Các tiết mục hát, múa, độc tấu nhạc cụ do “nghệ sĩ nhí” của các lớp lần lượt chạy chương trình rất vui vẻ. Bỗng tiếng loa vang lên lời giới thiệu rất hào hứng: "Sau đây, một ca sĩ “hot” của quê hương sẽ biểu diễn tiết mục rất đặc biệt tặng thầy và trò nhà trường".

Người dẫn chương trình vừa dứt lời thì từ trong cánh gà bước ra một thanh niên mặc trang phục của một vị vua người nước ngoài. Nhiều học sinh vỗ tay, reo hò vì nhận ra ca sĩ thị trường, "giang hồ mạng" khá nổi trên mạng xã hội. Cậu ta tự giới thiệu trước đây là học sinh cá biệt của trường với vẻ rất... tự hào, đắc chí, sau đó biểu diễn ca khúc “Vì con”, nhạc nước ngoài, lời Việt, bài hát đang được nhiều bạn trẻ yêu thích.



Nhiều học sinh đứng dậy vỗ tay và say sưa nhìn "ca sĩ mạng" vừa hát, vừa biểu diễn khá linh hoạt trên sân khấu. Rồi thật bất ngờ, trong một phút ngẫu hứng, thầy hiệu trưởng đã “nhảy" lên sâu khấu, múa phụ họa cho tiết mục của “giang hồ mạng” kia...

Chứng kiến tiết mục xô bồ và nhất là sự ngẫu hứng của thầy hiệu trưởng trẻ tuổi, một số thầy, cô giáo và cha mẹ học sinh tỏ ra không vừa lòng, xì xào bàn tán. Nhưng có lẽ bức xúc nhất là anh Giàng A Chư. Ngay từ khi "ca sĩ mạng” này bước ra sân khấu, anh Chư vừa bất ngờ vừa bất bình. Là cán bộ văn hóa của huyện, anh Chư không khỏi buồn lòng khi chứng kiến nhiều bạn trẻ coi ca sĩ "giang hồ mạng" như thần tượng và ngay cả thầy hiệu trưởng cũng nhiệt tình hưởng ứng tiết mục văn hóa ngoại lai, kiểu biểu diễn có phần lố lăng dự kiến sẽ diễn ra trong chương trình chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhiều ý nghĩa.

Anh Chư quay sang ông Mến, Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh nhà trường, bày tỏ:

- Tôi cho rằng tiết mục của ca sĩ “mạng xã hội” kia xen vào chương trình là không hợp lý chút nào.

- Ô hay, anh không thấy các cháu học sinh reo hò và vỗ tay rào rào đó sao? - Ông Mến tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Nguy hiểm chính là ở chỗ đó bác ạ! Nếu như các cháu học sinh và thầy, cô giáo phản đối tiết mục này thì lại là điều đáng mừng.

- Vậy anh giải thích xem, tiết mục ấy không hợp lý ở chỗ nào? - Ông Mến vẫn giữ quan điểm.

- Bác biết không, thực trạng đáng báo động hiện nay là thông qua quá trình giao lưu văn hóa, phim ảnh, ca nhạc, mạng xã hội... văn hóa ngoại lai đang xâm nhập ngày càng sâu vào giới trẻ, kéo theo không ít các sản phẩm văn hóa lai căng, phù phiếm, phản giáo dục... Đặc biệt, thông qua văn hóa, mạng xã hội, các thế lực thù địch đã và đang ra sức truyền bá tư tưởng phản động, hòng làm phai nhạt lý tưởng của giới trẻ để đạt được ý đồ xấu xa của chúng. Đành rằng văn hóa nước người cũng có những mặt tích cực cần nghiên cứu, học tập, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng nếu chúng ta không định hướng và các bạn trẻ không biết cách tiếp thu có chọn lọc, thì chẳng mấy chốc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc sẽ trở nên xa lạ với thế hệ trẻ. Thử hỏi, con em chúng ta mà coi cậu ca sĩ "giang hồ mạng", trước đây là học sinh cá biệt của trường, như là thần tượng thì có đáng lo không?

- Anh nói thì tôi mới hiểu sâu thêm. Về việc này, lát nữa tôi và anh phải có trách nhiệm góp ý ngay với nhà trường, với thầy hiệu trưởng nhé!