Quản lý trong thực hiện đào tạo trình độ thạc sỹ theo học chế tín chỉ tại Học viện
(LLCT) - Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ, ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, ngày 15-5-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện theo học chế tín chỉ được chính thức thực hiện ở tất cả các cơ sở đào tạo thạc sỹ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2014-2015. Đây là một sự chuyển đổi quan trọng, đòi hỏi rất nhiều thay đổi cả trong nội dung chương trình, giáo trình, trong hoạt động học tập, giảng dạy và cũng như trong công tác quản lý.
Đào tạo theo học chế tín chỉ là một quy trình đào tạo có nhiều ưu điểm, được thiết kế theo kiểu mô đun hoá các môn học, nhằm cung cấp cho người học các cơ hội linh hoạt trong lựa chọn những tổ hợp môn học thích hợp, có thể đáp ứng yêu cầu của các chương trình đào tạo nhất định. Thời gian gần đây, các cơ sở đào tạo của Việt Nam đã từng bước áp dụng thành công phương thức đào tạo này ở bậc đại học và bắt đầu triển khai ở bậc đào tạo thạc sỹ. Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ, ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, ngày 15-5-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện theo học chế tín chỉ được chính thức thực hiện ở tất cả các cơ sở đào tạo thạc sỹ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2014-2015. Đây là một sự chuyển đổi quan trọng, đòi hỏi rất nhiều thay đổi cả trong nội dung chương trình, giáo trình, trong hoạt động học tập, giảng dạy và cũng như trong công tác quản lý.
1. Học chế tín chỉ - một phương thức đào tạo ưu việt
Trải qua lịch sử gần 150 năm, kể từ khi ra đời ở trường Đại học Havard vào năm 1872, học chế tín chỉ đã dần trở nên phổ biến ở rất nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới. Với những ưu điểm vượt trội so với phương thức đào tạo theo niên chế, hiện nay, phương thức đào tạo này đã được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các trường đại học ở Mỹ, Canađa, Ôxtrâylia, Niu Di Lân, Nhật Bản, Xinhgapo, Đài Loan, Philíppin, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Ấn Độ, Sênêgan, Môzămbích, Nigêria, Uganđa, Camơrun… và ở một số nước châu Âu khác.
Các nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm về quá trình áp dụng kiểu đào tạo theo học chế tín chỉ ở nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới đã khẳng định rằng phương thức đào tạo này có những ưu điểm vượt trội so với phương thức đào tạo truyền thống:
Thứ nhất, việc tự học, tự nghiên cứu của người học được đề cao, được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình. Do vậy, học chế tín chỉ phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học và giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, gia tăng sự tương tác có hiệu quả giữa người học và người dạy trong quá trình đào tạo.
Thứ hai, chương trình đào tạo trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn, với hệ thống môn học được thiết kế thành khối kiến thức chung, khối kiến thức chuyên ngành và khối kiến thức cận chuyên ngành. Mỗi khối kiến thức đều có số lượng môn học lớn hơn số các môn học hay số tín chỉ được yêu cầu đối với từng loại chương trình. Điều này giúp các nhà giáo dục tư duy một cách rõ ràng hơn, minh bạch hơn về thiết kế cấu trúc, phân bổ nội dung chương trình, cũng như về các phương pháp giảng dạy phù hợp.
Thứ ba, cho phép người học được cấp bằng một cách linh hoạt khi đã tích lũy được đầy đủ số lượng tín chỉ do cơ sở đào tạo quy định. Do vậy, người học có thể chủ động hơn trong việc hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng, tùy theo nhu cầu và khả năng của cá nhân. Điều này giúp gia tăng tính chủ động của người học, giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào thời gian triển khai chương trình đào tạo như trong phương thức đào tạo theo niên chế truyền thống.
Thứ tư, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của thị trường lao động. Khi tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, các cơ sở đào tạo nói chung và bản thân các giảng viên nói riêng bắt buộc phải có những sự cải tiến kịp thời cả về nội dung và phương pháp giảng dạy, để có thể tạo đủ sức hút đối với người học. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm gia tăng chất lượng của các chương trình đào tạo.
Thứ năm, với sự áp dụng phổ biến phương thức đào tạo này ở nhiều nước trên thế giới, các cơ sở đào tạo trong mỗi nước và giữa các nước có thể tổ chức các chương trình đào tạo liên thông, nếu công nhận chất lượng đào tạo của nhau. Điều này giúp người học có thể theo đuổi chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác nhau, với việc tiếp tục sử dụng các tín chỉ mà họ đã tích lũy được. Chẳng hạn, hiện nay người học có thể dựa vào Hệ thống tín chỉ của Mỹ (the United States Credit System - USCS) hoặc Hệ thống chuyển đổi tín chỉ của châu Âu (the European Credit Transfer System - ECTS) để được chuyển đổi chương trình học một cách dễ dàng giữa các trường áp dụng những hệ thống này.
Thứ sáu, người quản lý có thể dễ dàng xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá khả năng học tập của người học, đồng thời đánh giá được hiệu quả và thời gian làm việc của đội ngũ giảng viên. Việc áp dụng học chế tín chỉ còn giúp các cơ sở đào tạo dễ dàng cân đối ngân sách chi tiêu và nguồn nhân lực, thuận lợi cả cho việc tính toán ngân sách nội bộ và xin tài trợ từ các nguồn tài chính khác nhau. Hơn nữa, khi thực hiện tốt phương thức đào tạo theo tín chỉ, các nhà quản lý cũng có thể sử dụng nó như một phương tiện để giám sát vĩ mô, giúp cho việc quản lý hành chính trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nhận thấy những ưu điểm nổi trội của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ so với phương thức đào tạo theo niên chế truyền thống, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số nhà khoa học đã tích cực tiếp nhận và giới thiệu phương thức đào tạo này trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Năm học 1993 - 1994, Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở đào tạo đầu tiên áp dụng phương thức đào tạo tiên tiến này. Sau hai thập kỷ, đến nay đã có khá nhiều cơ sở đào tạo thực hiện chuyển đổi từ phương thức đào tạo theo niên chế sang phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Với những thành công đáng ghi nhận ở bậc giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo đã từng bước mở rộng áp dụng phương thức đào tạo theo tín chỉ sang bậc đào tạo thạc sỹ, trên cơ sở quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng và Chính phủ.
2. Đào tạo trình độ thạc sỹ theo học chế tín chỉ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - một số vấn đề đặt ra về công tác quản lý
Theo lộ trình chung trong quá trình đổi mới công tác giáo dục, đào tạo của đất nước, hoạt động đào tạo thạc sỹ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ được triển khai theo học chế tín chỉ từ năm học 2014 - 2015. Việc chuyển đổi phương thức đào tạo này đặt ra rất nhiều vấn đề, từ việc điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp học tập và giảng dạy đến cách thức quản lý hoạt động đào tạo.
Từ góc độ tiếp cận của công tác quản lý đào tạo trong hệ thống Học viện, có thể thấy rằng việc chuyển đổi phương thức đào tạo sang học chế tín chỉ đang là một thách thức lớn. Gần đây, những vấn đề về đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo thạc sỹ theo định hướng tín chỉ đã được triển khai thực hiện ở những mức độ nhất định qua hoạt động xây dựng khung chương trình, giáo trình đào tạo thạc sỹ trong khuôn khổ Đề án 1677 của Học viện. Tuy nhiên, các hoạt động đổi mới công tác quản lý đào tạo theo hướng đào tạo theo học chế tín chỉ hầu như chưa được thực hiện trong hoạt động chính thức nào. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo mới chỉ có những tri thức tương đối hạn chế về học chế tín chỉ, và hầu như chưa hình dung được những hoạt động cần triển khai để có thể chuyển đổi phương thức đào tạo. Do vậy, đứng trước yêu cầu thực hiện phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, hoạt động quản lý đào tạo trong hệ thống Học viện đang gặp khá nhiều lúng túng.
Để có thể triển khai thực hiện việc chuyển đổi phương thức đào tạo sang học chế tín chỉ từ năm học 2014 - 2015, và tiếp tục đạt được hiệu quả tốt trong những năm tiếp theo, công tác quản lý đào tạo trong hệ thống Học viện cần có những thay đổi tương đối lớn. Trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo phải thực sự am hiểu về học chế tín chỉ. Để làm được điều này, Học viện cần xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách thức tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Trên cơ sở bộ tài liệu như vậy, có thể tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trong đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo và giữa các cán bộ quản lý đào tạo với các giảng viên, những người trực tiếp truyền tải các nội dung chương trình theo định hướng mới, để tìm ra cách thức phối hợp hiệu quả. Quá trình tọa đàm, trao đổi như vậy rất cần sự tham gia, dẫn dắt của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Với hiểu biết đầy đủ về học chế tín chỉ, Vụ Quản lý đào tạo cần tham mưu với Ban Giám đốc Học viện để xây dựng lộ trình và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi phương thức đào tạo một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống Học viện. Theo lộ trình và kế hoạch đã được Ban Giám đốc Học viện phê duyệt, Vụ Quản lý đào tạo phối hợp với các đơn vị hữu quan trong Học viện như Văn phòng Học viện, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo… xây dựng các văn bản quy định liên quan tới việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ, trình Ban Giám đốc Học viện. Các văn bản này gồm:
- Quy chế đào tạo thạc sỹ theo học chế tín chỉ;
- Quy chế hoạt động khảo thí theo học chế tín chỉ;
- Quy chế công tác giảng viên theo học chế tín chỉ;
- Quy chế công tác quản lý, giám sát học viên theo học chế tín chỉ;
- Quy định đánh giá học phần theo học chế tín chỉ;
- Quy định thu học phí theo học chế tín chỉ;
- Quy định về tư vấn học tập theo học chế tín chỉ.
Đối với các yêu cầu mang tính kỹ thuật, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phương thức quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ. Việc đảm bảo kỹ thuật trong xây dựng lịch học tổng thể là vô cùng quan trọng, để vừa đảm bảo tính chất linh hoạt theo đăng ký của người học, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý hệ thống với đặc thù của công tác đào tạo trong hệ thống Học viện. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo cũng cần được trang bị đủ tri thức và kỹ năng tư vấn về chương trình đào tạo để có thể phối hợp với các giảng viên ở các viện chuyên ngành thực hiện hướng dẫn người học chọn các học phần phù hợp và xây dựng kế hoạch học tập linh hoạt cho mỗi học viên.
Với yêu cầu như vậy, rất cần phát triển và ứng dụng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin được thiết kế theo yêu cầu đặc thù của việc thực hiện học chế tín chỉ trong Học viện. Việc sử dụng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin quản lý đào tạo này cũng sẽ giúp hình thành cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo và học viên theo hệ thống tín chỉ, đáp ứng yêu cầu lưu trữ thông tin một cách hệ thống, lâu dài, theo quy định của Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ.
Về kinh nghiệm quản lý đào tạo theo phương thức học chế tín chỉ, những người làm công tác quản lý đào tạo cần tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo khác, nhất là các cơ sở đào tạo của nước ngoài. Đối với các cơ sở đào tạo trong nước, Vụ Quản lý đào tạo có thể xây dựng kế hoạch tọa đàm, trao đổi thường kỳ hoặc linh hoạt theo những yêu cầu cụ thể, tại những thời điểm cụ thể để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vấn đề đặt ra. Về kinh nghiệm quốc tế, Vụ Quản lý đào tạo cần phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế của Học viện xây dựng kế hoạch đưa các đoàn cán bộ đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về các chủ đề liên quan đến công tác tổ chức và quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ ở các hệ thống giáo dục có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng hợp tác với Học viện trong lĩnh vực này.
Để thúc đẩy tốt hơn công tác triển khai học chế tín chỉ ở bậc đào tạo thạc sỹ ở hệ thống Học viện, công tác quản lý đào tạo cũng rất cần được thực hiện song song với các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Thực hiện việc này cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cán bộ làm công tác quản lý đào tạo và những người làm công tác giảng dạy ở các viện chuyên ngành. Hai nhóm cán bộ này cần tăng cường trao đổi, rút kinh nghiệm để phối hợp thực hiện tốt các phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến theo yêu cầu của hệ thống tín chỉ. Trong quá trình thực hiện công việc, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo cũng có thể góp ý điều chỉnh những nội dung nhất định của chương trình đào tạo, với tư cách là cầu nối tiếp nhận ý kiến của học viên để chuyển tải đến những người xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo.
Việc triển khai thực hiện phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngay từ năm học 2014 - 2015 là tương đối khó khăn, với nhiều thách thức. Để có thể thực hiện tốt việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ ở bậc thạc sỹ ở Học viện, cần có sự nỗ lực rất lớn cả từ phía người học, người dạy và người làm công tác quản lý đào tạo, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Giám đốc Học viện và sự phối hợp chặt chẽ của các cá nhân, đơn vị liên quan.
_______________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014
Nguồn: TS Lê Thị Thục
Vụ Quản lý đào tạo,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Mi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét