Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

THẾ GIỚI VẤN ĐỀ-SỰ KIỆN: LÃNH ĐẠO MỸ - TRUNG SẼ THẢO LUẬN NHỮNG GÌ BÊN LỀ APEC?

     Dư luận thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco, dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay (15-11). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong một năm qua giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục tiêu "ổn định" quan hệ Mỹ-Trung vốn rơi vào tình trạng đóng băng trong một thời gian dài!
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận các yếu tố cơ bản nhất của mối quan hệ song phương Mỹ-Trung bao gồm tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường các kênh liên lạc và quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm, không để cạnh tranh biến thành xung đột. Reuters dẫn lời ông Sullivan cho rằng ngoại giao là yếu tố quan trọng, qua đó tránh được những hiểu lầm và yếu tố bất ngờ. Quan chức này cũng cho biết Washington hy vọng cuộc gặp sẽ có những kết quả cụ thể và đạt được tiến triển trong việc nối lại quan hệ giữa quân đội hai nước và ứng phó với việc mua bán fentanyl-một loại chất gây nghiện nguy hiểm đã khiến hàng chục nghìn người Mỹ tử vong trong năm 2022.

Bên cạnh đó, các nội dung thảo luận khác cũng bao gồm những vấn đề liên quan đến xung đột Hamas-Israel, xung đột Nga-Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như lĩnh vực thương mại và kinh tế.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sẵn sàng cam kết cấm sử dụng AI trong vũ khí tự động, chẳng hạn như máy bay không người lái. Theo các nguồn tin, trong khi những nguy cơ tiềm tàng của AI là trọng tâm chính, việc kiểm soát và triển khai vũ khí hạt nhân cũng sẽ là chủ đề quan trọng tại cuộc gặp ở San Francisco.

Gần đây, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những tương tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại hy vọng mới cho việc xoa dịu quan hệ song phương. Đặc biệt, ngày 6-11 vừa qua, hai bên đã nối lại tham vấn về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân vốn đã bị “đóng băng” trong nhiều năm. Hành động này được cho là nhằm tạo dựng niềm tin giữa hai nước trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, cũng như duy trì các kênh liên lạc mở, giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa hai bên. Ngoài ra cũng phải kể tới hàng loạt hoạt động song phương tiến hành kể từ tháng 6, nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp. Điều này cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều có thái độ tích cực và mong muốn giảm bớt căng thẳng trong một số vấn đề cụ thể, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế thương mại.

Còn nhớ, trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ngày 9-11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa khẳng định, Mỹ không mong muốn phá vỡ quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà mong muốn một mối quan hệ kinh tế lành mạnh với Bắc Kinh nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt gần 760 tỷ USD. Nhưng con số này đã giảm 14,5% trong nửa đầu năm nay. “Mỹ không mong muốn tách khỏi Trung Quốc. Sự tách biệt hoàn toàn giữa hai nền kinh tế sẽ là thảm họa cho cả hai nước và cho nền kinh tế thế giới”, Bộ trưởng Tài chính Yellen nói với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong.

Chính quyền Joe Biden muốn tìm cách cân bằng sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong các lĩnh vực như kinh tế, quân sự, ngoại giao và hợp tác giải quyết các thách thức chung. Mục tiêu cao nhất trong cuộc gặp sắp tới có thể là cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung đi vào chiều hướng ổn định và mang tính xây dựng hơn. Phía Mỹ cũng mong muốn trong cuộc gặp này, hai bên sẽ cùng tuyên bố nối lại kênh liên lạc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Kênh liên lạc này đã bị Trung Quốc cắt đứt từ tháng 8 năm ngoái. Mục tiêu này giúp giảm bớt căng thẳng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu. 

Cuộc gặp thượng đỉnh lần này cũng được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác mang tính xây dựng giữa hai nước trong tương lai về việc giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt là một số vấn đề nóng nhất hiện nay như Trung Đông, Ukraine.

Mặc dù giới chuyên gia không quá kỳ vọng cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc sẽ dẫn đến những thay đổi lớn cho quan hệ hai nước, nhưng chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo cùng ngồi lại với nhau cũng là tín hiệu tích cực, cho thấy hai bên đều đang nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, tránh để quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng như thời gian qua./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét