Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung
ương (sau đây gọi là Nghị quyết 847) đề cập đến hai thành tố quan trọng, có mối
quan hệ biện chứng là “phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” và “kiên quyết chống chủ
nghĩa cá nhân” trong tình hình mới.
Trong đó, việc chống chủ nghĩa cá nhân (CNCN) được xác định
là vấn đề cần kíp, có tính thời sự đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân. Vậy
CNCN cần được hiểu như thế nào cho đúng?
Vấn đề chống CNCN được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “CNCN là việc
gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của
tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy...”. Người đưa ra kết luận:
"CNCN đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ
quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những
người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho
cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, CNCN không chỉ làm hỏng cán bộ,
mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, biến chất, giảm năng lực lãnh đạo, sức
chiến đấu của Đảng, bởi vì, “do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ
chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối,
chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của
nhân dân”. Do đó, Người khẳng định “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội (CNXH) không
thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ CNCN”. Và chỉ khi giành thắng
lợi trong cuộc đấu tranh chống CNCN, mới xây dựng được cơ sở vật chất của CNXH,
không thể đi lên CNXH khi CNCN vẫn còn tồn tại và phát triển.
Nuôi dưỡng văn hóa Bộ đội Cụ Hồ: Chủ nghĩa cá nhân, hiểu
đúng để chống hiệu quả
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Bộ chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân huyện Tây Giang dựng lại nhà sau bão số
9. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí
lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị qua các thế hệ,
các thời kỳ cách mạng đều thể hiện rõ quan điểm, thái độ đấu tranh, đẩy lùi
CNCN trong Quân đội ta. Trong đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ
Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người có nhiều tư tưởng, quan
điểm toàn diện và cụ thể về CNCN và chống CNCN. Đồng chí đã làm rõ nguồn gốc,
hoàn cảnh phát sinh CNCN trong Đảng và trong quân đội; biểu hiện của CNCN, hình
thái và sự phát triển của nó; phương hướng khắc phục CNCN. Theo Đại tướng Nguyễn
Chí Thanh, CNCN là sản phẩm của chế độ tư hữu và chủ yếu là của giai cấp bóc lột;
đồng thời biểu hiện của CNCN là vấn đề tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo,
địa vị, đòi hỏi hưởng thụ...
Từ những quan điểm trên cho thấy, Nghị quyết 847 của Quân ủy
Trung ương xác định việc chống CNCN trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn đúng
đắn, có tính kế thừa, phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn mới. Thể hiện rõ tư
tưởng đấu tranh triệt để, vì chống được CNCN tất yếu sẽ ngăn ngừa được tất cả
các căn bệnh nảy sinh, phòng, chống hiệu quả mọi biểu hiện suy thoái, biến chất
về đạo đức, lối sống và các dấu hiệu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ. Qua đó, xây dựng con người, tổ chức trong quân đội ngày càng vững mạnh,
hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là giải
pháp căn cơ, gốc rễ, tạo nền tảng cho việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Thực tế cho thấy, cán bộ, chiến sĩ khi đối mặt với kẻ thù
ngoài mặt trận, nơi chiến tuyến, tuy gian khổ, hy sinh, mất mát, song vẫn có thể
giành thắng lợi, còn đối mặt với CNCN vô cùng phức tạp trong nhận diện, khó
khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là những thói hư, tật xấu tồn tại ngay
trong chính bản thân mỗi người, trong đồng đội, đồng chí, anh em, cấp trên-cấp
dưới... ở chính tập thể, cơ quan, đơn vị mình.
Những năm gần đây, một
số cán bộ, đảng viên trong quân đội đã ít nhiều có biểu hiện sa vào CNCN. Tuy số
lượng nhỏ lẻ, chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng gây nhiều ảnh hưởng
đến hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; gây mất đoàn kết và làm giảm sức mạnh của
tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội. Trước thực tế đó, với tinh thần nhìn thẳng
vào sự thật, Nghị quyết 847 chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ
Hồ chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý
chí, sa vào CNCN, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của
tình hình, phát ngôn thiếu tính xây dựng, nể nang né tránh, ngại va chạm, làm
việc cầm chừng, tính toán thiệt hơn, xa rời thực tiễn; trong đó có cả cán bộ
cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ
luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại
về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của
quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ”. Trong khi đó, yêu cầu của
việc gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện mới ngày càng
cao. Mặt khác, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường; trước âm mưu, thủ
đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt hòng kích hoạt,
làm nảy nở CNCN trong quân đội, thì yêu cầu đẩy mạnh cuộc chiến chống CNCN trở
nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để giúp các cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ
Quân đội dễ nhận diện, đấu tranh với CNCN, Nghị quyết 847 chỉ rõ 10 dấu hiệu của
CNCN. Trong đó, với từng biểu hiện, Quân ủy Trung ương còn “chỉ mặt, điểm tên”
các dấu hiệu cụ thể trên thực tế. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các cấp ủy, cơ
quan, đơn vị nhận biết, tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi CNCN.
Tất nhiên, việc nhận diện, phát hiện các biểu hiệu của CNCN
là công việc rất khó, do đó, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các cơ quan chức
năng liên quan. Ở mỗi cấp cần quan tâm chọn đúng các dấu hiệu cụ thể đang nảy
sinh ở cơ quan, đơn vị mình để vận dụng, cụ thể hóa, đưa Nghị quyết 847 vào cuộc
sống. Phần việc này cần làm thận trọng, tránh nóng vội; cũng tuyệt đối không áp
dụng một cách rập khuôn, máy móc, không sát với thực tiễn cơ sở.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần thống nhất nhận thức, phân
biệt rạch ròi giữa lợi ích cá nhân với CNCN. Chúng ta luôn nhất quán chủ trương
đề cao vai trò lợi ích chính đáng của cá nhân, coi đây là nguyên nhân quyết định
chủ yếu cho sự tiến bộ, phát triển của mỗi quân nhân; là động lực cho mọi sự nỗ
lực, cống hiến của cá nhân, góp phần xây dựng quân đội và đất nước; bởi lẽ, lợi
ích chính đáng của cá nhân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt
Nam. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống CNCN trong Đảng là tất yếu khách quan, rất
quan trọng, nhưng đấu tranh chống CNCN hoàn toàn không phải là “giày xéo lên lợi
ích cá nhân”. Chống CNCN để bảo đảm cho
lợi ích cá nhân được công bằng và ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Lợi ích chính
đáng của cá nhân là bộ phận cấu thành hài hòa trong lợi ích của tập thể, của xã
hội.
Quán triệt Nghị quyết 847, chúng ta càng thấm thía lời dạy của
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “CNCN là một kẻ địch hung ác của CNXH. Người cách mạng phải
tiêu diệt nó” và những phân tích của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc sinh thời rằng:
Cuộc đấu tranh giữa CNCN và chủ nghĩa tập thể luôn diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
CNCN tuy rất nguy hiểm và ngoan cố, nhưng nó kỵ chủ nghĩa tập thể như lửa kỵ nước.
Chỉ cần mỗi cán bộ, đảng viên có dũng khí đứng lên phất cao ngọn cờ chủ nghĩa tập
thể, nói nhiều về chủ nghĩa tập thể, nghĩ nhiều đến chủ nghĩa tập thể, gây một
phong trào làm việc nhiều cho tập thể, tổ chức đông đảo quần chúng hành động
theo khẩu hiệu “ta vì mọi người, mọi người vì ta”, nhất định chúng ta sẽ thắng
lợi.
NGUYỄN TẤN TUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét