Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

PHÒNG, CHỐNG TIÊU CỰC TỪ NHỮNG VIỆC CƠ BẢN NHẤT

 Tham nhũng, tiêu cực thường xảy ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý. Chính vì vậy, nhiều đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hoặc những đảng viên đã nghỉ hưu thường có suy nghĩ rằng, mình không tham nhũng, tiêu cực vì không có điều kiện để tham nhũng. Điều này nghe có vẻ bình thường và hiển nhiên. Tuy vậy, trong thực tế, có những sự việc gây ra hậu quả lớn lại phát sinh từ những hành động nhỏ, theo như suy nghĩ nói trên của một số người. Đó là câu chuyện xảy ra xung quanh việc sinh hoạt định kỳ của mỗi tổ chức đảng theo quy định.

Sinh hoạt định kỳ của chi bộ là hoạt động chính trị quan trọng của tổ chức đảng ở địa bàn, cơ quan, đơn vị; làm tốt việc này sẽ quyết định tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng đó. Tuy nhiên, hiện nay, có không ít đảng viên chưa nhận thức một cách nghiêm túc, có trách nhiệm về điều này. Vì thế, trong cuộc họp chi bộ, họ thường nói chuyện riêng, mất tập trung, theo dõi các chương trình trong điện thoại thông minh, thậm chí còn sử dụng cả tai nghe để không gây ảnh hưởng tới những người xung quanh. Kết thúc cuộc họp, họ vẫn giơ tay biểu quyết các nội dung, mặc dù chỉ nắm được phần nào hoặc không biết gì về nội dung cuộc họp (?!).
Rõ ràng, những đối tượng này đi họp chỉ để được ghi nhận là có tham gia đầy đủ về mặt hình thức các cuộc sinh hoạt chi bộ thường kỳ mà thôi. Về ý thức, thái độ trong sinh hoạt chi bộ của các trường hợp này, các đảng viên còn lại đều biết, nhưng có lẽ họ đã quá quen với điều này hoặc sợ mất lòng nhau khi góp ý, nhắc nhở nên việc này đã trở thành “căn bệnh kinh niên, mãn tính” trong các cuộc họp; chỉ trong trường hợp “bệnh” lan tràn quá mức, buộc chủ tọa phải yêu cầu giữ trật tự chung, thì mới tạm thời ổn định được tình hình.
Một vấn đề khác cũng đang tồn tại, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sinh hoạt chi bộ định kỳ chính là thời gian họp. Để bảo đảm đúng thời gian họp chi bộ định kỳ cũng không hề đơn giản, vì một số người do thiếu ý thức trách nhiệm, nên có tâm lý muốn họp nhanh để tan họp sớm. Do đó, nhiều vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của chi bộ được chủ tọa nêu ra đã không được thảo luận một cách thấu đáo, không có ý kiến phát biểu thêm và thường được đồng ý thông qua một cách hời hợt, nhanh chóng. Điều đó dẫn đến tình trạng là, có một số việc đáng ra cần thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng trong phạm vi sinh hoạt chi bộ, nhưng vì nguyên nhân trên, nên lại được đưa ra tranh cãi ở bên ngoài phạm vi cuộc họp theo quan điểm cá nhân, dẫn đến những bức xúc không cần thiết, bởi thiếu thông tin cũng như thiếu môi trường sinh hoạt quy củ, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, còn có tình trạng là, mặc dù một số vấn đề thuộc về chức trách, nhiệm vụ của chi bộ mà cán bộ, đảng viên trong chi bộ biết cách giải quyết có hiệu quả, nhưng họ lại không nói ra trong cuộc họp vì sợ mất thời gian của bản thân và bị người khác cho là “quá nghiêm túc và trách nhiệm” (?!).
Những vấn đề trên tồn tại trong thời gian dài là do nhiều nguyên nhân. Trước tiên, phải nói đến năng lực và trách nhiệm của cấp ủy và người lãnh đạo tổ chức đảng nơi đó, khi chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình, chưa phát huy được sức mạnh tự phê bình và phê bình của tập thể để đấu tranh chống những suy nghĩ và hành động không đúng với tư cách người đảng viên cộng sản. Bên cạnh đó, cần phê phán nghiêm khắc ý thức chính trị của một số đảng viên, khi dễ dãi với bản thân, buông thả trong suy nghĩ và hành động; từ đó, trực tiếp tham gia vào hoặc góp phần dung dưỡng những hành vi đáng phê phán nói trên. Về phía những đảng viên có vi phạm, bởi không nghiêm túc học tập và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia sinh hoạt chi bộ không đầy đủ, chưa nghiêm túc..., nên trên thực tế họ đã có những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị.
Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22-9-2017, của Ban Bí thư khóa XII, Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới”, nhấn mạnh: “Cấp ủy đảng các cấp phải có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 10, việc chấp hành chế độ sinh hoạt và việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy viên, cán bộ khi được phân công theo dõi, dự sinh hoạt chi bộ... Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm”.
Những hạn chế trong sinh hoạt chi bộ kể trên tưởng là nhỏ, nhưng chúng lại có tác động xấu không hề nhỏ đối với vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực của tổ chức đảng. Vì thế, để chống tham nhũng, tiêu cực có kết quả, mỗi đảng viên và tổ chức đảng cần bắt đầu từ việc thực hiện thật nghiêm túc, có trách nhiệm và hiệu quả những công việc cụ thể, căn bản. Đó là phải tham gia sinh hoạt chi bộ một cách nghiêm túc, có chất lượng, với thái độ trách nhiệm cao nhất của người đảng viên. Làm tốt những điều đó, mỗi đảng viên và tổ chức đảng sẽ nâng cao ý thức, thái độ chính trị, xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ của mình và quyết tâm thực hiện có hiệu quả dưới sự giúp đỡ, theo dõi của tập thể; qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiến hành với quyết tâm cao./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét