết tinh tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người...
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào lúc này, khi đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới, hướng tới sự phát triển bền vững, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và tăng cường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đồng thời, khi Đảng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự gắn kết “Ý Đảng với lòng Dân” và trở thành phép Nước... thì một trong những điều thiết thực nhất là thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm, nói thì phải làm, theo tấm gương của Người.
Đó là cách tốt nhất để dân tin Đảng thông qua tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đó cũng là điều cần nhất vào lúc này, để nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn liền “xây” với “chống”, “kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” đúng như dự kiến ban đầu của Người khi đặt tên cho bài báo lúc cuối đời. Thống nhất giữa nói và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ hơn 5 triệu đảng viên của Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với gần 100 triệu dân; khi có nhân dân hỗ trợ, thúc đẩy, giám sát, kiểm tra,... thì nhất định sẽ làm cho Đảng xứng đáng là Đảng chân chính cách mạng, là đạo đức, là văn minh./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét