Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian qua

 Hơn 92 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng đường lối đúng đắn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân, cho đất nước; bằng mối liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ, luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng.

Từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Hội nghị Trung ương 3 khóa VII năm 1992, về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII năm 1999, về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay,... Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, qua các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, Đảng đều ban hành các nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước(18); đặc biệt là, việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả của đất nước.

Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(19). Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là tiền đề quan trọng chi phối tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị là minh chứng khẳng định năng lực, uy tín, vai trò lãnh đạo, vị thế của Đảng ta với tư cách là đảng cầm quyền. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thể hiện qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước yêu cầu mới, Đại hội XIII của Đảng đã phát triển thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cử tri các thôn: Lô Lô Chải, Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang_Ảnh: TTXVN

Chủ trương dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta ngay từ khi mới thành lập, được nhấn mạnh và cụ thể hóa hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã nhấn mạnh: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(20)theo đó, việc phát huy thực chất quyền làm chủ của nhân dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tích cực, chủ động tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là yêu cầu khách quan; thể hiện và bảo đảm rõ nét bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta luôn quán triệt, nhấn mạnh chủ trương dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hiện nay, quan điểm của Đảng ta là gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị; dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là dựa vào nhân dân để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; qua đó, góp phần thực hiện tốt và có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”.

Như vậy, nội dung của Văn kiện Đại hội XIII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng, với chủ trương dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng được thể hiện cụ thể, rõ ràng hơn ở hai khía cạnh cơ bản sau:         

Thứ nhất, Đảng dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng; theo đó, nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ, chủ trương, đường lối của Đảng. Nhân dân có quyền đóng góp ý kiến, kiến nghị đối với tổ chức đảng và chính quyền, khi phát hiện những yếu kém, khuyết điểm của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; đồng thời, nhân dân tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động đối thoại, cán bộ lãnh đạo tiếp công dân, tiếp nhận và kịp thời xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, các tổ tự quản của nhân dân ở cơ sở, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát đầu tư cộng đồng cũng là những hình thức quan trọng để nhân dân có thể tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, ngoài việc tham gia trực tiếp, nhân dân cũng gián tiếp tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu do nhân dân bầu, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, thông qua hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhằm tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật; bàn bạc, thảo luận công khai và có biện pháp xử lý phù hợp; qua đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử được nâng lên. Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể tham gia giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức năng, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình; tham gia giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, những người công tác ở các lĩnh vực “nhạy cảm” dễ nảy sinh vi phạm, tiêu cực,...

Qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(21). Có được kết quả đó, chính là do Đảng ta đã biết kế thừa, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cũng như trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân được Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa thông qua các cương lĩnh chính trị, nghị quyết đại hội, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể hóa.

Các cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh việc thực hiện công tác dân vận, gắn với tăng cường và mở rộng thực hành dân chủ, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia bàn bạc những công việc của Đảng, Nhà nước. Các hình thức góp ý với Đảng và giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được chú trọng; công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp được quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Nhiều vụ, việc tiêu cực, các biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do các cơ quan báo chí, mạng xã hội phát hiện, phản ánh, lên án, được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Các cuộc vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là việc lấy ý kiến của nhân dân về xây dựng Hiến pháp năm 2013, dự thảo các văn kiện đại hội đảng các cấp, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã trở thành các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trên cả nước.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò, trách nhiệm, sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong nội bộ một số cấp ủy, tổ chức đảng có những vụ, việc được nhân dân nêu lên, nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc giải quyết không hợp lý, thậm chí còn có hiện tượng bao che. Việc giám sát, đóng góp ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, như có đặt hòm thư góp ý ở cơ quan, đơn vị, nhưng nhận được rất ít hoặc không nhận được ý kiến đóng góp, kiến nghị của nhân dân; việc tổ chức để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đóng góp ý kiến cho cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên có lúc còn mang tính hình thức, nhận xét góp ý chung chung hoặc chỉ ca ngợi một chiều, vì ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”.

Việc tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị của nhân dân ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính quyền còn chưa nghiêm túc, dẫn đến việc xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi, sử dụng đất. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa làm tốt vai trò là chỗ dựa để nhân dân thực hiện phê bình, góp ý và giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng chưa hình thành được nhiều diễn đàn để nhân dân góp ý thường xuyên; thiếu các quy trình, cách thức tiếp thu, xử lý thông tin, nhằm phục vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là một số người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, do thiếu tu dưỡng và rèn luyện, nên sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dẫn đến bị xử lý kỷ luật của Đảng và truy tố trước pháp luật. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng với nhân dân thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa đạt hiệu quả cao; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét